10/04/2021 10:47  

Xôn xao thông tin Starlink cung cấp “Internet xuyên biên giới” tại Việt Nam

Những ngày qua trên mạng Internet, mạng xã hội rộ lên thông tin về dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của công ty SpaceX (Mỹ) - do tỉ phú Elon Musk sáng lập - thông báo cho người dùng tại Việt Nam thực hiện đăng ký, đặt cọc giữ chỗ vì dịch vụ này dự kiến “phủ sóng Internet ở Việt Nam từ 2022”.

Theo đó, khi truy cập vào trang web của Starlink, người dùng có thể dễ dàng chọn địa chỉ tại những thành phố quen thuộc của Việt Nam như Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng... để đăng ký sử dụng dịch vụ này. Startlink cho biết sẽ bắt đầu cung cấp dịch vụ Internet vệ tinh cho người sử dụng tại Việt Nam vào năm 2022. Tuy nhiên, để được là một trong những người sử dụng đầu tiên, người dùng phải trả một khoản phí là 99 đô la Mỹ (tương đương khoảng 2,3 triệu đồng) để giữ chỗ trước. Việc thanh toán cước sẽ được thực hiện qua các loại thẻ quốc tế như VISA, Master Card.

Theo Starlink, trong thời gian thử nghiệm, đơn vị này có thể cung cấp cho người dùng khả năng truy cập Internet với tốc độ tải xuống trong khoảng từ 50-150 Mbps và độ trễ từ 20-40ms. Tuy tốc độ truy cập internet của Starlink hiện nhanh hơn khoảng gấp đôi, gấp ba so với tốc độ truy cập ADSL tại Việt Nam tuy nhiên giá thành dịch vụ này vẫn cao gấp từ 7-8 lần so với giá dịch vụ Internet băng rộng tại Việt Nam.

Cục Viễn thông: Starlink chưa có đề xuất nào

Liên quan đến các thông tin nêu trên, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, Starlink hiện chưa có đề xuất, kiến nghị cụ thể nào về việc xin cấp phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Trong khi đó, kinh doanh dịch vụ truy cập Internet là một loại hình dịch vụ viễn thông và là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Cục Viễn thông hiện đang thu thập thông tin và phối hợp với các đơn vị chức năng để sớm làm việc với Starlink nhằm kịp thời hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật nếu doanh nghiệp này có ý định tiến hành cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.

Ở thời điểm hiện tại, Starlink chưa có thỏa thuận cho phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam. Do vậy, Cục Viễn thông cũng khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần tự đánh giá rủi ro có thể gặp phải và thận trọng trước khi quyết định, thực hiện việc đăng ký, đặt cọc với dịch vụ mới này. Người dân không nên chỉ tin tưởng, căn cứ hoàn toàn vào các thông tin quảng cáo, thăm dò thị trường do doanh nghiệp cung cấp trên trang web khi đăng ký dịch vụ.

Trên trang web của mình, Starlink hiện mới chỉ công bố 15 quốc gia mà doanh nghiệp này sẽ cung cấp dịch vụ. Đây có thể là những quốc gia Starlink đã đạt được thoả thuận với cơ quan quản lý nước sở tại về việc cho phép Starlink cung cấp loại dịch vụ này trên lãnh thổ. Các quốc gia này bao gồm Úc, Canada, Thụy Sĩ, Ailen, Hà Lan, New Zealand, Phần Lan, Đức, Đan Mạch, Tây Ban Nha, Vương quốc Anh, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha và Mỹ.

Doanh nghiệp trong nước lo ngại

Theo quy định pháp luật của Việt Nam để Starlink triển khai dịch vụ này tại Việt Nam, công ty Starlink phải đạt được thỏa thuận thương mại hoặc thành lập liên doanh với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp giấy phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh.

Theo Cục Viễn thông, dự án Starlink cần đáp ứng các điều kiện cần thiết theo quy định hiện hành của Việt Nam. Về cơ bản, Starlink phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông truyền dẫn qua vệ tinh.

Công ty này cũng phải thực hiện các thủ tục cần thiết về mặt pháp lý theo quy định của cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Ngoài ra, doanh nghiệp này phải tuân theo các quy định của pháp luật Việt Nam trong các lĩnh vực như đảm bảo an toàn an ninh thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tần số, kiểm soát chất lượng thiết bị đầu cuối truy nhập, chất lượng dịch vụ...

Đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam cho biết: “chúng tôi rất lo ngại nếu dịch vụ Starlink được triển khai ở Việt Nam theo hình thức “xuyên biên giới”. Bởi nếu cung cấp dịch vụ theo hình thức này thì doanh nghiệp nước ngoài không cần phải mở văn phòng đại diện, không phải đóng thuế cũng như các trách nhiệm khác. Trong khi đó các doanh nghiệp nội đều phải tuần thủ đầy đủ các quy định của luật pháp, đóng thuế đầy đủ… Đây sẽ là nguy cơ rất lớn cho việc thất thu thuế, thiếu cạnh tranh, công bằng sòng phẳng với doanh nghiệp nội”.

Một chuyên gia về viễn thông tại TPHCM cho biết nếu Starlink cung cấp tại thị trường Việt Nam thì phải hợp tác, liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam hoặc có phải có văn phòng đại diện… để chịu trách nhiệm về thuế cũng như xử lý các vấn đề xảy ra với người dùng. Trong trường hợp Starlink hoạt động tương tự như các dịch vụ “xuyên biên giới” trước đây thì sẽ gây ra nhiều bất lợi cho doanh nghiệp nội, Nhà nước không thu được thuế còn người dùng lệ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp ngoại về chất lượng, dịch vụ…

Cũng theo người này, các dịch vụ kiểu “xuyên biên giới” trước đây đã là bài học cho chúng ta khi đến nay vẫn không quản nổi và vẫn thu được thuế nhỏ giọt. Các cơ quan quản lý nên tìm hiểu dịch vụ này vì nó không chỉ mới mẻ mà đang đặt ra nhiều thách thức cho công tác quản lý cũng như đánh giá các tác động đến thị trường”.

Cục Viễn thông cho biết luôn sẵn sàng làm việc và lắng nghe nhu cầu từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc triển khai các dịch vụ mới. Điều này nhằm đảm bảo môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh của Việt Nam, nâng cao chất lượng dịch vụ, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hơn hết là bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ viễn thông Việt Nam.

Một vấn đề quan trọng khác khi nhắc tới dịch vụ Internet vệ tinh là những tác động tới các dịch vụ viễn thông truyền thống cũng như an ninh quốc gia. Do vậy, Việt Nam cần có những nghiên cứu, thử nghiệm cũng như theo sát các hội nghị quốc tế về quản lý và cấp phép cho dịch vụ vệ tinh để có kế hoạch trước với loại hình dịch vụ này, các cơ quan quản lý cho biết thêm.

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...