06/10/2020 11:30  
Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ngay từ giờ, chính phủ các nước đã phải chuẩn bị cho bức tranh kinh tế mới hậu Covid-19, song song tập trung ứng phó với diễn biến đại dịch và hỗ trợ tài chính cho các hộ gia đình lẫn doanh nghiệp.

Theo đó, một trong những bước chuẩn bị thiết yếu là giúp người dân trở lại làm việc. Để đạt mục tiêu này, các chuyên gia kinh tế từ IMF nhận định, đầu tư công nên đóng vai trò trọng tâm trong giai đoạn phục hồi, ở cả các nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển.

Trong báo cáo Fiscal Monitor (Giám sát Tài chính) vừa công bố, IMF cho rằng, việc tăng đầu tư công có thể giúp nền kinh tế thế giới phục hồi từ cuộc suy thoái nặng nề và sâu sắc nhất trong lịch sử đương đại. Đồng thời, tăng cường đầu tư công trên toàn cầu sẽ giúp tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp trong ngắn hạn và tạo thêm hàng triệu việc làm gián tiếp khác trong dài hạn.

Giả sử các khoản đầu tư đều có chất lượng tốt, mức tăng 1% GDP ở đầu tư công có thể kéo theo mức tăng 10% ở đầu tư tư nhân, trong khi việc làm tăng 1,2%, GDP tăng 2,7%, và giúp củng cố niềm tin chung vào khả năng phục hồi hậu đại dịch.

Thời điểm thích hợp đầu tư công

Nhận định hiện tại là thời điểm cần thiết đầu tư công, IMF cho rằng, hoạt động này đã trở nên "yếu kém" trong hơn 10 năm qua, bất chấp việc hệ thống đường sá, cầu cống ở một số nền kinh tế phát triển đã xuống cấp, trong khi nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, nước sạch, vệ sinh ở các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi là rất lớn.

Thêm vào đó, mức lãi suất toàn cầu thấp cũng báo hiệu rằng, đây là thời điểm thích hợp cho đầu tư công. Với việc tiền gửi tiết kiệm nhiều, khu vực tư nhân đang chờ đợi, nhiều người thất nghiệp sẽ có thể tìm được việc làm tạo ra thông qua đầu tư công. Do triển vọng kinh tế u ám và viễn cảnh tương lai bất định, hoạt động đầu tư tư nhân hiện đã suy giảm nghiêm trọng. Thế nên, ở nhiều quốc gia, hiện tại chính là thời điểm dành cho đầu tư công chất lượng cao vào các dự án ưu tiên. 

Theo ước tính của IMF, cứ 1 triệu USD chi cho cơ sở hạ tầng truyền thống sẽ giúp tạo ra từ 2 đến 8 việc làm, trong khi cùng số tiền đó chi cho nghiên cứu, phát triển, công nghệ xanh và hạ tầng hiệu quả sẽ tạo ra từ 5 đến 14 việc làm. Do đó, cơ quan này khuyên chính phủ các nước nên một lần nữa xem xét kỹ các dự án đã bị đình trệ, và vạch ra những dự án mới với trọng tâm là các nhu cầu phát sinh sau khi dịch bệnh qua đi, song song với việc bảo trì các cơ sở hạ tầng hiện có.

Tuy nhiên, đối với một số quốc gia, việc vay vốn để đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn do điều kiện tài chính eo hẹp. Dù vậy, việc mở rộng dần đầu tư công bằng vốn vay sẽ mang lại hiệu quả, miễn là rủi ro đảo nợ (rủi ro liên quan đến việc tái cấp vốn) và lãi suất không tăng quá nhiều, cũng như chính phủ lựa chọn dự án đầu tư một cách khôn ngoan. 

Ngoài ra, chính phủ các nước cũng có thể cần phân bổ lại chi tiêu hoặc tăng thêm nguồn thu cho các khoản đầu tư ưu tiên. Đồng thời, việc duy trì chất lượng các dự án đầu tư là hết sức cần thiết. IMF lấy ví dụ rằng, chi phí của một dự án riêng lẻ có thể tăng lên 10-15%, chỉ vì nó được thực hiện trong thời điểm đầu tư đặc biệt cao.

Chất xúc tác cho đầu tư tư nhân

Theo IMF, trong giai đoạn với nhiều bất ổn này, tăng đầu tư công có thể đóng vai trò xúc tác, góp phần củng cố niềm tin của giới đầu tư tư nhân vào sự phục hồi của nền kinh tế, nhờ đó khuyến khích họ đầu tư, một phần vì nó báo hiệu cam kết của chính phủ đối với tăng trưởng bền vững.

Bên cạnh đó, các chuyên gia của cơ quan này cũng cho rằng, các dự án đầu tư công hoàn toàn có thể kích thích đầu tư tư nhân một cách trực tiếp hơn. Đơn cử, dòng vốn đầu tư đổ vào hạ tầng truyền thông kỹ thuật số, điện khí hóa hoặc cơ sở hạ tầng giao thông sẽ giúp các doanh nghiệp mới xuất hiện. 

Tương tự, kết quả nghiên cứu của IMF cho thấy, đầu tư vào chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ xã hội khác cũng gắn liền với sự gia tăng đáng kể của đầu tư tư nhân trong khoảng thời gian một năm. Thế nên, có thể thấy, đầu tư công là một hướng đi hiệu quả trong các gói kích thích nhằm hạn chế sự suy thoái của nền kinh tế do đại dịch, IMF đúc kết.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Tài chính   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...