20/01/2021 0:05  

Độc, lạ” chưa tung hàng đã gần hết

Không chỉ là vựa nông sản của cả nước, ĐBSCL còn được xem là vựa cung cấp đặc sản cho thị trường, đặc biệt nhộn nhịp vào dịp Tết Nguyên đán.
Ngày 18.1, còn hơn 3 tuần nữa là Tết Nguyên đán, tiếp chúng tôi ngay tại nhà vườn, ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sản xuất trái cây tạo hình ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, H.Châu Thành, Hậu Giang), cho biết dù gặp rất nhiều khó khăn về thời tiết, nhưng câu lạc bộ vẫn sản xuất được khoảng 2.000 trái bưởi hồ lô để cung cấp cho thị trường tết. Sản lượng chỉ bằng một nửa năm ngoái nên giá bán dự kiến cũng sẽ cao hơn, từ 400.000 - 1,3 triệu đồng/trái tùy loại (cao hơn năm ngoái 100.000 - 200.000 đồng/trái). Với mức giá tăng 10 - 25% như vậy, nhưng ông Thành tỏ ra khá lạc quan sẽ tiêu thụ hết sớm. Tại Cần Thơ, một chủ trang trại với đặc sản “độc nhất vô nhị” của nhà vườn dùng bán chưng tết năm nay là nho bon sai cũng cho biết “hàng chưa ra nhưng khách đặt mua gần hết rồi”.
Ông Nguyễn Văn Phong, chủ Nông trại sạch Cần Thơ (Cantho Farm), lần đầu tiên trang trại trồng hơn 200 chậu nho bon sai để bán chưng tết với giá từ 500.000 - 3,5 triệu đồng/chậu. Để tạo ra sản phẩm nho bon sai độc đáo này, ông Phong đã mất nhiều năm trồng thí điểm với sự hỗ trợ của kỹ sư từ Ninh Thuận vào. “Chọn và trồng gốc ghép, khoảng 2 tháng sau mới tiến hành ghép, 25 ngày sau là có bông và một tháng sau là ra chùm nho. Việc chăm sóc hằng ngày cũng phải thuê kỹ thuật riêng chăm sóc, cắt tỉa trái, vệ sinh, chăm bón phân...”, ông Phong nói.
Không chỉ có “chơi tết”, “ăn tết” cũng được chuẩn bị khá “rôm rả” để bung bán tết. Tại Cần Thơ, bà Nguyễn Thị Phương Anh, chủ cửa hàng đặc sản Chất (số 96 đường 3/2, Q.Ninh Kiều), một trong những đầu mối cung cấp gạo ST25 của Doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, cho biết ngoài các loại đặc sản đã bán nhiều năm như tôm khô, bánh phồng tôm, rượu địa phương thì tết năm nay, gạo ST25 trở thành mặt hàng chính ở cửa hàng. Đến nay, cửa hàng đã nhập về 10 tấn gạo ST25, gấp đôi so với năm ngoái nhưng nửa số đó đã có người đặt mua.
Trong dịp giới thiệu giỏ quà Tết cuối năm 2020 của phiên chợ xanh tết, những sản phẩm quê được chăm chút từ màu sắc đến thiết kế mẫu mã, bỏ trong những hộp quà mộc mạc đã níu chân người xem. Thông điệp của các nhà sản xuất đưa ra trong giỏ quà tết này khá giản dị, là món ngon cũ, cách nhìn mới. Hay nói đúng hơn là khoác những chiếc áo mới cho đặc sản vùng miền. Vẫn là những hộp đậu phộng truyền thống Cần Thơ, tôm khô rừng Cà Mau, mứt sơ ri Tiền Giang, cà phê Lâm Đồng, rượu vang Phan Rang, khô bò xông khói Đồng Tháp, khô gà lá trúc, mứt hoa bụt giấm... song các nhà sản xuất chăm chút mẫu mã mới cạnh tranh được. Ngay trong ngày giới thiệu, sản phẩm được nhiều đơn vị quan tâm, tìm hiểu đặt hàng.
Tuy nhiên, nhìn chung, nhu cầu mua thực phẩm đón tết vẫn còn khá dè dặt, mặc dù chỉ còn hơn 3 tuần nữa là tết. Anh Nguyễn Tiến Phương, chủ Cơ sở cá khô Tiến Phương ở ấp Phú Lợi B, xã Phú Thuận B, H.Hồng Ngự, Đồng Tháp, thông tin mọi năm mùa tết anh bán ra thị trường 3 tấn khô cá lóc các loại, năm nay khoảng 2 tấn (giảm 30%) vì dịch bệnh Covid-19 kéo dài, sản xuất đình đốn. Thế nhưng, lượng khách đặt mua hàng cũng giảm mạnh từ 30 - 40% so với dịp này năm ngoái. Tương tự, các nhà vườn trồng quýt hồng ở Lai Vung (Đồng Tháp) cũng cho biết do ảnh hưởng của dịch bệnh vàng lá thối rễ nên cây quýt hồng chết khá nhiều, diện tích trồng theo đó giảm mạnh, từ 500 ha năm ngoái, nay còn 300 ha. Dự kiến tết này, quýt hồng của huyện cung ứng cho thị trường khoảng 4.000 tấn, giảm gần một nửa so với các năm trước.

Người Sài Gòn chờ hàng “độc, lạ”

Ngày 18.1, dạo một vòng các chợ dân sinh khu vực TP.HCM, đặc sản tết còn khá khiêm tốn, nhưng không khí tại các chợ đầu mối lại khá rộn rã. Tại chợ An Đông, chợ Bình Tây, mứt bánh kẹo đã kịp “đổ” về nhiều hơn so với cách đây 2 tuần chúng tôi ghé chợ. Một số sản phẩm mới so với tuần trước cũng kịp lên kệ như mứt cóc miếng sấy dẻo lắc cay, cà bi sấy dẻo, chanh sấy dẻo. Đặc biệt, có rất nhiều loại bánh nhập được người bán dán nhãn bánh rau củ Thái Lan, bánh trứng muối Đài Loan... bán theo ký, từ 100.000 - 130.000 đồng/kg.
Tương tự, trên các quầy kệ hệ thống siêu thị lớn tại TP.HCM chưng ngập những giỏ quà tết bắt mắt. Theo ghi nhận, những giỏ quà tết năm nay được xây dựng theo mệnh giá thấp nhiều hơn, đánh vào phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp. Chẳng hạn, tại hệ thống đại siêu thị GO/Big C giới thiệu trên 40 loại giỏ, hộp quà tết, có giá bình dân “hạt dẻ” nhất là 99.000 đồng/giỏ đến mức cao lên đến 3 triệu đồng/hộp, giỏ quà. Trong mỗi giỏ, có đầy đủ sản phẩm đặc trưng ngày tết như bánh, mứt, thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm đóng gói, trà, rượu. Đặc biệt, nhiều giỏ quà với nhiều chủ đề khác nhau, dưới các tên gọi: hộp quà tết sum họp (99.000 đồng), xuân đại phát (500.000 đồng), tết phát lộc (450.000 đồng), xuân thịnh vượng (600.000 đồng)... Tại siêu thị VinMart & VinMart+, nhà bán lẻ Masan đã ra mắt 3 nhóm sản phẩm giỏ quà tặng tết phổ thông với các mức giá từ 399.000 đồng, 499.000 đồng và 699.000 đồng/giỏ.
Trao đổi với một số khách hàng đang mua sắm tại quầy  thực phẩm tết ở siêu thị Lotte Mart (Q.11, TP.HCM), đa số cho biết họ tìm đến siêu thị mua hàng đại trà thôi, hàng độc lạ thì vẫn phải chờ và phải chịu khó đi nhiều nơi, nhiều chợ mới có được. Bà Mai Lan (Q.11) đang lựa mua giỏ quà nói: “Muốn mua giỏ mộc mộc, thân thiện môi trường, không có nhiều giấy bóng kiếng gói thế này, nhưng khó quá. Muốn mua loại đó, phải tìm trên mạng mà không biết tìm có ra không”.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến, sáng lập Công ty Trà Quế - chuyên thiết kế và tư vấn thương hiệu cho doanh nghiệp - cho rằng đặc sản cho tết tất nhiên bao bì sản phẩm phải tạo cảm giác tết, phối hợp nhiều màu sắc bắt mắt. Quan trọng nhất với các sản phẩm chế biến làm quà tết năm nay rất chú trọng yếu tố kết hợp vừa hiện đại vừa truyền thống. Tuy nhiên, những giỏ quà tết kiểu đó phải do doanh nghiệp đặt hàng, người tiêu dùng muốn có thể đến trực tiếp tại công ty, phiên chợ xanh tết... chứ không dễ tìm mua đại trà tại bất kỳ đâu trong siêu thị.

Đặc sản phải “ngon, bổ, rẻ”

Giá gạo ST25 được bán tại Cần Thơ giá 165.000 đồng/bịch 5 kg (33.000 đồng/kg). Tuy nhiên, tại một số cửa hàng bán gạo đặc sản khu vực TP.HCM, giá bán cao hơn, từ 40.000 - 50.000 đồng/kg. Khảo sát người mua sắm hàng đặc sản tết tại siêu thị và chợ cho thấy đa số cho rằng người tiêu dùng muốn mua hàng đặc sản “độc, lạ”, an toàn và ngon, nhưng phải rẻ. Bà Phạm Thị Hoa (ngụ đường Trần Quang Diệu, Q.3) nói: “Trong nhà cũng phải sắm tết, nhưng mua đơn giản thôi. Thu nhập trong nhà giảm mạnh nên không đứa nào mặn mà sắm tết nhất hết. Hoặc nếu mua sắm, cũng chỉ ưu tiên các thực phẩm thiết yếu thôi, còn các thứ khác, chắc hạn chế bớt”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá bán một số đặc sản vùng miền tết năm nay so với năm ngoái tăng tầm 10 - 15%. Chẳng hạn, chả bò Huế theo kiểu truyền thống tại một số cửa hàng chuyên bán đặc sản tết ở TP.HCM, giá bán năm ngoái 300.000 - 320.000 đồng/kg, nay rao giá đặt hàng tết từ 350.000 - 400.000 đồng/kg. Tương tự, tại cửa hàng chuyên bán đặc sản miền Bắc ở TP.HCM, miến dong Phia Đén của Cao Bằng ngày thường bán giá 160.000 đồng/kg, nay lên 180.000 đồng/kg. Đặc biệt, nhiều đặc sản nông sản của các cơ sở nhỏ làm bán tết, rất nỗ lực chăm chút hình thức, song giá bán thường cao hơn sản phẩm cùng loại được sản xuất số lượng lớn.
Bà Nguyễn Thị Xuân Yến nhận xét điểm yếu hay nói đúng hơn là yếu tố làm sụt giảm khả năng cạnh tranh của đặc sản tết Việt vẫn là giá cả. Đa số mặt hàng “là lạ” này được làm bởi các cơ sở nhỏ lẻ. Đầu tư ban đầu yếu, không đủ tiền để mua lượng lớn nguyên liệu nên giá thành sản xuất thường cao hơn so với các doanh nghiệp làm đại trà. Chẳng hạn, hạt điều đại trà giá 120.000 đồng/hộp nhưng hạt điều rang củi, bỏ bao bì thân thiện, giá thành cùng trọng lượng phải lên đến 200.000 đồng/hộp. “Như vậy, nếu cạnh tranh về giá, các cơ sở làm hàng ngon, an toàn thường sẽ thua các điểm sản xuất lớn. Song đổi lại, nếu khách hàng quan tâm chất lượng, ít chú ý giá thành do tâm lý mỗi năm chỉ có 3 ngày tết, sẽ là nguồn khách hàng lâu năm cho đặc sản Việt kiểu này”, bà Yến nhận xét và lấy ví dụ với sản phẩm tôm khô sinh thái, giá cao gấp rưỡi trên thị trường, nếu khách thích, vẫn mua. “Bởi trong thực tế, đặc sản không có khái niệm loại 1, loại 2. Đặc sản là đặc biệt. Vậy thôi. Và tết đến, tâm lý người Việt thường sẵn lòng “tiêu sang” chút chỉ vì chút đặc biệt này”, bà Yến nói tiếp.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Covid   Covid-19   HCM   Người Sài Gòn   doanh nghiệp   món ngon   sản xuất   thực phẩm   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...