27/03/2021 20:15  
Triển lãm nhóm “Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên” đang diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại The Factory, thành phố Thủ Đức, giới thiệu thực hành điêu khắc của ba nghệ sĩ từng gặt hái được nhiều thành tựu trên thế giới, với mong muốn soi rọi cách thức họ diễn giải, mở rộng ý nghĩa và giá trị của điêu khắc đương đại.

Ba gương mặt hội tụ trong triển lãm này là Lê Hiền Minh, Richard Streitmatter - Trần và Phan Thảo Nguyên (kèm trưng bày đặc biệt các tác phẩm của cố nghệ sĩ Điềm Phùng Thị).

Tại Việt Nam, khi nhắc đến điêu khắc, phần đông công chúng sẽ nghĩ ngay tới tượng thờ, tượng Phật trong đình, chùa (một hình thức nghệ thuật dân gian đã tích hợp nhuần nhuyễn vào đời sống tâm linh của người Việt); hoặc những tượng đài lịch sử thấm đượm phong cách hiện thực xã hội (được liên tục xây dựng để củng cố sức mạnh của các biểu tượng chính thể); hoặc những công trình trang trí ngoài trời với trọng tâm là hình thức (thay vì nội dung hay mục đích), thường là sự sao chép (bất chấp bối cảnh hay học thuyết) của các trường phái mỹ thuật nước ngoài.

Các ví dụ trên tượng trưng cho kiểu thực hành điêu khắc cổ điển - ở đó, bố cục, phong cách, phom dạng, chất liệu và màu sắc là mối quan tâm hàng đầu; còn nghệ thuật được tiếp cận một cách hình thức và kỹ thuật, và không được xem là một thực hành mang tính xuyên ngành, đề cao tư duy biện luận và so sánh.

“Trong”, “giữa”, “dưới”, “trên” - những giới từ này không những cho biết vị trí của một vật hay một người, mà còn ảnh hưởng và điều hướng mắt người nhìn. Không gian của triển lãm cùng các chiến lược trưng bày đi kèm, được sắp đặt và thiết kế, cốt để khơi gợi mối tương quan giữa các tác phẩm; đồng thời, khai mở không chỉ mối quan hệ giữa các thành tố của một tác phẩm, mà cả sự tương tác và phối hợp của chuỗi thành tố đó với tổng thể. Tại Lần trong / Nằm giữa / Vùi dưới / Lộ trên, đôi khi tác phẩm được nâng lên cao - để ám chỉ khoảng cách giữa các không - thời gian, hay những khác biệt mang tính xã hội. Khi khác, tác phẩm lại nằm kề đất - nhằm làm nổi bật trọng lượng của lịch sử, sức mạnh của căn tính văn hóa. Có khi, tác phẩm lại mời gọi người xem tiến gần - để bóc tách từng lớp chất liệu, và soi xét từng đơn vị phom dạng. 

Liên tục mở rộng khả năng của giấy dó như một công cụ điêu khắc, Lê Hiền Minh đồng thời chất vấn những ý niệm về tính nữ thông qua những hình thể lai tạp - nơi các biểu tượng nữ thánh xuyên suốt nhiều tín ngưỡng bản địa bị cấy ghép vào đồ đạc nội trợ. Một hình ảnh vừa thách thức nhận thức tập thể, vừa tôn vinh quyền năng nữ giới trong chính sự khuất dạng của họ.

Ấn tượng với các giai đoạn lịch sử mỹ thuật, các kỹ thuật và các nền văn hóa khác nhau, Richard Streitmatter-Trần hòa hợp những chất liệu hữu cơ (bánh tráng hay rêu) và những chất liệu công nghiệp (thép hay bê tông), tạo thành những tổ hợp khi lơ lửng trôi nổi, khi sừng sững nằm yên, khi lại tương tác trực tiếp với tự nhiên. Một hành vi vừa thách thức những giả định về tính trường tồn của điêu khắc, vừa mở rộng cuộc hội thoại về mối quan hệ giữa bản chất của vật liệu và ý nghĩa, hình hài sau cuối của tác phẩm.

Tìm thấy cảm hứng trong hệ thống 7 mô đun hình học của cố nghệ sĩ nổi danh Điềm Phùng Thị, Phan Thảo Nguyên - qua những tạo tác bằng đá, gỗ và sơn mài - tiếp tục với niềm say mê tái mường tượng văn học dân gian và lịch sử truyền miệng/ghi chép của Việt Nam. Đặt thế giới tối giản của Điềm Phùng Thị kế hệ từ vựng giàu trần thuật của Thảo Nguyên, miền không gian màu nhiệm được kiến tạo - ở đó, mọi khác biệt cùng đồng hiện và song hành.

Tác phẩm của ba nghệ sĩ bổ trợ cho nhau, mang đến một diện mạo mới cho điêu khắc đương đại, mà vẫn gắn kết với lịch sử, với những quả ngọt trong quá khứ. 

(*) Bài viết có sử dụng tư liệu của The Factory

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Không gian   Nghệ thuật   Việt Nam   chiến lược   hành vi  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...