26/01/2021 0:10  
Với sự ổn định chính trị cùng đà tăng trưởng đã được thiết lập (bất chấp sóng gió Covid-19) thì chúng ta có quyền tin tưởng vào tính khả thi của những mục tiêu trên.

Sáng 25/1, phiên trù bị Đại hội 13 của Đảng đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của 1.587 đại biểu. Đại hội lần này được kỳ vọng sẽ đặt dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Đảng, của đất nước, có ý nghĩa định hướng tương lai, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển.

Đại hội không chỉ kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng mà còn nhìn lại 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991, 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020; đề ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2021 - 2026, xác định mục tiêu, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Năm 2045 - kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao.

Đây là những cột mốc rất quan trọng và mục tiêu trên cũng thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Đảng, khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc đối với sự phát triển đi lên của kinh tế đất nước trong thời gian tới.

Người viết cho rằng, với sự ổn định chính trị (yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và phát triển kinh tế) cùng đà tăng trưởng đã được thiết lập (bất chấp sóng gió Covid-19) thì chúng ta có quyền tin tưởng vào tính khả thi của những mục tiêu trên.

Vấn đề là chúng ta sẽ khai thác những điểm mạnh, hạn chế những điểm yếu như thế nào để mang lại lợi ích lớn nhất cho đất nước, đạt được mục tiêu đã đặt ra. Bởi, con số nào cũng cần dựa trên những dữ liệu từ thực tế và khát vọng nào cũng cần bay lên trên nền tảng của hiện thực.

PGS.TS. Vũ Minh Khương, Đại học Lý Quang Diệu, Singapore, Thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trong dịp trả lời phỏng vấn gần đây trên Dân Trí cho rằng, tiềm năng lớn nhất mà Việt Nam còn chưa khai thác mạnh mẽ là sức mạnh của động lực kiến tạo.

Điều này đòi hỏi phải xây dựng một bộ máy công quyền ưu tú ở các cấp chính quyền; đồng thời các doanh nghiệp cũng phải đưa ra chiến lược phát triển dựa hẳn vào nỗ lực đổi mới sáng tạo và nâng cấp hiệu lực quản trị và tổ chức doanh nghiệp.

Cụ thể, ông Khương góp ý, về thể chế, cần tiếp tục thiết kế lại bộ máy theo mô hình tổng lực và khai thác tối đa lợi ích của công nghệ số hiện nay, nâng cao tính minh bạch, khả năng phối thuộc mạch lạc của cả hệ thống chính trị.

Về tổ chức, cần tạo cơ chế để mỗi công chức đều dốc lòng phụng sự người dân và doanh nghiệp, không chỉ vì ý thức trách nhiệm mà còn vì niềm tin là công lao của họ sẽ được tưởng thưởng xứng đáng.

Về nguồn nhân lực, cần chú trọng tuyển chọn cán bộ với chú trọng vào năng lực thực chất thay vì bằng cấp.

Người viết rất tâm đắc với những ý kiến này của TS. Vũ Minh Khương. Bản thân người viết cũng cho rằng, trong những bước tiến tiếp theo của nền kinh tế và của đất nước có vai trò then chốt của "yếu tố con người" và "yếu tố công nghệ", hai yếu tố này tồn tại song song và bổ trợ cho nhau, tạo ra sức mạnh tổng hợp.

Khi nhân tài được trọng dụng, khi bộ máy công quyền thu hút được người tài và không để xảy ra tình trạng "chảy máu chất xám", khi sự minh bạch được đảm bảo, tôi chắc rằng, chẳng những đất nước đạt được các mục tiêu đề ra mà còn có được những bước nhảy vọt, đột phá.

Bích Diệp

Nguồn tin: dantri.com.vn


Covid   Covid-19   Hà Nội   Việt Nam   chiến lược   doanh nghiệp   hành vi   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...