31/03/2021 11:06  
Trao đổi với báo chí sáng nay, 31.3, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, từ hôm nay, Bộ GTVT thống nhất với TP.Hà Nội bắt đầu kiểm đếm, tiếp nhận hồ sơ, tài liệu và tài sản cấp cơ sở giữa Ban Quản lý dự án đường sắt và Metro Hà Nội.
Dự kiến 3 - 4 tuần tới sẽ hoàn tất bàn giao. Trên cơ sở báo cáo thực hiện của hai đơn vị, Bộ GTVT và UBND TP.Hà Nội sẽ thống nhất thời điểm bàn giao, đưa dự án vào vận hành, khai thác dự án Cát Linh - Hà Đông.

"Công tác bàn giao quy mô lớn danh mục và trách nhiệm bàn giao 3 bên, Bộ GTVT phải ký với TP.Hà Nội thì mới là bàn giao chính thức. Hôm nay chỉ là bắt đầu quá trình kiểm đếm và tiếp nhận, vì tiếp nhận là từ cơ sở", ông Đông nói.

Mốc 31.3 cũng là mốc yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ trước đó về thời điểm bàn giao của dự án Cát Linh - Hà Đông. “Có thể khẳng định tới thời điểm này dự án hoàn thành đúng tiến độ Thủ tướng giao về đầu tư, xây dựng lắp đặt, hiện đang tiếp tục quá trình bàn giao”, ông Đông nói và cho biết, hiện đã thanh toán theo hợp đồng cho tổng thầu theo tiến độ, sau khi bàn giao và cấp chứng chỉ cuối cùng sẽ thanh toán 99% giá trị hợp đồng.
Trước đó, Tư vấn Pháp đã đưa ra nhiều khuyến cáo cho dự án như công tác phòng cháy chữa cháy. Ông Đông cho biết, có những khuyến cáo không nằm trong thiết kế ban đầu nhưng đang được khắc phục như hệ thống vận hành phải nhuần nhuyễn hơn, tình huống khẩn cấp bất ngờ phải diễn tập. Các tiêu chuẩn đánh giá kỹ thuật của dự án cơ bản vẫn dựa theo tiêu chuẩn Trung Quốc như hợp đồng đã ký ban đầu, Tư vấn Pháp đánh giá trên cơ sở tham chiếu này và có bổ sung một số quy định mới.
Đã khắc phục bước đầu về phòng cháy chữa cháy, dự án đã được Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy cấp chứng chỉ phòng cháy chữa cháy, di dời cây xăng La Khê thì UBND TP.Hà Nội sẽ di dời. Những khuyến cáo để nâng cao an toàn, sửa quy trình khai thác hoặc Hà Nội sẽ cam kết đầu tư thêm trong tương lai như ke ga (cần kính chắn cho an toàn), thêm người cảnh giới, có đường dẫn.
“Đây là dự án rất lớn, quy mô phức tạp, kéo dài rất nhiều năm trong điều kiện khó khăn do hệ thống luật pháp, tiêu chuẩn chưa đồng bộ. Chúng tôi xác định dự án kéo dài qua nhiều thời kỳ, nhưng năng lực quản lý dự án còn nhiều hạn chế và cũng có tác động. Bộ GTVT sẽ rút ra nhiều bài học từ dự án thí điểm trong tương lai”, ông Đông nói.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho rằng, bài học kinh nghiệm với các siêu dự án trong tương lai, phải chuẩn bị lộ trình vừa chuẩn bị đầu tư cần đi học những cái mới ở nước ngoài về trước khi tiến hành dự án.

Chuyên gia Trung Quốc đang cách ly

Ông Đông cho biết, TP.Hà Nội đã hợp tác rất tích cực với Bộ GTVT trong thời gian qua. "Tổng thầu Trung Quốc cũng đã phối hợp rà soát để ký nghiệm thu, xác định các vấn đề được khuyến cáo. Đánh giá là tổng thầu có phối hợp tích cực, nhưng chúng tôi vẫn yêu cầu phía tổng thầu phải phối hợp tích cực hơn nữa”, ông Đông nói.
Trước câu hỏi Bộ GTVT sẽ làm gì nếu trong 1 tháng tới chưa thể vận hành thương mại chính thức, ông Đông cho biết khi đó sẽ phải có quyết sách.
“Tuy nhiên, phải xác định là hoàn thành, trong những tháng vừa qua chạy liên tục để duy trì hệ thống. Đội ngũ vận hành, duy tu bảo dưỡng cũng liên tục triển khai để có kinh nghiệm và vận hành nhuần nhuyễn”, ông Đông cho hay.
Về phía Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết các chuyên gia của liên danh nhà thầu Trung Quốc đã sang Việt Nam và đang cách ly theo quy định. Trong thời gian dự án vận hành (trong 1 năm đầu), chuyên gia Trung Quốc sẽ tham gia hướng dẫn, vận hành cùng với nhân sự của Metro Hà Nội.
Một số hình ảnh vận hành của tàu Cát Linh - Hà Đông sáng nay:

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Hà Nội   Lãnh đạo   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   hợp tác   Đường sắt  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...