14/04/2021 11:21  
Với các hành động hiện tại, Trung Quốc muốn cho thấy mình đủ sức chặn mọi đường phản công của Đài Loan cùng các nước đang định hỗ trợ hòn đảo này.

Cơ quan phòng vệ Đài Loan mới đây cho biết Trung Quốc (TQ) ngày 12-4 đã điều 25 máy bay quân sự, trong đó có 18 tiêm kích và bốn máy bay ném bom, vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) hòn đảo này thiết lập. Theo hãng tin Reuters, đây là vụ xâm nhập trong một ngày lớn nhất của máy bay TQ kể từ lúc Đài Bắc (từ năm ngoái) bắt đầu báo cáo về hoạt động của không quân TQ tại vùng ADIZ mình thiết lập. Động thái cũng diễn ra trong bối cảnh hai nhóm tàu sân bay của TQ là Liêu Ninh và Sơn Đông đang hoạt động cùng lúc ở Biển Đông.

 Washington đừng nên đùa với lửa về vấn đề Đài Loan và nên ngay lập tức ngừng bất cứ hình thức quan hệ chính thức nào với Đài Bắc.  Phát ngôn viên  Bộ Ngoại giao TQ TRIỆU LẬP KIÊN cảnh báo Mỹ ngày 12-4

Trung Quốc muốn bao vây toàn diện Đài Loan

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên trong tháng 4 TQ điều máy bay vây quanh Đài Loan. Đầu tháng, TQ cho 15 máy bay quân sự (12 chiếc trong đội hình là các tiêm kích chủ lực J-10 và J-16) áp sát từ hướng tây và phía đông nam Đài Loan.

Việc lặp đi lặp lại các động thái có phần khiêu khích như vậy, theo giới chuyên gia, là cách TQ thể hiện ý định “siết chặt gọng kìm” nhằm bao vây Đài Loan từ mọi hướng, chiếm ưu thế trên không và trên biển, theo trang tin Taiwan News. Mục đích cuối cùng là cô lập lực lượng Đài Loan khỏi sự hỗ trợ từ lực lượng quân sự nước ngoài trong trường hợp nếu không may TQ và Đài Loan xảy ra xung đột, bởi TQ lo ngại quân đội Mỹ hoặc Nhật có thể sẽ điều động lực lượng tới hỗ trợ hòn đảo này.

“Các động thái quân sự của TQ cho thấy nước này có năng lực bao vây đảo Đài Loan, cô lập lực lượng Đài Loan khỏi sự hỗ trợ từ các lực lượng bên ngoài. Chiến thuật đánh từ mọi hướng sẽ khiến đối phương khó có thể phòng thủ, bởi họ không biết lực lượng tấn công chính sẽ xuất phát từ hướng nào” - Tổng biên tập tạp chí Shipborne Weapons (Đài Loan) Shi Hong nói.

Đồng quan điểm, tạp chí Forbes cũng nhận định dù Đài Loan lâu nay xây dựng phòng thủ rất chặt chẽ, đề phòng kịch bản TQ đổ quân nhưng bất cứ hàng phòng thủ nào cũng cần phải biết trước hướng tấn công của đối phương, để từ đó củng cố phòng thủ theo chiều sâu nhiều lớp thay vì dàn trải. Nếu các máy bay ném bom của TQ phóng tên lửa hành trình từ phía tây và phía đông Đài Loan mà hòn đảo này không lường trước được thì Bắc Kinh có thể dễ dàng chia cắt hệ thống phòng thủ của Đài Loan, tăng cơ hội tiêu diệt các mục tiêu quân sự trên đảo.

Nhớ lại hồi tháng 3, quân đội TQ từng diễn tập đánh chiếm Đài Loan và truyền thông TQ đã đặc biệt tán dương chiến lược bao vây này. Tờ Thời báo Hoàn cầu lúc đó còn có bài xã luận khẳng định: “Trong một kịch bản xung đột quân sự với Đài Loan, quân đội TQ sẽ chiếm ưu thế toàn diện, còn Đài Bắc sẽ không thể biết được đối phương sẽ tiến công từ hướng nào”.

Bao vây Đài Loan: Tưởng dễ hóa khó

Tuy nhiên, Forbes cho rằng về thực chiến thì TQ không dễ triển khai chiến thuật này. Máy bay chiến đấu của Đài Loan do nằm sẵn trong các căn cứ ngay trên đảo nên sẽ xuất kích nhanh hơn máy bay của TQ và dễ dàng đánh chặn, tiêu diệt các tiêm kích từ đại lục bay sang. Mất sự yểm trợ từ tiêm kích trong khi đã không được phòng không mặt đất bảo vệ, máy bay ném bom của TQ lúc đó không khác gì mục tiêu di động để phi công Đài Loan tập bắn.

Hơn nữa, ngay khi nhận được tin TQ tấn công, quân đội Mỹ có thể cử cùng lúc nhiều nhóm tác chiến tàu sân bay di chuyển xuyên Thái Bình Dương để chi viện cho Đài Loan. Chiến thuật của TQ tuy đã dự liệu trường hợp Mỹ và đồng minh gửi quân hỗ trợ nhưng quan trọng là có chặn được không khi giới chuyên gia quân sự đều cho rằng các nhóm tàu sân bay Liêu Ninh, Sơn Đông của TQ không thể đo lại được sức mạnh tàu sân bay của Mỹ khi tác chiến riêng lẻ, chưa nói tới toàn Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ tác chiến phối hợp. Với sự hỗ trợ của số lượng lớn máy bay tiếp dầu trên không, các máy bay chiến đấu của Mỹ có thể giúp Đài Loan cắt đứt đường bay của máy bay ném bom TQ.

Trả lời phỏng vấn của tạp chí The National Interest, chuyên gia J. Michael Cole thuộc Viện Chính sách TQ của ĐH Nottingham (Canada) nhận định trước mắt khả năng TQ đổ quân đánh chiếm Đài Loan vẫn còn rất thấp và nước này vẫn sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật “lát cắt salami”, tức thực hiện các hành động gây hấn nhỏ và tăng dần. Các hành động này quá nhỏ để có thể khơi mào chiến tranh, song tích lũy theo thời gian có thể đạt được thay đổi chiến lược đáng kể.

Để đối phó, ngoài việc củng cố khả năng phòng vệ, Đài Bắc cũng nên tăng cường hợp tác mở rộng phạm vi đối tác, đồng minh trong khu vực. Tuy nhiều nước ngại đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, mối đe dọa chung của TQ với toàn khu vực sẽ là rủi ro lớn hơn khiến các nước này phải suy nghĩ lại. Dù vậy trên thực tế, các lựa chọn cho Đài Loan lúc này khá hạn chế vì hòn đảo này không có khả năng triển khai lực lượng quân sự đáp trả lên đại lục. 

Nguồn tin: www.24h.com.vn


Máy bay   Máy bay chiến đấu   Reuters   Trung Quốc   chiến lược   chuyên gia   hợp tác   sân bay  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...