15/01/2021 11:20  
Kỳ thi học sinh giỏi vẫn luôn có nhiều câu hỏi khó nhằm chọn ra những bạn học sinh xuất sắc, nhưng đề thi Ngữ Văn này có gì đặc biệt khi trở thành chủ đề gây tranh cãi?

Mới đây, các bạn học sinh lớp 9 ở Hà Nội đã trải qua kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp thành phố. Nội dung đề thi môn Ngữ Văn nhanh chóng thu hút sự chú ý của dư luận, có người cho rằng đề thi đặc sắc, nhưng cũng có người đánh giá đề quá sức so với khả năng của học sinh lớp 9.

Cụ thể, câu Nghị luận xã hội đưa ra một đoạn trích như sau:

"Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về, người mẹ nhẹ nhàng hỏi:

- Con đã đi đâu và làm gì?

- Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp của bạn ấy bị hỏng. - Cô bé trả lời.

- Nhưng con đâu có biết sửa xe?

- Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc."

Đề thi yêu cầu viết một bài văn nghị luận để trình bày cảm nghĩ về câu chuyện trên. Câu hỏi này đã khiến không ít teen và cộng đồng mạng tròn mắt vì độ độc lạ. Trong các diễn đàn dành cho 2K6-ers, đề thi nhận được khá nhiều phản ứng trái chiều. Bạn Phương Anh (THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam) chia sẻ: "Cảm nghĩ sau khi đọc xong đề thi là hoang mang. Mình nghĩ ý nghĩa có thể là sự chia sẻ, nhưng không biết liệu ý nghĩa đó có quá nông cạn so với một kỳ thi như thi HSG hay không".

Dù vậy, vẫn có nhiều bạn cho rằng đề thi này phù hợp để phân loại học sinh giỏi, xem bạn nào có thể nhìn nhận vấn đề một cách sâu sắc hơn. 

Bên cạnh đó, câu Nghị luận văn học của đề thi cũng trở thành chủ đề bàn tán:

"Nếu xem tác phẩm như một lời phát biểu trước cuộc sống thì phần đề tài, chủ đề có thể xem như là "chủ ngữ", còn phương diện chủ quan của nội dung có thể xem là "vị ngữ".

Em hiểu như thế nào về nhận định trên? Từ "chủ ngữ" mà em yêu thích, hãy làm rõ những phương diện độc đáo, đặc sắc của "vị ngữ" trong một vài tác phẩm ở chương trình Ngữ văn Trung học cơ sở".

Với những khái niệm như "phương diện chủ quan của nội dung", "đề tài", "chủ đề" đòi hỏi các bạn học sinh phải có kiến thức về văn học đủ nhiều để hiểu và áp dụng vào các tác phẩm trong chương trình học. Bạn N.K.A (THCS Xuân Đỉnh) chia sẻ: "Mình mất rất nhiều thời gian vào việc phân tích đề bài, sau đó lại phải cẩn thận để không bị nhầm lẫn giữa các khái niệm khi trích dẫn tác phẩm. Mình chọn "Tắt đèn" của Ngô Tất Tố và "Lão Hạc" của Nam Cao để làm rõ ý kiến này. Dù vậy nhưng câu trích dẫn vốn có nhiều ý, mình không đủ thời gian để đảm bảo bài làm chỉn chu được hết các ý trong đề".

Trong khi đó, một số ý kiến khác lại cho rằng đề thi HSG cần phải có sự suy luận khó mới thú vị, thay vì chỉ đưa thẳng tên một vài tác phẩm để học sinh phân tích, so sánh như thường thấy.

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Hà Nội   diễn đàn  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...