23/01/2021 18:20  
Phần lớn bệnh nhân mắc bệnh này bị bỏ sót chẩn đoán do không biết bệnh, không chấp nhận chẩn đoán hoặc có thể bị chẩn đoán nhầm.

Sử dụng thường xuyên thuốc cắt cơn hen có thể gây tử vong

Tại buổi tọa đàm giới thiệu chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng trong kiểm soát hen tại Việt Nam diễn ra ngày 23/1, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản Lý Khám, chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết: Quản lý tốt bệnh hen là một trong những ưu tiên của Chính Phủ và ngành y tế Việt Nam.

Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành “Hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi” trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh.

Nhận định về thực trạng này, PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh cho biết, theo thống kê, năm 2020 từ 14 tỉnh/thành phố ở Việt Nam cho thấy, có đến 68% bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn trở lên trong năm vừa qua. Việc sử dụng 3 bình thuốc cắt cơn/năm có thể tăng gấp 2 lần nguy cơ nhập viện do tăng phản ứng quá mức đường thở, giảm đáp ứng giãn phế quản có thể dẫn đến tăng nguy cơ nhập cấp cứu và tăng nguy cơ tử vong.

Vì lẽ đó, người bệnh và cộng đồng cần chủ động tìm hiểu cách thức quản lý bệnh hen trên các kênh truyền thông chính thống.

GS. TS. BS. Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam nhận định: “Chương trình sức khỏe cộng đồng này nhằm nâng cao nhận thức đóng vai trò bước ngoặt trong nhận thức về bệnh hen, để các thông tin không chỉ dừng lại ở đội ngũ cán bộ y tế, mà còn giúp nâng cao nhận thức nơi cộng đồng. Tôi tin rằng đây là một sáng kiến hiệu quả và thiết thực để nâng tầm chất lượng điều trị bệnh hen tại Việt Nam”.

PGS. TS. BS. Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen – Dị ứng – Miễn dịch lâm sàng TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: “Với kinh nghiệm điều trị tại bệnh viện qua nhiều năm, tôi hiểu rất nhiều bệnh nhân rất “gắn bó” với bình xịt cắt cơn của họ, nhầm tưởng rằng đây là cách tốt nhất để kiểm soát các triệu chứng hen. Tuy nhiên, chỉ cần sử dụng thuốc cắt cơn quá 3 lần/tuần đã là dấu hiệu tăng nguy cơ của đợt hen cấp. Chúng tôi hy vọng người bệnh hen nhận ra việc phụ thuộc quá mức thuốc cắt cơn sẽ làm tăng nguy cơ lên cơn hen cấp, thậm chí có thể dẫn đến các hậu quả đáng tiếc mà chúng ta hoàn toàn có thể phòng tránh được”.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý hen

Theo các chuyên gia, Việt Nam có khoảng 4,1% dân số mắc hen, tương đương khoảng 4 triệu người mắc hen.

Phần lớn bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán do không biết bệnh, không chấp nhận chẩn đoán hoặc có thể bị chẩn đoán nhầm dẫn tới điều trị sai, gây ảnh hưởng tới sức khỏe do tác dụng phụ của thuốc, mất thời gian cho bệnh nhân.

Hen là bệnh viêm mạn tính đường thở, với sự tham gia của nhiều tế bào viêm và chất trung gian gây viêm, làm tăng phản ứng quá mức đường thở, co thắt và tắc nghẽn đường thở, xuất hiện các triệu chứng hô hấp như ho, khò khè, nặng ngực và khó thở tái phát, nặng hơn về đêm, biến đổi theo mùa, nặng khi tiếp xúc yếu tố nguy cơ hoặc thay đổi thời tiết, có thể hồi phục tự nhiên hoặc do dùng thuốc.

Theo Sáng kiến toàn cầu về quản lý hen, để chẩn đoán bệnh hen có thể dựa vào các dấu hiệu sau:

- Khó thở, khò khè, thở rít, đặc biệt thì thở ra;

- Thời điểm xuất hiện cơn khó thở: về đêm, theo mùa, sau một số kích thích (cảm cúm, gắng sức, thay đổi thời tiết, khói bụi);

-Tiền sử có cơn khó thở kiểu hen: ho khạc đờm, khó thở, cò cử, nặng ngực, nghe phổi có ran rít, ran ngáy;

Những triệu chứng này thường xuất hiện nhiều và nặng vào ban đêm, gần sáng và tái đi tái lại nhiều lần.

Triệu chứng xuất hiện nhiều hơn hoặc nặng hơn khi thay đổi thời tiết, chuyển mùa,..

Triệu chứng xuất hiện rõ hoặc xấu đi khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát, dị nguyên như: mạt nhà, lông thú, phấn hoa, khói thuốc, hóa chất, thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn hô hấp, vận động mạnh, xúc động mạnh.

Xác định hen phế quản nếu thấy cơn hen với các dấu hiệu đặc trưng: Hắt hơi, sổ mũi, ngứa mắt, ho khan, buồn ngủ…; Cơn khó thở: lúc bắt đầu khó thở chậm, ở thì thở ra, có tiếng cò cứ người khác cũng nghe được, khó thở tăng dần, sau có thể khó thở nhiều, vã mồ hôi, nói từng từ hoặc ngắt quãng. Cơn khó thở kéo dài 5- 15 phút, có khi hàng giờ, hằng ngày. Cơn khó thở giảm dần và kết thúc với ho và khạc đờm. Đờm thường trong, quánh, dính.

Khi nghi ngờ bị hen cần gặp bác sỹ sớm để được khám, làm các xét nghiệm nhằm có chẩn đoán và bắt đầu điều trị kiểm soát hen suyễn sớm.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Việt Nam   chuyên gia  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...