19/10/2022 15:15  
Nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển thì hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực này cũng được giới trẻ quan tâm. Nhiều bạn trẻ đang có những bước đi vững vàng trên con đường lập nghiệp bằng việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên bản địa.

Khai thác tài nguyên thiên nhiên bản địa 

Chia sẻ tại tọa đàm: “Khởi nghiệp xanh - Hành trình kiến tạo những doanh nông trẻ” ngày 12/10, doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Các Thủy - Giám đốc Công ty TNHH Tây Cát (thương hiệu mứt chuối phồng Tư Bông) cho biết, từ khi tham gia cuộc thi dự án khởi nghiệp của Trung tâm BSA đến nay, cô đã đưa các sản phẩm mứt chuối phồng Tư Bông đến các sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất… Không chỉ vậy, các sản phẩm mới từ nông sản Việt như bánh dứa cuộn, xoài cuộn, bánh mứt ăn vặt… cũng được Thủy sáng tạo đưa đến người tiêu dùng ở nhiều địa phương.

Cũng như Các Thủy, Nguyễn Ngọc Hương - Giám đốc Công ty XNK Thiên Nhiên Việt (thương hiệu bột rau sấy lạnh) đã đưa sản phẩm đến với người tiêu dùng khắp cả nước. Nhưng không chỉ chinh phục người tiêu dùng Việt, bột rau sấy lạnh của Thiên Nhiên Việt đã đến nhiều nước trong khu vực, thậm chí là nhiều thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu…

Trong khi đó, các sản phẩm từ mật dừa nước của Phan Minh Tiến đã bán ra thị trường với nhiều phân khúc khách hàng và quan trọng là khách đến du lịch Cần Giờ có thể mua sản phẩm về làm quà. Từ những trái dừa nước tự nhiên, Tiến đã tạo việc làm cho hơn 10 hộ dân có cuộc sống ổn định, thu nhập tăng cao. 

Cũng khai thác giá trị từ cây dừa nhưng Phạm Đình Ngãi - CEO mật hoa dừa Sokfarm mang tới cơ hội cho nhiều đồng bào Khmer tại Trà Vinh. “Sokfarm là nông nghiệp hạnh phúc, tạo ra chuỗi giá trị cho ngành dừa, lấy người nông dân làm đầu chuỗi giá trị”, Nghĩa chia sẻ quan điểm kinh doanh của mình. 

Với Sokfarm, đã có hơn 70 hộ nông dân tham gia trong mô hình liên kết, trồng 20 ha dừa đạt tiêu chuẩn hữu cơ theo USDA (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), với mức thu nhập từ 15 - 25 triệu đồng/tháng. Để có sản phẩm thuyết phục được khách hàng, Nghĩa đã đưa công nghệ vào quá trình chế biến và đưa sản phẩm chế biến từ tài nguyên bản địa đến tay người tiêu dùng.

Điều đáng nói là Sokfarm có 7 sản phẩm chế biến từ cây dừa được tỉnh Trà Vinh quan tâm. Mới đây, công ty cũng là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam  đạt giải thưởng ASEAN Business Awards năm 2021 ở hạng mục Inclusive Business (Doanh nghiệp phát triển toàn diện), vì cung cấp được việc làm cho người nông dân ở quê hương Trà Vinh…

Khó nhưng không có nghĩa là không thể

Đó là các doanh nhân trẻ bước đầu thành công với các sản phẩm chế biến từ nông nghiệp. Ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit khẳng định, làm nông nghiệp lấy giá trị bản địa để thành công là rất khó nhưng không có nghĩa là không thể. Những sản phẩm chế biến từ tài nguyên thiên nhiên bản địa là những sản phẩm có giá trị cho tương lai, cho cộng đồng và xã hội và hiện đang có rất nhiều cơ hội cho những người đang làm và sắp làm trong lĩnh vực này. 

Nếu như trước năm 2015, người khởi nghiệp trong lãnh vực nông nghiệp sẽ không có tương lai nhưng từ năm 2015 đến nay, sự thể đã khác. Có một lớp doanh nông trẻ tìm đến với nông nghiệp, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 ập đến, người tiêu dùng đều nghĩ đến sức khỏe, vì thế, doanh nghiệp đã hướng đến những sản phẩm bắt nguồn từ thiên nhiên. 

“Nhờ vậy doanh nông trẻ có đất sống, nhà khoa học, chuyên môn có cơ hội để phát minh trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, giải pháp sinh học. Các doanh nông trẻ hãy đầu tư nhiều cho công nghệ sinh học, công nghệ phân tử và nghiên cứu nó vì thế giới đang làm và rất thành công”, Tổng giám đốc Vinamit nhận định.

Cơ hội là vậy nhưng theo bà Nguyễn Phi Vân - Chủ tịch Công ty Retail & Franchise Asia, người trẻ khời nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn vướng nhiều vấn đề. Họ vướng trong gọi vốn đầu tư vì sản phẩm chưa thương mại hóa được thì không gọi vốn được, đã vậy, các bạn trẻ khởi nghiệp trong ngành nông nghiệp rất thích ra nhiều sản phẩm nhưng tỷ trọng doanh thu trong sản phẩm còn thấp. 

Một vấn đề nữa là các bạn trẻ định giá sản phẩm còn khá cao và chưa quan tâm nhiều đến vấn đề truyền thông phân phối. Đó là chưa kể việc doanh nghiệp khởi nghiệp ứng dụng việc số hóa, nhưng vấn đề về tài chính, kế toán, bán hàng, vận chuyển, cung ứng, phát triển digital, chuyển đổi số còn nhiều hạn chế. Đây là những “nút thắt” khiến khởi nghiệp trong nông nghiệp còn hạn chế dù đang là xu hướng và nhiều cơ hội trong tương lai. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Covid   Covid-19   Khởi nghiệp   Nông nghiệp   Việt Nam   chinh phục   doanh nghiệp   du lịch   kế toán   sáng tạo   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...