23/10/2020 8:10  
Những ngày này, bên cạnh cuộc đua vào Nhà Trắng, giới quan sát quốc tế còn quan tâm đến cuộc cạnh tranh giữa hai người phụ nữ là bà Yoo Myung-hee, đương kim Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc, và bà Ngozi Okonjo-Iweala, cựu Bộ trưởng Tài chính Nigeria, để giành ghế Tổng giám đốc WTO.
Từ 8 ứng viên ban đầu, sau 2 vòng chọn lựa thì đây là hai ứng viên còn lại trong vòng 3 - cũng là vòng cuối cùng - dự kiến kết thúc hoạt động vận động và có kết quả chọn lựa vào cuối tháng 10.
Ra đời cách đây 25 năm, WTO được kỳ vọng trở thành một trong các trụ cột của hòa bình và thịnh vượng toàn cầu. Tuy nhiên, trong vài năm qua, cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ, EU lẫn Trung Quốc khiến tổ chức này bị suy yếu. Giờ đây, cả hai nữ ứng viên trên đều khẳng định sẽ đưa WTO trở lại đúng vai trò.

Kẻ tám lạng, người nửa cân

Xét về kinh nghiệm, cả hai ứng viên đều có bảng thành tích nổi bật. Bà Yoo có kiến thức chuyên môn sâu rộng về thương mại đa phương quốc tế và từng đảm nhận nhiều vị trí công việc trong mảng này từ thập niên 1990. Từ đó đến nay, Hàn Quốc cũng có những bước phát triển bứt phá, trở thành một trong các nền kinh tế hàng đầu ở châu Á.
Trong khi đó, bà Ngozi Okonjo-Iweala là một nhà kinh tế học nổi tiếng, có nhiều năm nắm giữ vị trí chủ chốt ở Ngân hàng Thế giới (WB) với nhiều thành tích ấn tượng, đồng thời từng là Bộ trưởng Tài chính của Nigeria. Tuy nhiên, bà lại bị đánh giá chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Về vấn đề này, bà từng phản biện rằng “sự chọn lựa vị trí Tổng giám đốc WTO không nên chỉ dựa trên chuyên môn, mà trên hết cần sự táo bạo, can đảm”.

Lợi thế của ứng viên châu Á

Các nước châu Á có lẽ sẽ xem xét sự đánh giá của các nước khác trong khu vực, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, về hai ứng viên để đưa ra chọn lựa. Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc có xu hướng ủng hộ ứng viên Nigeria, nhất là khi Bắc Kinh có thể thuyết phục bà lựa chọn người phó đến từ Trung Quốc. Tuy nhiên, mới đây, bà Ngozi Okonjo-Iweala đã có quốc tịch Mỹ. Điều này có thể không phù hợp với định hướng của Bắc Kinh, vốn thường gặp nhiều bất đồng với người Mỹ ở WTO.
Ở phía ngược lại, Bộ trưởng Yoo Myung-hee dường như đang nhận được sự ủng hộ của Nhật Bản, dù giữa Tokyo và Seoul vẫn còn nhiều bất đồng. Bên cạnh đó, định hướng tái cấu trúc WTO mà bà Yoo đưa ra dựa trên lợi ích thương mại chung cũng có nhiều điểm tương đồng với chính sách của tân Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga.
Trong khi đó, Hàn Quốc là đồng minh quân sự của Mỹ, nhưng lại có một đối tác thương mại quan trọng là Trung Quốc. Những năm gần đây, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã cẩn trọng không thể hiện sự ủng hộ đối với các chính sách chống Trung Quốc mà Mỹ đưa ra.
Ứng viên Yoo cũng thể hiện một thái độ tương tự, cố gắng thể hiện là một “cầu nối” để giải quyết các tranh chấp thương mại giữa các nước, nhằm mục đích vượt qua sự chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như giữa các nước giàu và các nước đang phát triển.
Với các quốc gia Đông Nam Á, việc chọn lựa bà Yoo có thể được ưu tiên, bởi Hàn Quốc vẫn là một đối tác thương mại lớn của hầu hết các quốc gia trong khu vực suốt nhiều năm qua. Trong khi đó, quan hệ thương mại giữa Nigeria với các nước Đông Nam Á vẫn còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, cũng phải kể đến các yếu tố phụ trợ trong các quan hệ khác. Điển hình như hình ảnh Hàn Quốc ở Việt Nam cũng có nhiều tích cực hơn sau khi huấn luyện viên Park Hang-seo dẫn dắt đội tuyển bóng đá Việt Nam đạt nhiều thành tích ấn tượng.
Mặt khác, Hàn Quốc đã chứng tỏ được sự thành công nhất định trong việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và nước này đang muốn chia sẻ hệ thống theo dõi bệnh dịch với các nước đang phát triển. Nên đây có thể là một điểm cộng để ứng viên Yoo nhận sự ủng hộ từ các nước đang phát triển trong WTO.
Hàn Quốc cũng được xếp thứ hạng cao về thành tích chống tham nhũng. Nước này được xếp thứ 39 về chỉ số nhận thức chống tham nhũng do Tổ chức Minh bạch quốc tế công bố năm 2019. Trong bảng xếp hạng này, Nigeria đứng ở vị trí 146.
Liên quan vấn đề tham nhũng, ứng viên Ngozi Okonjo-Iweala bị chỉ trích có trách nhiệm trong việc để hao hụt hàng tỉ USD mỗi năm trong nguồn thu từ xuất khẩu dầu khí của Nigeria dưới thời bà làm Bộ trưởng Tài chính nước này.
Từ những yếu tố trên, ứng viên Hàn Quốc không chỉ có lợi thế về thương mại quốc tế mà còn hơn thế nữa. Ngoài ra, nếu đắc cử chức Tổng giám đốc WTO, bà Yoo giúp vị thế của Hàn Quốc tăng lên, đồng thời đem đến một luồng gió mới kết nối các thành viên WTO.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   Ngân hàng   Nhà Trắng   Nhật Bản   Trung Quốc   Tài chính   Tổng thống   Việt Nam   chính sách   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...