13/04/2021 6:11  
Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, gia đình khánh kiệt, hàng ngày anh Nguyên luôn phải chống chọi với những cơn đau hành hạ, anh bảo cố gắng sống thêm cho con có chỗ dựa tinh thần.

Anh Lê Thế Nguyên (SN 1972, khu phố Vạn Xuân, phường Xuân Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa), vốn là một người đàn ông khỏe mạnh, nhưng giờ chỉ còn da bọc xương. Hàng ngày, anh đang phải gồng mình chống chọi với những cơn đau do căn bệnh ung thư quái ác hành hạ.

Không có điều kiện chữa trị, anh Nguyên ở nhà uống thuốc lá. Từ một người là trụ cột của gia đình, lo toan mọi thứ thì nay anh chỉ còn biết nằm một chỗ. Trải qua những cuộc xạ trị, sức khỏe của anh Nguyên dường như bị suy kiệt. Anh bảo: "Ngày hẹn tái khám đến rồi nhưng biết lấy tiền đâu mà đi. Thôi đành phó mặc cho ông trời. Chỉ thương mẹ già, vợ và 2 đứa con còn quá nhỏ, tôi không dám nghĩ gì nữa".

Vợ chồng anh Nguyên có hai người con, cô con gái đầu là Lê Hải Anh (12 tuổi) đang học lớp 6, cậu con trai Lê Tuấn Minh (10 tuổi) học lớp 4. Ngày trước hai vợ chồng cùng đi làm công nhân ở công ty gần nhà. Nhưng hơn một năm nay, anh Nguyên phát hiện mắc căn bệnh ung thư. Chồng mất khả năng lao động, 2 đứa con còn nhỏ, miếng cơm manh áo, tiền thuốc men lại dồn lên đôi vai gầy người vợ.

Không chỉ làm lụng để lo cho chồng bệnh tật, 2 đứa con còn tuổi ăn, tuổi học mà chị Bùi Thị Duyên (SN 1973), vợ anh Nguyên còn phải lo cho người mẹ chồng năm nay đã 91 tuổi. Tất cả những chi phí trong gia đình chỉ nhìn vào đồng lương công nhân ít ỏi của chị Duyên, nhưng không đủ lo các khoản tiền thuốc thang, chi phí đi viện cho chồng. Ngoài ra còn tiền con ăn học và bao khoản chi tiêu khác trong gia đình.

Cuộc sống gia đình cũng vì vậy mà trở nên kiệt quệ. Mỗi tháng tiền thuốc thang, điều trị bệnh cho anh Nguyên hết hơn 10 triệu đồng. Lâu nay, chủ yếu anh em, con cháu giúp đỡ và vay mượn thêm để chạy chữa cho anh.

Nhắc đến bệnh tật và nghĩ đến tiền thuốc thang và việc điều trị, người đàn ông vốn là chỗ dựa cho cả gia đình cảm thấy chán nản, anh nghĩ mình sống được ngày nào hay ngày đó.

"Không biết rồi đây khi tôi chết đi, các con sẽ như thế nào nữa. Giờ cố gắng sống được ngày nào cho con có chỗ dựa ngày đó. Tiền nợ đã lên hơn 100 triệu đồng rồi, đã không giúp gì, còn để lại cho vợ con một gánh nợ nữa", anh Nguyên buồn bã cho biết.

Lâu nay, để có tiền chạy chữa cho anh Nguyên, gia đình đã vay mượn khắp nơi, chỗ nào vay được đều đã vay.

Ngồi móm mém nhai trầu bên con trai, bà Lê Thị Đông, mẹ anh Nguyên nói không nên lời: "Khổ lắm cháu ơi!, tôi sống đến hơn 90 tuổi rồi vẫn còn khổ. Con nó ốm đau, bệnh tật nhưng tôi không làm được gì cả, còn bắt tội nó nữa. Khổ càng khổ thêm, khó càng chồng chất thêm. Anh em họ hàng thương góp lại xây cho căn nhà nếu mình chết đi, con cái cũng có chỗ mà ở và hương khói".

Thương chồng con, để tiết kiệm tiền, chị Duyên thường xuyên nhịn ăn sáng đi làm. Để có chi phí chạy chữa cho chồng thì đồng lương ít ỏi của chị chẳng thấm vào đâu, trong khi đó, vay thì nhiều rồi, giờ chẳng còn biết vay ở đâu được nữa.

"Ngày hai bữa đi làm về đến nhà nhìn thấy chồng mà thương. Tôi mong làm sao cho chồng đỡ đau đớn đi. Anh ấy không còn làm được việc gì cả, ở nhà ngồi cho vợ con nhìn thấy cái bóng thôi. Tôi không muốn anh ấy chết, con thì còn nhỏ. Đi chớ, chứ về đến nhà con hỏi bố đâu, bố thì đau", nói đoạn, chị Duyên khóc nghẹn.

Người phụ nữ khốn khổ ấy chỉ mong muốn được giúp đỡ để chồng bớt đi đau đớn, cho chồng sống được ngày nào hay ngày đó, để mẹ con còn được nhìn thấy. Thương chồng ốm đau, nhiều khi muốn mua hộp sữa để bồi bổ cho chồng nhưng không có tiền. Trong khi đó, mẹ già cũng hay ốm, đi viện, một mình chị xoay như chong chóng.

"Con gái tôi nó học giỏi, cô giáo động viên cho cháu học, nhưng bố thì ốm đau vậy, không biết lấy đâu ra tiền cho con ăn học nữa. Cho nghỉ học thì tội con, nhiều khi thấy thương cứ động viên con, khổ mẹ cũng cố gắng cho con theo học, nhưng nói là nói vậy chứ cũng chẳng biết rồi đây sẽ ra sao nữa", chị Duyên lo lắng.

Nghĩ đến cái viễn cảnh rồi đây chồng không còn nữa, nước mắt người phụ nữ cứ lăn dài, chị nghẹn ngào: "Bệnh không phải ít tiền, nhiều khi chồng nói không phải đi viện nữa, lấy đâu ra tiền mà đi. Tôi phải động viên anh còn nước còn tát, được thêm ngày nào sống với vợ, với con ngày đó; anh chết đi vợ khổ, con khổ, sống còn cái bóng, không làm gì ngồi trong nhà nhìn ra cũng được, để con cái đi về còn nhìn thấy bố. Chết đi rồi, đi thì chớ, về đến nhà con hỏi bố thì trả lời làm sao?".

Ông Nguyễn Thành Long, Tổ trưởng Tổ dân phố Vạn Xuân, phường Xuân Lâm, chia sẻ: Gia đình có 2 vợ chồng, 2 con nhỏ và mẹ già. Ngày trước cả 2 còn đi công ty giày da, điều kiện vốn cũng khó khăn. Tuy nhiên, giờ đây anh Nguyên lại bị ung thư nên càng khó khăn hơn. Vừa rồi, anh em có góp lại làm cho căn nhà để phòng khi chết có chỗ thắp hương.

"Nếu được sự hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, các cá nhân hảo tâm để anh Nguyên sống thêm được ngày nào thì tốt ngày đó, chứ gia đình thì điều kiện không có. Hiện cả nhà chỉ có người vợ đi làm công ty, còn anh Nguyên phải thường xuyên đi điều trị mà tiền thì không có", ông Long chia sẻ thêm.

Duy Tuyên

Nguồn tin: dantri.com.vn


Cuộc sống   ung thư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...