25/10/2020 16:30  
Giao thông thông minh giúp các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm khi giải quyết được các vấn đề kẹt xe, ô nhiễm môi trường…

Mất hàng tỷ USD vì kẹt xe

Việt Nam đang trong quá trình đẩy mạnh đô thị hóa và phát triển đô thị, trong đó, xây dựng các đô thị thông minh đã được xác định. Mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 3 khu đô thị thông minh, 2030 hình thành một số chuỗi khu đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm.

Nhưng để có những đô thị thông minh, trước hết phải giải quyết được vấn đề giao thông, tình trạng kẹt xe triền miên tại Hà Nội và TP.HCM. 

Hiện nay, tốc độ thị hoá đang diễn ra rất nhanh trên thế giới. Năm 2018, theo Liên hiệp quốc, có 37 đô thị trên thế giới được xem là siêu đô thị, dự báo đến 2030 sẽ lên đến 43 siêu đô thị. Một trong những tiêu chí trở thành siêu đô thị là đô thị có dân cư trên 10 triệu dân, và tại Việt Nam hai thành phố có uy mô dân số tương tự là Hà Nội TP.HCM.  

Nhưng, khi dân số đông cũng đồng nghĩa với số lượng phương tiện tăng, vấn đề nan giải cho tình trạng kẹt xe, tính toán của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) cho thấy riêng TP.HCM mất khoảng 1,3 tỷ USD mỗi năm. Cứ 1 giờ kẹt xe, TP mất1,2 tỷ đồng, và 2,3 tỷ đồng do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Tại Hà Nội, tình trạng kẹt xe cũng gây thiệt hại 1 - 1,2 tỷ USD/năm.

Viện cũng chỉ ra tình trạng ùn tắc giao thông khiến TP.HCM thiệt hại đến khoảng 1,2 triệu giờ công lao động. 

Năm 2020, Việt Nam có hơn 4,3 triệu ô tô và 63 triệu xe máy đang lưu hành. Riêng tại TP.HCM, tính đến tháng 5/2020, có đến 8 triệu phương tiện, trong đó có gần 800.000 ô tô. 

Bên cạnh kệt xe, các đô thị ở Việt Nam còn đối diện với áp lực với hạ tầng giao thông. Ông Nguyễn Xuân Việt - Giám đốc Công nghệ Công ty Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho rằng, giải pháp giao thông thông minh có thể coi là lời giải cho phát triển thành phố thông minh và nằm trong chiến lược tổng thể phát triển thành phố thông minh. 

“Để giải quyết bài toán ùn tắc giao thông, chúng ta phải quản lý giao thông dưa trên những dữ liệu theo thời gian thực. Bên cạnh đó, phải phát triển hệ thống giao thông công cộng thuận tiện hơn và làm sao để giao thông thân thiện với môi trường, giải quyết bài toán khí thải”, ông khẳng định. 

Cần khai thác khối tư nhân

Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đã khẳng định Diễn đàn cấp cao đô thị thông minh ASEAN (ASEAN Smart Cities Summit & Expo 2020) rằng, giao thông thông minh là trụ cột quan trọng trong phát triển đô thị thông minh, nhằm cung cấp các dịch vụ vận tải và quản lý giao thông một cách sáng tạo. Người tham gia giao thông được sử dụng mạng lưới giao thông an toàn hơn và được phục vụ tốt hơn.

“Những vấn đề của giao thông hiện nay có thể được giải quyết nếu chúng ta ứng dụng các phương pháp quản lý giao thông thông minh và phát triển cơ sở hạ tầng phần cứng”, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát khẳng định.

TP.HCM xác định đến 2025 là đô thị thông minh và giao thông là mũi nhọn của phát triển đô thị thông minh. Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, giao thông là một trong 9 lĩnh vực và là lĩnh vực quan trọng nhất trong phát triển thành phố thông minh.

Hiện TP.HCM đã xây dựng được trung tâm điều hành giao thông thông minh theo thời gian thực tại 4 quận, giúp giảm bớt tình trạng ùn tắc. Thành phố cũng đã triển khai được 118 cột đèn giao thông thông minh, hệ thống giám sát và cung cấp hình ảnh thông tin để xử phạt vi pham. Thành phố đã cơ bản hoàn chỉnh được phương thức thí điểm mô phỏng để đánh giá tác động giao thông của các công trình lớn và đang khẩn trương triển khai thanh toán điện tử trên hệ thống xe buýt tại 26 tuyến.

Ông Phan Thanh Sơn - Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty TNHH Hệ thống thông tin FPT cho biết, hiện FPT đang triển khai hệ thống xe buýt với khoảng 5.000 xe. Qua hệ thống này, mỗi xe buýt trở thành một cảm biến xã hội di chuyển trên đường, các dữ liệu từ mỗi chiếc xe buýt được tập hợp về cổng giao thông thông minh cho người dân, từ đó giúp họ có thông tin.

Một vấn đề quan trọng không kém là nên xây dựng các toà nhà thông minh kết nối với hạ tầng thông minh. Theo tính toán, đầu tư cho một toàn nhà, một chung cư có thể thông minh hơn so với các tòa nhà truyền thông chỉ tốn khoảng 1-5% tổng đầu tư của tòa nhà, số tiền này là không lớn. Nếu nhìn về lâu dài thì 1-5% đầu tư ban đầu là không đáng kể nhưng mạng lại lợi ích kinh tế xã hội và bảo vệ môi trường rất lớn về lâu về dài.

Cũng theo ông Phan Thanh Sơn, phải đưa công nghệ thông tin mà cụ thể là công nghệ số phải được đưa vào ngay từ khi triển khai chiến lược quy hoạch đô thị. Trong đó, nên đưa ra quy hoạch chung về quy hoạch trên mặt đất, quy hoạch ngầm… ngay trong các khu, các tòa nhà để các nhà đầu tư bất động sản đầu tư vào phát triển các hạ tầng thông minh.

“Chúng ta nên đưa khối tư nhân vào để cùng nhau xây dựng được nhanh hơn, bền vững hơn các đô thị thông minh”, ông Phan Thanh Sơn đề xuất.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Công nghệ   HCM   Hà Nội   Kinh tế   Mục tiêu   Việt Nam   chiến lược   dịch vụ   quy hoạch   sáng tạo   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...