18/10/2020 10:15  

Điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp châu Âu

Hồi tuần trước, phát biểu tại một hội nghị đầu tư Liên hiệp châu Âu (EU) - Đài Loan, giới chức hai bên cho biết, các công ty châu Âu đang cố gắng tăng cường quan hệ đối tác với các doanh nghiệp Đài Loan trong các lĩnh vực hàng hóa bổ sung.

Phát biểu tại diễn đàn tổ chức ở Đài Bắc, nhà lãnh đạo Đài Loan, bà Thái Anh Văn cho biết, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các công ty của EU là nhóm nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Đài Loan, với số vốn lên tới 1.000 tỉ đài tệ (34,2 tỉ đô la Mỹ), tương đương 25% tổng vốn đầu tư vào Đài Loan trong mọi thời đại. Con số này đã tăng gấp 5 lần kể từ mức 210 tỉ đài tệ hồi năm 2016, trong bối cảnh mối quan tâm dành cho Đài Loan từ các nhà đầu tư ngày càng gia tăng.

Cũng theo bà Thái Anh Văn, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đài Loan trong sáu tháng đầu năm đã tăng 10,56% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là một kết quả rất ấn tượng nếu xét đến thực tế rằng, đầu tư trực tiếp nước ngoài trên toàn cầu được dự báo sẽ giảm tới 40% trong năm nay, theo ước tính của Hội nghị Liên hiệp quốc về thương mại và phát triển.

Công nghệ và năng lượng tái tạo - trọng tâm đầu tư của doanh nghiệp EU

Các ngành công nghệ và năng lượng tái tạo tại Đài Loan đang được coi là mối quan tâm hàng đầu của các doanh nghiệp đến từ châu Âu. Lãnh đạo Đài Loan - bà Thái Anh Văn dự báo sẽ có thêm nhiều sự hợp tác giữa châu Âu và Đài Loan trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, công nghệ di động 5G và hệ thống bảo vệ dữ liệu.

Ông Alain Berder - người phụ trách mảng kinh tế tại Văn phòng Pháp ở Đài Bắc, nhận định: “Chắc chắn đang có những mối quan tâm mới đối với Đài Loan”. Ông cho biết, hơn 200 công ty của Pháp đang hoạt động tại hòn đảo này, và con số vẫn tăng đều đặn trong vòng vài năm trở lại đây.

“Tôi nghĩ rằng có những cơ hội mới ở đây cho các doanh nghiệp Pháp, bởi các doanh nghiệp tại Đài Loan không phải dừng hoạt động. Họ kiểm soát dịch Covid-19 rất tốt, vì vậy đang có những sự chuyển giao hoạt động, đặc biệt là trong ngành bán dẫn, thông tin và truyền thông công nghệ. Các doanh nghiệp Pháp khá mạnh trong những lĩnh vực này”.

Đề cập đến xu hướng đầu tư hiện nay, ông Berder cho biết, các công ty công nghệ Pháp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ cũng đang kỳ vọng hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ phần cứng tại Đài Loan. Hồi năm 2016, tập đoàn điện tử khổng lồ Foxconn của Đài Loan đã đầu tư 106 triệu đô la vào công ty sản xuất thiết bị loa Devialet của Pháp. Mới đây, EasyMile - một công ty công nghệ xe tự lái sáu năm tuổi của Pháp đã phái người đến Đài Loan để khai thác thị trường địa phương.

Bà Sophie Lao - cố vấn cấp cao của Văn phòng Thương mại và Đầu tư Luxembourg tại Đài Bắc, cho biết các công ty từ Bắc Âu muốn tham gia vào thị trường năng lượng gió ngoài khơi của Đài Loan. Sự quan tâm này bắt nguồn từ kế hoạch của giới chức Đài Loan hướng tới mục tiêu nâng tỷ trọng năng lượng tái tạo của nền kinh tế lên 20% vào năm 2025.

Hồi tháng 5, Công ty Năng lượng Tái tạo Siemens Gamesa - một bộ phận của tập đoàn Siemens Gamesa, với doanh thu năm ngoái đạt 10,2 tỉ euro (11,88 tỉ đô la) cho biết, đang lên kế hoạch mở rộng dự án nhà máy lắp ráp các thiết bị turbin gió ở Đài Trung nhằm hình thành một trung tâm công nghiệp của khu vực, với các nhà cung cấp có trụ sở tại Đài Loan. Dự án sẽ bắt đầu trong năm 2021, nhằm cung cấp thiết bị cho một dự án điện gió ngoài khơi, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2022.

Chia sẻ với báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, hãng cho biết đã “phát triển đều đặn” hoạt động kinh doanh tại Đài Loan trong suốt tám năm qua. Công ty hiện có bảy thực thể pháp nhân tại Đài Loan với 850 nhân viên và dự kiến sẽ phải tăng gấp đôi đội ngũ nhân sự để đáp ứng nhu cầu của dự án mới.

Theo ông Axel Limberg, Giám đốc điều hành văn phòng Thương mại Đức tại Đài Bắc, các công ty Đức cũng coi Đài Loan là một lựa chọn để giúp họ đến gần hơn với các khách hàng lớn. Ông cho biết, những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ máy tính của Đài Loan, bao gồm sản xuất chip, đang đưa nhiều sản phẩm mới ra thị trường.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và dịch bệnh tại Trung Quốc bùng phát hồi đầu năm nay, cũng thúc đẩy các công ty đa dạng hóa chuỗi cung ứng bên ngoài Trung Quốc. “Tôi có thể nói rằng tốc độ này đã tăng lên đáng kể trong năm nay, nhưng đó cũng là xu hướng mà chúng ta đã thấy từ năm ngoái.

Do chiến tranh thương mại, các công ty đã nhận thức được vấn đề, làm thế nào để có thể đảm bảo chuỗi cung ứng của mình? Dĩ nhiên, Covid-19 đã góp phần đẩy nhanh quá trình này”, ông Limberg cho biết. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có khoảng 250 công ty Đức hoạt động tại Đài Loan với tổng vốn đầu tư 4 tỉ euro (4,66 tỉ đô la).

Châu Âu tìm cách thu hút các doanh nghiệp Đài Loan

Theo Thời báo Đài Bắc, không chỉ quan tâm tới việc đầu tư vào Đài Loan, châu Âu còn đặt mục tiêu thu hút, thúc đẩy nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp tại đây. Trả lời phỏng vấn tờ báo này, Giám đốc Văn phòng Kinh tế và Thương mại châu Âu (EETO) tại Đài Loan Filip Grzegorzewski cho biết, các công ty Đài Loan nên tăng cường sự hiện diện tại châu Âu, trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu được tái cấu trúc sau đại dịch Covid-19.

Theo ông Grzegorzewski, các công ty đang dần rút ra được bài học từ cuộc khủng hoảng này. “Chúng ta cần xem xét lại chuỗi cung ứng toàn cầu và khả năng phục hồi các hoạt động kinh doanh”.

Đài Loan được đánh giá là có nhiều tiềm năng trở thành một trong những đối tác hàng đầu của EU, đặc biệt là trong lĩnh vực ô tô, thiết bị di động, y tế, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và truyền thông.

Các số liệu thống kê cho thấy, EU là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Đài Loan trong năm ngoái, với khoảng 25% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tuy nhiên, chỉ 1,7% các khoản đầu tư của Đài Loan ra nước ngoài có điểm đến là EU. Theo ông Grzegorzewski, xét về thế mạnh kinh tế, Đài Loan có tiềm năng để hiện diện trên toàn cầu và tiềm năng đó chưa được khai thác đúng mức tại thị trường châu Âu.

“Chúng tôi có 41 hiệp định thương mại trên toàn cầu bao gồm 72 quốc gia. Vì vậy, một khi đầu tư vào châu Âu, Đài Loan có thể tiếp cận không chỉ với toàn bộ thị trường EU mà với cả phần còn lại của thế giới một cách dễ dàng”.

Mặc dù các nhà đầu tư Đài Loan đến Đông Nam Á hoặc Trung Quốc dễ dàng hơn do vị trí địa lý gần nhau, ông Grzegorzewski cho rằng, đầu tư vào châu Âu không phải vấn đề quá khó khăn và mang lại nhiều lợi ích. “Bằng cách tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng, lực lượng lao động có trình độ học vấn cao, và tiếp cận thị trường có cùng tiêu chuẩn, các doanh nghiệp Đài Loan có thể cắt giảm được chi phí”.

Về triển vọng ký kết một hiệp định thương mại giữa EU và Đài Loan, ông Grzegorzewski nhận định, điều này sẽ phụ thuộc vào chiến lược thương mại mới đang được phát triển ở EU. Tuy nhiên, khi càng có nhiều động lực trong quan hệ kinh tế song phương, bao gồm đầu tư kinh doanh, hai bên sẽ càng thuận lợi hơn trong việc chuyển sang giai đoạn đàm phán tiếp theo về các thỏa thuận thương mại.

Nguồn: Taipei Times, South China Morning Post

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   Kinh tế   Trung Quốc   chiến lược   doanh nghiệp   dịch vụ   khủng hoảng   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...