23/10/2020 21:21  
Tại Đà Nẵng, tỷ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo ngày càng tăng, công chức, viên chức nữ không ngừng được trẻ hóa và nâng cao trình độ góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Địa vị người phụ nữ ngày càng được khẳng định

Trong 2 ngày 22-23/10, Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng phối hợp với UBND quận Thanh Khê và UBND quận Sơn Trà tổ chức Hội nghị tập huấn công tác bình đẳng giới năm 2020 với chủ đề “Bình đẳng giới trong gia đình, phòng ngừa và ứng phó với bạn lực trên cơ sở giới”.

Theo Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, hội đoàn thể, đặc biệt là sự nỗ lực của chính bản thân phụ nữ, công tác bình đẳng giới trên địa bàn thành phố từ năm 2011 đến nay đã đã có nhiều chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo ngày càng tăng, công chức, viên chức nữ không ngừng được trẻ hóa và nâng cao trình độ đã góp phần tạo nên một bộ máy hành chính năng động, hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển nhanh của thành phố. Nhận thức xã hội về bình đẳng giới ngày càng được nâng lên, địa vị người phụ nữ trong xã hội và gia đình ngày càng được khẳng định.

Năm 2015, Đà Nẵng có 14/35 đơn vị có cán bộ chủ chốt là nữ, đạt tỷ lệ 40%, đến năm 2019, tỷ lệ này đã tăng lên 68%.

Năm 2020, 63% số cơ quan của Đảng, đoàn thể và quản lý nhà nước có lãnh đạo chủ chốt là nữ nếu ở đó có trên 30% nữ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp cũng cải thiện đáng kể: Nhiệm kỳ 2011-2016 cấp thành phố 28% (14 nữ/50 đại biểu), cấp xã 27,8% (Đà Nẵng được chọn thí điểm không tổ chức HĐND cấp huyện); nhiệm kỳ 2016 - 2020 cấp thành phố đạt 24%, cấp huyện 31,6% và cấp xã 35,2% (tăng 7% so với nhiệm kỳ trước).

Về việc làm, tỷ lệ nữ được tạo việc làm mới chiếm 51,5% trong tổng số người được tạo việc làm mới. Năm 2019, tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 45 tuổi được đào tạo nghệ và chuyên môn kỹ thuật đạt 51,5% trong tổng số lao động nông thôn được đào tạo nghề.

Từ năm 2015 đến nay, 100% phụ nữ nghèo ở vùng nông thôn, vùng dân tộc thiểu số có nhu cầu vay vốn được vay vốn ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức khác.

Chương trình phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Đà Nẵng từ tháng 4/2009 với gói dịch vụ Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Giai đoạn 2011 - 2015, đã thực hiện xét nghiệm sàng lọc HIV miễn phí cho 9.700 phụ nữ mang thai. Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 100%. Tỷ lệ nạo phá thai giảm từ gần 39% năm 2015 đến nay còn hơn 23%.

Xây dựng, nhân rộng các mô hình bình đẳng giới

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, để công tác bình đẳng giới trên địa bàn đã được những kết quả tích cực, trong những năm qua, Đà Nẵng đã triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, biện pháp. Hàng năm, Ban Thường vụ Thành uỷ đã chỉ đạo tổ chức đánh giá cán bộ, rà soát và bổ sung quy hoạch cán bộ, xem xét cơ cấu, bố trí cán bộ nữ ở các ngành, các lĩnh vực, đảm bảo tỷ lệ và chất lượng.

Trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND thành phố và thuộc sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, số lượng cán bộ nữ cử đi đào tạo, bồi dưỡng đạt trên 40% so với tổng số cán bộ, công chức, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng.

Đối với huyện Hòa Vang, giai đoạn 2016 - 2020 tất cả 11 xã của huyện đều áp dụng tiêu chí về bình đẳng giới để đánh giá danh hiệu xã đạt nông thôn mới trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Đến nay đã có 11/11 xã trên của huyện Hòa Vang đều có cán bộ chủ chốt là nữ. Nhờ đó, tỷ lệ nữ giữ các vị trí lãnh đạo trên địa bàn thành phố ngày càng tăng, đặc biệt hiện nay đã có một lãnh đạo người dân tộc thiểu số là chủ tịch UBND phường.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng tích cực tham mưu ban hành nhiều cơ chế, chính sách nổi bật về giải quyết việc làm. Kết quả, bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho hơn 31.000 lao động, nhờ vậy, tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2019 là 4,27%;

Năm 2019, toàn thành phố có gần 32.300 doanh nghiệp hoạt động, trong đó có hơn 7.600 doanh nghiệp do nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 23,7%, chủ yếu là doanh nghiệp trong các lĩnh vực lương thực, thực phẩm, may mặc, giáo dục ngoài công lập và dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, lĩnh vực kinh tế phi chính thức như: thợ uốn tóc, nghề may đo tại nhà, thợ xây dựng tự do và những người tự nguyện làm việc... là lĩnh vực tạo ra rất nhiều việc làm cho phụ nữ.

Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cũng cho hay, trong thời gian tới, Đà Nẵng tiếp tục đẩy mạnh truyền thông thay đổi nhận thức, hành vi về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ, chú trọng đa dạng hình thức và tài liệu tuyên truyền cho các đối tượng khác nhau. Thực hiện có hiệu quả các biện pháp thực hiện lồng ghép giới trong chính sách phát triển nguồn nhân lực, trong công tác tổ chức cán bộ. Tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới…

Khánh Hồng

Nguồn tin: dantri.com.vn


Bệnh viện   Sơn Trà   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hành vi   quy hoạch   thực phẩm   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...