16/04/2021 10:46  

Án phạt kỷ lục dành cho Alibaba

Hôm 10-4 vừa qua, Cơ quan Quản lý thị trường quốc gia Trung Quốc (SAMR) đã công bố mức án phạt 18,23 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỉ đô la Mỹ) đối với Alibaba vì cáo buộc độc quyền.

SAMR cáo buộc đại gia công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã có nhiều động thái lạm dụng vị thế thống trị thị trường từ năm 2015, trong đó bao gồm chính sách buộc các tiểu thương chọn một trong hai nền tảng để kinh doanh, thay vì được sử dụng cả hai. Giới chức Trung Quốc cho rằng chính sách này, cùng nhiều động thái khác, đã giúp Alibaba củng cố vị thế trên thị trường và giành lợi thế cạnh tranh không công bằng trước các đối thủ.

Án phạt tương đương 4% doanh thu của Alibaba trong năm 2019 và cũng là khoản phạt lớn nhất về độc quyền đến nay tại Trung Quốc, vượt xa con số 975 triệu đô la mà hãng sản xuất chip Qualcomm của Mỹ từng phải nộp hồi năm 2015.

SAMR yêu cầu Alibaba phải thực thi các biện pháp “sửa đổi toàn diện” để duy trì cạnh tranh công bằng, bảo vệ các doanh nghiệp kinh doanh trên các nền tảng và quyền lợi của người tiêu dùng. Về phần mình, Alibaba cho biết họ sẽ chấp nhận hình phạt này và sẽ tuân thủ đúng quy định.

Giới chức Trung Quốc mở cuộc điều tra chống độc quyền với Alibaba từ tháng 12-2020, sau khi gây sức ép, buộc Alibaba phải hoãn thương vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Công ty công nghệ tài chính khổng lồ Ant Group. Alibaba cũng bị buộc phải tái cơ cấu lại hoạt động của Ant Group và từ bỏ nhiều tài sản trong mảng kinh doanh truyền thông. Trước đó, những phát ngôn chỉ trích cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc của tỉ phú Jack Ma - nhà sáng lập Alibaba, được cho là đã khiến giới chức Trung Quốc không hài lòng, châm ngòi cho một loạt các biện pháp giám sát chặt chẽ.

Trung Quốc “siết thòng lọng” với các đại gia công nghệ

Án phạt kỷ lục dành cho Alibaba chỉ là sự kiện mới nhất trong một chuỗi các hành động cứng rắn mà giới chức Trung Quốc triển khai, nhắm vào các nền tảng công nghệ lớn tại nước này những tháng gần đây, đặc biệt là trong mảng tài chính. “Mức phạt đối với Alibaba có thể xem là mốc chuẩn và các công ty khác cũng có nguy cơ bị phạt” - ông Louis Tse, Giám đốc điều hành Công ty chứng khoán Wealthy Securities (Hồng Kông), nhận định.

Sức nóng phả lên các công ty công nghệ lớn ngày càng gia tăng sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 3 chỉ đạo cơ quan quản lý tăng cường giám sát các công ty Internet, trấn áp các hành vi độc quyền để thúc đẩy cạnh tranh công bằng cũng như ngăn chặn việc huy động vốn bừa bãi.

Cũng trong tháng 3, SAMR đã phạt 12 công ty liên quan đến 10 thỏa thuận vi phạm quy định chống độc quyền, với mức phạt 500.000 nhân dân tệ (76.300 đô la) mỗi công ty. Trong số này có nhiều tên tuổi lớn như Baidu, Tencent, Didi Chuxing, SoftBank và một doanh nghiệp do ByteDance hậu thuẫn.

Tình hình căng thẳng đến mức, theo Reuters, các công ty công nghệ lớn đã phải tăng cường tuyển dụng chuyên gia luật, đồng thời lập ngân sách dành cho các khoản phạt tiềm tàng.

Theo hãng tin Bloomberg, tập đoàn tiếp theo rơi vào tầm ngắm có thể là Tencent, đế chế tài chính trị giá 120 tỉ đô la. Bắc Kinh được cho là đang xem xét buộc Tencent phải cơ cấu lại bộ phận công nghệ tài chính đầy tiềm năng của mình, giống như yêu cầu đối với Ant Group của Alibaba.

Các hãng công nghệ “không còn là chính mình”

Các động thái thắt chặt kiểm soát của giới chức Bắc Kinh đã khiến những nhà lãnh đạo các tập đoàn công nghệ Trung Quốc “không còn là chính mình”. Hồi đầu tháng 3, tại phiên họp thường niên của Quốc hội Trung Quốc, Pony Ma đã kêu gọi áp dụng các quy định chặt chẽ hơn đối với chính Tencent. Vài ngày sau, một ngôi sao đang lên, Simon Hu, rời khỏi vị trí giám đốc điều hành của Ant Group. Ngay sau đó đến lượt tỉ phú Colin Huang từ chức Chủ tịch Pinduoduo trong bối cảnh hãng thương mại điện tử non trẻ của ông vừa vượt qua Alibaba về số lượng người mua sắm.

Alibaba, Pinduoduo và Tencent - những công ty đã bổ sung thêm 1.200 tỉ đô la vào tổng giá trị vốn hóa thị trường kể từ năm 2016, đã phải đối mặt với tình trạng giá cổ phiếu rớt thê thảm trong những tuần gần đây. Ant Group sau thương vụ IPO bất thành, hiện được định giá khoảng 200 tỉ đô la - giảm 100 tỉ đô la so với hồi tháng 10 năm ngoái.

Giá cổ phiếu của Xiaomi, một nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn, đã giảm hơn 20% trong năm nay. Một trong những cổ phiếu được mong đợi nhất trong năm nay, Bilibili - dịch vụ phát video trực tuyến với 200 triệu người dùng, đã giảm 6% trong ngày đầu tiên giao dịch tại Hồng Kông hôm 29-3. Baidu, công ty khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm chỉ vừa mới phục hồi phần nào, đã ngay lập tức phải chứng kiến một nửa số lợi nhuận biến mất chỉ trong vòng chưa đầy hai tháng. Cổ phiếu của Meituan, một gã khổng lồ về dịch vụ gọi xe và giao đồ ăn, cũng mất hơn một phần tư giá trị trong cùng kỳ, bất chấp việc lợi nhuận của hãng đã tăng gấp đôi vào năm ngoái.

Theo The Economist, sự đi xuống của nhóm cổ phiếu công nghệ lớn đã khiến 700 tỉ đô la giá trị vốn hóa trên thị trường Trung Quốc bị thổi bay kể từ giữa tháng 2. Xu hướng này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn, ít nhất là trong ngắn hạn nếu các biện pháp kiểm soát cứng rắn tiếp tục được triển khai.

Kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo khả năng phát triển

Cũng tương tự như châu Âu và Mỹ, thái độ hoài nghi về tầm ảnh hưởng của các công ty công nghệ lớn đang dần gia tăng tại Trung Quốc. Từ chỗ được coi là lực đẩy cho sự thịnh vượng kinh tế và là biểu tượng sức mạnh công nghệ của Trung Quốc, Alibaba và nhiều công ty công nghệ lớn giờ đây lại khiến giới chức nước này cảm thấy lo ngại, bởi lẽ họ có thể thu hút được hàng trăm triệu người dùng và có ảnh hưởng đến gần như mọi phương diện trong cuộc sống.

Đáng chú ý, theo New York Times, mặc dù bắt đầu muộn hơn phương Tây trong việc áp dụng các biện pháp chống vi phạm độc quyền, nhưng Trung Quốc đang có dấu hiệu tỏ ra cứng rắn hơn nhiều.

Tại Mỹ và châu Âu, các án phạt lớn đã được đưa ra, nhưng nhìn chung không làm thay đổi bản chất hoạt động kinh doanh của các công ty - cách thức có thể hiệu quả trong việc giảm bớt mối lo ngại về quyền lực của các tập đoàn lớn.

Còn tại Trung Quốc, bên cạnh các án phạt, cuộc điều tra chống độc quyền, chiến dịch thắt chặt kiểm soát của Bắc Kinh đang bắt đầu ảnh hưởng đến cách thức hoạt động của những tập đoàn công nghệ lớn, và buộc các doanh nghiệp này phải tuân thủ nếu muốn được tiếp tục tồn tại.

Ví dụ rõ ràng nhất chính là hai đối thủ truyền kiếp Alibaba và Tencent. Trong nhiều năm, cả hai đã cạnh tranh quyết liệt trong nhiều lĩnh vực kinh doanh, bao gồm cả việc ngăn cản người dùng của mình sử dụng dịch vụ của đối thủ. Tuy nhiên, mọi chuyện đang dần thay đổi khi mới đây Alibaba đã đăng ký để hai trong số các nền tảng thương mại của mình là Taobao Deals và Xianyu có mặt trên Wechat, ứng dụng nhắn tin phổ biến của Tencent. Cả hai nhiều khả năng cũng sẽ chấp hành đầy đủ những yêu cầu của Bắc Kinh về việc cải tổ mảng công nghệ tài chính.

Tuy nhiên, Chính phủ Trung Quốc rõ ràng cũng không muốn để các tập đoàn này suy yếu quá mức, đặc biệt là khi cuộc cạnh tranh chiến lược với các cường quốc toàn cầu khác đang ngày càng quyết liệt.

Trong các ngành công nghệ cao, “sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở nên gay gắt hơn”, bà Li Qing - một cựu quan chức của cơ quan quản lý thị trường chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng Giêng. Bà Li cho biết: “Chúng ta phải cung cấp cho các doanh nghiệp công nghệ của đất nước nhiều không gian hơn để phát triển, một môi trường chính sách tốt hơn và nhiều cơ hội hơn để sửa chữa những sai lầm. Chúng ta phải khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục đổi mới và trở nên lớn mạnh”.

Bình luận về án phạt đối với Alibaba, ông Jeffrey Towson - cựu giáo sư tại trường Học viện Quản lý Quang Hoa, Đại học Bắc Kinh, nhận định: “Đây là một khoản tiền lớn, nhưng sẽ không thể cản trở sự phát triển của công ty. Nó chỉ là một biện pháp răn đe để buộc doanh nghiệp phải có hành động sửa sai”.

Những lo ngại cho các cổ đông nước ngoài

Giới chuyên gia và các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều tháng qua đã liên tục theo dõi sát sao những diễn biến liên quan đến chiến dịch kiểm soát các hãng công nghệ lớn tại Trung Quốc. Giới chuyên gia dự báo, những chính sách từ Bắc Kinh sẽ không gây nguy hiểm đến triển vọng trong dài hạn của các công ty công nghệ lớn. Chuyên gia kinh tế Rory Green của công ty nghiên cứu chiến lược đầu tư và kinh tế TS Lombard nhận định “các biện pháp này sẽ mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các công ty công nghệ nhỏ và cả nền kinh tế”.

Tuy nhiên, theo The Economist, những thay đổi trong mối quan hệ giữa nhà nước và các tập đoàn công nghệ lớn có thể gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài vốn đang nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu của các công ty Trung Quốc.

Yahoo (Mỹ) và Softbank (Nhật Bản) - các cổ đông lớn của Alibaba hiểu rõ điều này hơn ai hết, khi vào năm 2011, hãng thương mại điện tử Trung Quốc đã âm thầm chuyển quyền sở hữu Alipay cho một công ty thuộc sở hữu của tỉ phú Jack Ma mà không hề thông báo cho các đối tác. Biện pháp này được cho là nhằm hạn chế quyền sở hữu của các cổ đông nước ngoài đối với dịch vụ thanh toán trực tuyến hàng đầu của Trung Quốc.

Nếu những điều tương tự tái diễn, khoản đầu tư của các cổ đông nước ngoài lớn như SoftBank, vẫn nắm giữ 24,9% cổ phần của Alibaba và Naspers, một tập đoàn công nghệ Nam Phi là cổ đông lớn nhất của Tencent thông qua một công ty mẹ có tên là Prosus, có thể phải chịu nhiều ảnh hưởng bên cạnh sự sụt giảm giá cổ phiếu gần đây.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


New York Times   Nhật Bản   Reuters   Trung Quốc   Xu hướng   chiến lược   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...