03/10/2020 17:05  
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh nghiệp sữa lớn nhất Việt Nam ghi nhận mức lãi ròng gần 9.000 tỷ.

  

Vinamilk của bà Mai Kiều Liên thu lãi 1.000 tỷ mỗi tháng

Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam Vinamilk công bố kết quả kinh doanh sơ bộ hợp nhất quý III đạt 15.561 tỷ đồng doanh thu và 3.106 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. So với cùng kỳ 2019, doanh thu công ty tăng 9% nhưng lợi nhuận tăng trưởng tới 16%.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, Vinamilk đạt doanh thu hợp nhất 45.277 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 8.967 tỷ. Trung bình mỗi tháng, Vinamilk thu về hơn 5.000 tỷ và lãi gần 1.000 tỷ đồng. Công ty sữa lớn nhất Việt Nam tăng 7% về cả doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.

Hiện tại, Vinamilk và nhiều doanh nghiệp sữa lớn trong nước đã có giấy phép xuất khẩu sang Trung Quốc. Đây được đánh giá là một yếu tố tích cực khi xuất khẩu trở thành động lực quan trọng hơn để thúc đẩy tăng trưởng.

Tuy nhiên, ngay trên chính sân nhà, Vinamilk nói riêng và ngành sữa nội nói chung dù đang thống lĩnh thị trường vẫn phải dè chừng sự cạnh tranh từ các thương hiệu sữa ngoại. Hiệp định thương mại tự do EVFTA sẽ loại bỏ các mức thuế 5-20% đối với các sản phẩm sữa châu Âu trong vòng 3-5 năm tới.

Doanh nghiệp của tý phú Phạm Nhật Vượng được yêu thích nhất Việt Nam

Với sự phát triển mạnh trong lĩnh vực công nghệ, công nghiệp, thương mại dịch vụ cùng nhiều đóng góp cho cộng đồng, Vingroup là doanh nghiệp tư nhân được yêu thích nhất Việt Nam.

Đây là kết quả khảo sát do Campaign Asia-Pacific - tổ chức chuyên về truyền thông thương hiệu quốc gia - và Nielsen phối hợp thực hiện. Người tham gia khảo sát lựa chọn những thương hiệu hàng đầu hoạt động tại Việt Nam, có danh tiếng và gây được tiếng vang lớn. Cuộc khảo sát được thực hiện từ 21/2 đến 19/3. Kết quả, Vingroup vượt qua nhiều thương hiệu để trở thành doanh nghiệp tư nhân được yêu thích nhất tại Việt Nam. 

Các chuyên gia thương hiệu cho rằng Covid-19 là yếu tố then chốt khiến bảng xếp hạng thương hiệu được yêu thích nhất của Việt Nam có sự thay đổi. Theo đó, người tiêu dùng ủng hộ các đơn vị có hỗ trợ đắc lực cho xã hội trong đại dịch toàn cầu. Đây là sự thay đổi mang tính cách mạng trong tâm trí người tiêu dùng bởi nhiều năm qua, các thương hiệu nước ngoài thường được yêu thích hơn thương hiệu nội.

Đánh giá về sự trỗi dậy mạnh mẽ của thương hiệu Việt, một chuyên gia công nghệ nước ngoài từng sẻ: "Người tiêu dùng thường cho rằng các thương hiệu nước ngoài có chất lượng cao hơn, đặc biệt với hàng điện tử. Nhưng họ cũng chú ý đến lòng tự hào dân tộc và ưu tiên hàng nội địa khi chất lượng, giá trị sản phẩm được xác định rõ ràng, minh bạch".

CEO VinCommerce làm chủ tịch hãng bột giặt NET

Đại hội đồng cổ đông bất thường của Công ty Cổ phần Bột giặt NET vừa miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT và bầu bổ sung 4 nhân sự vào ban lãnh đạo doanh nghiệp. Số lượng thành viên HĐQT của NETCO theo đó tăng từ 5 lên 7 người. 

Các thành viên mới của HĐQT NETCO đều là nhân sự đến từ Tập đoàn Masan. Tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thông qua công ty con Masan HPC mua lại 52% cổ phần NETCO vào tháng 2. Sau thương vụ trị giá 550 tỷ đồng này, Masan trở thành công ty mẹ NETCO. 

4 thành viên mới của HĐQT NETCO gồm bà Nguyễn Hoàng Yến, ông Trương Công Thắng, ông Huỳnh Việt Thăng, ông Ngô Văn Phước. Sau khi kiện toàn bộ máy lãnh đạo, HĐQT NETCO đã bầu ông Trương Công Thắng làm Chủ tịch.

Ông Trương Công Thắng sinh năm 1973, là lãnh đạo của hàng loạt công ty trong Tập đoàn Masan. Tân chủ tịch NETCO hiện là tổng giám đốc Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer), một trong những mảng kinh doanh quan trọng nhất của tập đoàn.

Ông Lê Hải trở thành Tổng giám đốc ABBank

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) vừa có thông báo về việc bổ nhiệm nhân sự cấp cao giữ chức vụ Tổng giám đốc ngân hàng từ ngày 30/9.

Cụ thể, được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, ông Lê Hải đã chính thức được Hội đồng Quản trị ABBank bổ nhiệm vào vị trí Tổng giám đốc nhà băng. Trước đó, ông Hải được ban lãnh đạo ABBank bổ nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc và đảm nhận nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng giám đốc từ ngày 1/4 nhằm thay thế vị trí ông Phạm Duy Hiếu.

Ông Lê Hải sinh năm 1976 có bằng tiến sỹ kinh tế và là người có kinh nghiệm 22 năm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Trước khi gia nhập ABBank, ông Hải từng là Phó tổng giám đốc tại MBBank.

Tại ngân hàng này, ông cũng đảm nhiệm nhiều vị trí chuyên môn, quản lý quan trọng như Giám đốc Khối Khách hàng cá nhân, Giám đốc Khối SMEs, Giám đốc Khối Thẩm định, Giám đốc Chi nhánh Điện Biên Phủ… Ông Hải cũng là nhân sự cấp cao có nhiều đóng góp trong việc phát triển kinh doanh, sản phẩm và dịch vụ tại MBBank.

Ông Nguyễn Thanh Bình rời ghế Tổng giám đốc DRC từ ngày 1/11

Mới đây, CTCP Cao su Đà Nẵng (Mã: DRC) vừa công bố quyết định về việc ông Nguyễn Thanh Bình - Tổng giám đốc công ty được nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí kể từ ngày 1/11.

Theo tìm hiểu, ông Bình sinh năm 1960 với trình độ chuyên môn là thạc sĩ kĩ thuật. Ông được bổ nhiệm làm Thành viên HĐQT kiêm Tổng giám đốc DRC năm 2014. Ông cũng là người đại diện 10% vốn Tập đoàn hóa chất Việt Nam (Vinachem) sở hữu tại Cao Su Đà Nẵng.

Tại phiên họp ĐHĐCĐ thường niên ngày 24/6 vừa qua, ông Bình từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT.

Tính tới cuối tháng 6, ông Bình sở hữu 331.388 cổ phiếu DRC, tương đương 0,28% vốn cổ phần tại công ty. Ngoài ra, vợ ông Bình cũng nắm giữ 0,01% vốn cổ phần DRC.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


CEO   Covid   Covid-19   Hội đồng Quản trị   Ngân hàng Nhà nước   Trung Quốc   Tập đoàn   Việt Nam   chuyên gia   doanh nghiệp   dịch vụ   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...