08/11/2020 19:35  
- Liên tiếp các vụ giang hồ nổ súng dằn mặt, thanh toán nhau hoặc đòi nợ xảy ra thời gian gần đây khiến dư luận hoang mang và đặt câu hỏi: Nguồn gốc súng đạn các đối tượng sử dụng từ đâu mà có? 
Mới đây, cơ quan chức năng đã khởi tố bắt tạm giam 3 tháng với một "đại ca giang hồ" rút súng "nã đạn" vào nhà con nợ gây xôn xao dư luận.
Theo đó, Ngô Đức Bảo (SN 1993, trú tại thị trấn Cẩm Xuyên, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã đến nhà anh Ng.V.H (SN: 1992, trú tại xã Cẩm Dương, huyện Cẩm Xuyên) để đòi nợ nhưng không ai ở nhà. "Đại ca giang hồ" lập tức ra xe ô tô lấy khẩu súng ngắn rồi nhắm vào nhà con nợ "nã đạn".
Hậu quả, một số tài sản trong nhà Ng.V.H bị hư hỏng. Kết quả trưng cầu giám định, khẩu súng do Bảo sử dụng là vũ khí quân dụng, bắn đạn cỡ 9mm.
Đây chỉ là một trong rất nhiều vụ sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí, vũ khí quân dụng được báo chí thông tin trong thời gian qua. Từ đâu mà các đối tượng tội phạm, đối tượng giang hồ lại có thể dễ dàng có trong tay súng đạn để thực hiện hành vi phạm tội? 
Qua lời khai của các đối tượng sử dụng, tàng trữ trái phép vũ khí thì có nhiều nguồn cung cấp. Tuy nhiên, có một chi tiết khiến nhiều người phải giật mình. Cùng với sự phát triển của internet, mạng xã hội và thương mại điện tử. Thời buổi 4.0, người ta có thể lên mạng để mua bán mọi thứ và súng đạn cũng không phải là mặt hàng ngoại lệ. 
Mới đây, sau thử súng bắn chết 1 sinh viên Đại học GTVT ở Hà Nội, trung úy Nguyễn Xuân T. (SN 199, hộ khẩu tại Đống Đa, Hà Nội) khai mua khẩu súng hơi trên mạng xã hội. Sau đó, trung úy T. mang ra khoe với bạn ở quán nước, tưởng rằng trong súng không có đạn nên bóp cò và viên đạn bay sang bên đường làm chết oan 1 nam sinh viên. 
Cũng từ mạng xã hội, bị cáo Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980, xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội) khai tại tòa rằng đã nhận chỉ đạo của Lê Đình Kình (cùng trú tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) cầm 30 triệu đồng mua 10 quả lựu đạn của 1 đối tượng không quen biết trên internet. 
Sau đó, số lựu đạn này được các đối tượng sử dụng để ném vào lực lượng chức năng trong vụ án Đồng Tâm chấn động dư luận. 
Trong 1 vụ án việc khác xảy ra tại Đồng Nai vào tháng 10/2020, Đào Duy Khánh (20 tuổi, ngụ ấp 4, xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) khai đã lên mạng xã hội Facebook mua một khẩu súng Rulo kim loại ZP-5 và 10 viên đạn của một đối tượng không rõ nhân thân, lai lịch, với số tiền 9,6 triệu đồng.
Hai đối tượng thống nhất súng và đạn được giao qua xe khách, còn tiền thanh toán qua hình thức chuyển khoản.
Sau đó, Khánh được nhân viên của một xe khách gọi điện đến bến xe tại TP.Biên Hòa nhận một gói hàng. Sau khi mở ra kiểm tra bên trong có một khẩu súng và một số viên đạn.
Khánh cho biết thêm, do chưa trả tiền súng và đạn cho đối tượng bán nên giữa 2 bên có xảy ra cãi vã rồi chặn Facebook của nhau.
Khánh đã lắp đạn vào súng bắn chỉ thiên lên trời 4 lần khi không ai ở nhà. Sau đó Khánh bị phát hiện và cơ quan công an mời lên làm việc.
Ngoài khẩu súng và số đạn nói trên, Khánh còn giao nộp một khẩu súng hơi nhãn hiệu FX AIRGUNS, mua qua mạng xã hội Facebook, với giá 10 triệu đồng; một sườn súng bằng kim loại kiểu dáng súng Rulo đã bị hư hỏng do Khánh đập và đốt để tiêu hủy, với số tiền đã mua là 2 triệu đồng.
Thực tế, qua khảo sát của PV, chỉ cần lên internet hoặc vào mạng xã hội là có thể dễ dàng tìm kiếm những thông tin về các trang cung cấp, mua bán vũ khí. Ở đó có đủ loại vũ khí từ súng tự chế, súng hơi cho đến vũ khí quân dụng. 
Để tạo uy tín, các trang bán hàng này còn quảng cáo, có video hướng dẫn cách lắp ráp, sử dụng các loại súng. Giá cả cũng tùy loại, từ vài trăm nghìn cho tới vài chục triệu đồng/súng. 
Dường như với loại hình bán hàng qua internet hiện nay, cơ quan chức năng đang gặp khó khăn trong việc quản lý, ngăn chặn bởi thủ đoạn hoạt động hết sức tinh vi. 
Đinh Văn Thực (SN 1992, trú tại xã Quang Tiến, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang), người vừa bị bắt năm 2020 về tội tàng trữ, mua bán trái phép vũ khí, vật liệu nổ thông qua mạng Internet khai nhận.
Thông qua các website, fanpage, kênh Youtube bán hàng tại các shop như: Shoptuve.com, shop dụng cụ tự vệ, phụ kiện PCP 567... Thực đã bán ra nhiều vũ khí đi khắp cả nước.
Việc giao hàng tiến hành qua 2 hình thức. Đó là chuyển hàng cho khách qua nhà xe: Các đối tượng sẽ lắp ráp hoàn chỉnh 1 khẩu súng rồi đóng gói cẩn thận, chuyển súng qua nhà xe cho khách hàng.
Sau đó, khách hàng sẽ thanh toán số tiền còn lại thông qua nhà xe sau khi nhận hàng. Đối với việc chuyển hàng qua dịch vụ chuyển phát COD, các đối tượng sẽ chia các chi tiết linh kiện súng và đóng gói thành 3 đến 4 gói hàng rồi chuyển các gói hàng qua dịch vụ chuyển phát. Công ty chuyển phát sẽ thu số tiền còn lại khi giao hàng cho khách.
Quay trở lại vụ việc ở Hà Tĩnh, có thể đối tượng mua vũ khí từ 1 nguồn nào đó nhưng thực tế cho thấy, việc mua vũ khí hiện nay khá dễ dàng thông qua mạng xã hội. Đây là 1 kẽ hỡ mà các cơ quan chức năng cần sớm kiểm soát để tránh hậu quả khôn lường. 
Trước tình hình rao bán vũ khí, công cụ hỗ trợ phức tạp trên không gian mạng, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ báo cáo Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Điều 3 của Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ nhằm tạo hành lang pháp lý để xử lý nghiêm các hành vi chế tạo, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự vũ khí quân dụng, trong đó có các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.
Thời gian tới, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội.
Đồng thời, lực lượng Công an tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành nhằm ngăn chặn, xử lý tình trạng rao bán vũ khí và công cụ hỗ trợ trên các trang mạng xã hội, nhất là phối hợp với các cơ quan thông tin và truyền thông tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để không thực hiện các hành vi mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ trên mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bưu điện, dịch vụ chuyển phát nhanh để phát hiện các đối tượng mua bán vũ khí, công cụ hỗ trợ qua mạng xã hội; phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet rà soát, phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân sử dụng các website, mạng xã hội, thuê bao viễn thông đăng tải thông tin, bài viết, hình ảnh liên quan đến hoạt động mua bán, hướng dẫn chế tạo, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép.
>>> Xem thêm video: Phá đường dây mua bán vũ khí qua mạng

Nguồn: Đài Truyền Hình Đồng Tháp.

Nguồn tin: kienthuc.net.vn


Biên Hòa   Chính phủ   Công an   Hà Nội   chuyển phát nhanh   doanh nghiệp   dịch vụ   giang hồ   hành vi   Đồng Nai  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...