20/12/2020 11:20  
Kỷ luật trong nhà trường cần thế nào để không gây hậu quả ngược?

Kiên trì cảm hóa

Vừa qua, hội đồng kỷ luật trường THPT Giồng Ông Tố (TP.Hồ Chí Minh) thống nhất quyết định hình thức kỷ luật tạm dừng học tập 2 tuần thay vì 1 năm (quyết định trước đó) đối với 2 nam sinh lớp 12 quay lén một nhóm nữ sinh lớp 10 thay áo dài trong nhà vệ sinh trường này. Quyết định vừa được Hội đồng kỷ luật trường THPT Giồng Ông Tố điều chỉnh (đi kèm là xếp loại “Hạnh kiểm yếu”) học kỳ I năm học 2020 - 2021. Điều này được cân nhắc từ nhiều yếu tố, trong đó có việc vận dụng Điều lệ trường phổ thông.

Trao đổi với PV tạp chí Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL), PGS.TS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT - cho rằng, hành vi của 2 nam sinh này là sai, cần phải bị phê phán và xử lý theo quy định. Tuy nhiên, xử lý như thế nào để vừa bảo đảm tính giáo dục nhưng vẫn đủ sức răn đe thì cần phải phân tích cụ thể hành vi cũng như động cơ sai trái của 2 nam sinh này rồi mới kết luận, kỷ luật. Theo nguyên Thứ trưởng, việc đình chỉ học 1 năm như quyết định trước đó là quá “nặng tay”.

“Điều may mắn nhất là video được phát hiện kịp thời, không bị phát tán ra ngoài, điều này đã giúp ngăn chặn kịp thời những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Nhưng không vì thế mà không xem xét xử lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào học sinh cũng ngoan và tất cả học sinh đều ngoan. Như thế mới cần đến vai trò của ngành giáo dục, ở đây chính là cách giáo dục, phương pháp giáo dục thế nào để có thể cảm hóa từ một học sinh hư thành học sinh ngoan, có ích cho gia đình và xã hội.

Vai trò của ngành giáo dục không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy học sinh kỹ năng, kiến thức để làm người. Khi học sinh sai, học sinh không ngoan, thay vì tìm cách giáo dục nhà trường lại lựa chọn cách cho nghỉ học, trả về gia đình thì vai trò giáo dục ở đâu nữa? “Thả nổi” học sinh suốt 1 năm không đến trường, không phải chịu áp lực trong học tập, bài vở liệu có đẩy học sinh đi từ sai lầm này tới tội lỗi khác?” - PGS.TS Trần Xuân Nhĩ đặt câu hỏi.

Theo nguyên Thứ trưởng bộ GD&ĐT, với kinh nghiệm nhiều năm của một nhà giáo, một người làm quản lý nhấn mạnh biện pháp xử lý kỷ luật hiệu quả hơn cả, không phải là hình thức “kỷ luật thép” mà chính là kiên trì, kiên nhẫn để cảm hóa.

“Thời kỳ còn làm Hiệu trưởng, tôi cũng từng đau đầu nghĩ cách giáo dục một học sinh có hoàn cảnh và tính cách cá biệt. Quy định của nhà trường trong ký túc xá là học sinh phải ăn ở ngăn nắp, gọn gàng, ngủ dậy phải gấp chăn màn, xếp giày dép ngay hàng thẳng lối. Hầu hết học sinh đều chấp hành rất nghiêm túc, duy nhất chỉ có một trường hợp ngủ dậy là lật chiếu, cuộn tròn chăn màn, không cần gấp gọn, nhất định không chấp hành quy định của trường.

Bộ phận quản lý cũng như học sinh đều có phản ứng gay gắt vì việc làm của học sinh này đã ảnh hưởng tới môi trường, không gian sinh hoạt chung của cả khu ký túc xá và còn vi phạm nghiêm trọng nội quy của trường.

Nhiều ý kiến yêu cầu không cho học sinh này ở trong ký túc xá nữa. Xét về quy định, nhà trường hoàn toàn có thể đuổi học sinh này ra khỏi ký túc xá để bảo đảm tính kỷ luật trong trường.

Tuy nhiên, sau khi kiên nhẫn tìm hiểu, tôi được biết, gia đình em ấy có điều kiện khá giả, ngay từ nhỏ đã được sống trong phòng riêng. Vì thế, mọi hoạt động, sinh hoạt của em ấy trong phòng riêng đều diễn ra theo ý mình và không ai can thiệp. Khi ở phòng riêng, em này vẫn để nguyên chăn màn cho tiện hôm sau đỡ mất thời gian.

Tôi giải thích cho em ấy hiểu, đó là thói quen cá nhân, khi em ấy sống một mình với phòng riêng, còn đây là trường học, em ấy đang sống giữa một tập thể vì thế, thói quen đó phải thay đổi. Đồng thời, tôi bố trí người giúp đỡ, hướng dẫn, nhắc nhở. Sau một năm em ấy đã thay đổi, trở thành một học sinh có thói quen sinh hoạt bình thường như những học sinh khác.

Nếu lúc đó nhà trường cũng lựa chọn giải pháp đuổi học sinh ra khỏi ký túc xá thì có khác nào đang tạo điều kiện cho thói hư, tật xấu của học sinh có cơ hội xấu hơn, hư hơn, như vậy là không nên”.

Kỷ luật không phải để bêu riếu hay trừng phạt

Thời gian qua, dư luận cũng đặc biệt quan tâm đến chuyện nữ sinh lớp 10, trường THPT Vĩnh Xương (An Giang) có biểu hiện uống thuốc tự tử, được cho là do uất ức từ hình thức kỷ luật của nhà trường.

Trao đổi về câu chuyện của nữ sinh này, TS Nguyễn Hoàng Chương - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát (Lâm Đồng) - chia sẻ: “Trường học nào rồi cũng phải kỷ luật, bởi phải đảm bảo kỷ cương, tình thương và trách nhiệm. Tuy nhiên, phải đảm bảo tính khoa học và nghệ thuật trong kỷ luật học sinh. Làm sao để cảm hóa học sinh nhưng vẫn đủ sức giáo dục., để học sinh thấy “tâm phục khẩu phục”, và muốn như thế phải công bằng”.

Thầy Khoàng Lòng Tư - Hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Leng Su Sìn (Điện Biên) - cũng cho rằng, trong môi trường giáo dục cũng sẽ có lúc phải tiến hành kỷ luật học sinh, không ngoại trừ những trường vùng khó. Thầy Tư bày tỏ: “Trong môi trường nào cũng có những học sinh cá biệt. Từ đầu năm học đến nay, tại trường, cũng có một số học sinh có những vi phạm trong và ngoài trường học, thậm chí, có những em trộm cắp vặt bên ngoài nhà trường... Do có một số trường hợp, là học sinh đầu cấp, chưa rèn được nền nếp, nhà trường tìm hiểu kỹ nguyên nhân trước khi đưa ra hình thức xử lý kỷ luật.

Các em học sinh này đều có hoàn cảnh khó khăn, bố mẹ ly hôn hoặc đi làm ăn xa, hầu như không có thời gian quan tâm, chỉ bảo. Chính vì vậy, khi học sinh mắc lỗi, nhà trường phối hợp với Trưởng bản cùng một số tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương để khuyên răn, dạy bảo. Bên cạnh đó, nhà trường cũng thông báo về gia đình, phía gia đình cam kết các con sẽ không tái phạm thì nhà trường cho đi học trở lại, nhà trường thường chỉ cho học sinh nghỉ từ 1-2 buổi để làm gương cho các bạn. Sau đó, những học sinh này đã có chuyển biến rất tốt”.

Theo TS Nguyễn Hoàng Chương, mỗi nhà trường phải cân nhắc để đưa ra những quyết định kỷ luật phù hợp với vai trò giáo dục. Ông bày tỏ: “Ai cũng có danh dự. Một học sinh có thể sai và khi sai thì đều mong được tha thứ, không thể không hiểu rõ nguyên nhân mà áp dụng kỷ luật ngay. Bên cạnh đó, hiện nay, mạng xã hội phát triển, cũng tạo nên áp lực mạng xã hội. Một số bình luận: “Ngày xưa tôi cũng quỳ dưới sân trường”, nhưng ngày xưa đó, cùng lắm chỉ nội bộ trường học biết, còn hiện nay, chỉ một hoạt động nhỏ mà được tung lên mạng xã hội, là hàng triệu người biết đến rồi... Không thể so sánh như vậy được!”.

“Kỷ luật là giáo dục, chứ không phải để bêu riếu hay trừng phạt. Kỷ luật phải tôn trọng học sinh, kỷ luật trong sự bao dung, cảm thông và thấu hiểu, không để học sinh bị tổn thương. Học sinh mà vi phạm đến mức quá quắt, đến mức công an phải vào cuộc, thì đã có những loại trường đặc biệt” - Hiệu trưởng trường THPT Lộc Phát nhấn mạnh.

Nhà trường thực hiện sai sẽ chịu trách nhiệm

Liên quan đến vụ nữ sinh lớp 10 có dấu hiệu uống thuốc tự tử ở trường THPT Vĩnh Xương (An Giang), theo ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh, sinh viên (bộ GD&ĐT), kỷ luật học sinh cần hướng tới giáo dục, giúp đỡ để học sinh chủ động, tự tin điều chỉnh hành vi, sửa chữa khuyết điểm. Việc kỷ luật học sinh phải đáp ứng các yêu cầu tôn trọng, bao dung, nhất quán, không định kiến, bảo đảm quyền được tham gia của học sinh đối với vấn đề liên quan.

Bên cạnh đó, các hình thức kỷ luật cần đảm bảo tính giáo dục, phù hợp đặc điểm tâm lý, giới tính, thể chất của từng học sinh, đồng thời giúp các em nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ.

“Giáo viên và nhà trường không sử dụng các hình thức phê bình, kỷ luật, xử phạt mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, ảnh hưởng xấu đến thể chất và tinh thần của học sinh. Nhà trường nào thực hiện sai hoặc không kịp thời... sẽ chịu trách nhiệm với bộ GD&ĐT, địa phương và trước xã hội” - ông khẳng định.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Giáo dục   hành vi   thói quen   Đời sống  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...