24/01/2021 11:45  

Bên cạnh nhiều nội dung sửa đổi về mặt kỹ thuật, có hai điểm quan trọng đáng chú ý về phạm vi điều chỉnh của văn bản đã được cơ quan dự thảo bổ sung: Cung cấp dịch vụ nền tảng (platform) và đặc biệt là hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới của thương nhân nước ngoài.

Trả lại “tên” cho taxi công nghệ?

Nhóm hoạt động thứ nhất được phản ánh qua việc bổ sung định nghĩa về hoạt động dịch vụ TMĐT. Thực chất, đây là nhóm dịch vụ đã được gián tiếp đề cập trong Nghị định 52 tại khoản 2 điều 24. Để rõ hơn, lần này dự thảo nghị định đã bổ sung vào khoản 16 điều 3, xác định rằng: “Dịch vụ TMĐT là hoạt động thương mại theo đó thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT thiết lập trang web TMĐT để cung cấp môi trường cho thương nhân, tổ chức, cá nhân khác tiến hành hoạt động xúc tiến thương mại, bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ”.

Có thể thấy, nhiều doanh nghiệp cung ứng dịch vụ trên platform thuộc nhóm đối tượng này. Điển hình trong số đó chính là nền tảng gọi xe đang gây nhiều tranh cãi.

Chỉ có điều, cuộc tranh cãi có thể sẽ lại nảy sinh khi đoạn 2 của định nghĩa xác định rằng: “Thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ TMĐT không bao gồm các thương nhân, tổ chức chỉ thực hiện cung cấp dịch vụ thiết kế trang web và không tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh, điều hành hoặc điều phối các hoạt động trên trang web đó”.

Điều đó có nghĩa, để có thể được xem là chủ thể của hoạt động TMĐT, cụ thể là chủ thể cung ứng dịch vụ TMĐT, bên sở hữu nền tảng phải tham gia, thậm chí là điều hành hay điều phối hoạt động kinh doanh diễn ra trên... ứng dụng (app) của mình.

Nhưng lạ là trong tình huống ngược lại, bên sở hữu trang web (ứng dụng/nền tảng) không được dự thảo nghị định xếp vào nhóm chủ thể nào, bởi bên cung cấp hạ tầng kỹ thuật TMĐT đang được xác định tại Nghị định 52 (không có đề nghị sửa đổi, bổ sung) phải là bên... không sở hữu trang web TMĐT bán hàng và họ phải là bên cung cấp dịch vụ đó cho bên... sở hữu trang web TMĐT (điều 24.5).

Quay lại với các ứng dụng taxi công nghệ, bên sở hữu nền tảng phải được xem là bên cung cấp dịch vụ TMĐT. Hay nói cách khác, họ không phải là bên tiến hành hoạt động TMĐT, ví dụ như bán hàng của chính mình - là nhóm chủ thể tách biệt và đang được xác định tại khoản 1 điều 24 của Nghị định 52 (không có đề nghị sửa đổi, bổ sung).

Nội dung bổ sung đang được xem là “một bước tiến” này vì vậy có thể tạo ra sự xung đột trong cách tiếp cận của Nghị định 10/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành vào tháng 4-2020 về taxi công nghệ. Theo văn bản này, taxi công nghệ chỉ có thể tồn tại bằng một trong hai hình thức: cung ứng dịch vụ nền tảng (gọi xe) hoặc cung ứng dịch vụ... vận tải.

Theo đó, chỉ cần bên sở hữu nền tảng gọi xe tham gia vào một trong số những khâu quan trọng của hoạt động kinh doanh như điều phối xe/tài xế hay xác định giá dịch vụ (vận tải) thì xem như họ đang hoạt động ở mô hình thứ hai. Khá nhạy cảm là dựa vào quy định này mà vừa qua cơ quan thuế ở nước ta đã xem Grab và các nền tảng gọi xe khác là bên cung cấp dịch vụ... taxi để tiến hành thu thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP. Rõ ràng, tất cả các cách tiếp cận này khác với cách hiểu hiện tại của dự thảo sửa đổi Nghị định 52.

Thích nghịch lửa nhưng lại sợ... bỏng tay

Về nhóm đối tượng được bổ sung thứ hai, dự thảo nghị định xác định ngay trong quy định được đề nghị sửa đổi về đối tượng áp dụng của văn bản. Theo đó, thay vì chỉ giới hạn áp dụng đối với các chủ thể nước ngoài tiến hành hoạt động TMĐT hay cung ứng dịch vụ TMĐT khi họ “đầu tư, lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc trang web dưới tên miền Việt Nam”, dự thảo nghị định mở rộng ra bất kỳ thương nhân, tổ chức nước ngoài nào “có hoạt động TMĐT tại Việt Nam” bất kể họ có... ở Việt Nam hay không (điều 2.1.c). Có thể thấy, sự khẳng định này còn nhằm xác lập cơ sở pháp lý vững chắc cho quá trình thu thuế nhà thầu đối với các hoạt động TMĐT trong trường hợp này.

Để khoanh vùng đối tượng áp dụng, dự thảo nghị định đã bổ sung điều 67a quy định về nhóm các đối tượng cần phải “để mắt” tới này. Ngoài các trang web TMĐT dưới tên miền Việt Nam hay sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt, phương án đề xuất còn sử dụng tiêu chí số lượng tham gia giao dịch của khách hàng/người dùng từ Việt Nam. Có thể thấy, tiêu chí cuối cùng là công cụ để cơ quan quản lý Việt Nam “tóm” các trang web có tên miền nước ngoài hay sử dụng tiếng nước ngoài.

Tuy nhiên, vì cho rằng hoạt động cung cấp dịch vụ TMĐT là ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài, nên dự thảo nghị định đã bổ sung điều kiện tiếp cận thị trường đối với hoạt động thương mại của họ. Chỉ có điều, các quy định về “điều kiện” nói trên bộc lộ nhiều điểm chưa hợp lý, điển hình như yêu cầu bên cung ứng dịch vụ phải là đơn vị công nghệ có uy tín trên toàn cầu (theo công bố định kỳ của Bộ Công Thương - điều 67c.2.b). Với giả định rằng, các doanh nghiệp TMĐT trong nước còn non trẻ, chưa kịp “dậy thì” hoặc “dậy thì nhưng có phần chưa... thành công” thì việc chỉ giới hạn đón chào các công ty công nghệ lớn chẳng khác nào là cách đưa “rắn dữ” về cắn “gà nhà hiền”.

Một quy định cũng có thể tạo ra nhiều gút mắc là đòi hỏi phải có ý kiến thẩm định của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng nếu doanh nghiệp TMĐT nước ngoài tham gia thị trường Việt Nam mà chi phối một hoặc nhiều doanh nghiệp TMĐT có vị trí thống lĩnh thị trường trong nước.

Nếu hình dung quá trình “chi phối” này có thể diễn ra qua phương thức mua lại (vốn) doanh nghiệp trong nước thì hoạt động kiểm soát sáp nhập đã có thể diễn ra theo Luật Cạnh tranh. Việc lặp lại quy định ở văn bản này là không cần thiết, thậm chí có thể... gây hại vì nội dung lặp lại không khớp do “tam sao thất bản”. Mặc dù đã xác định Luật Cạnh tranh là một trong những căn cứ ban hành văn bản, nhưng điều đó không có nghĩa là nghị định được “dài tay” mở rộng quy định của luật.

Còn nếu chỉ xem đây đơn thuần là điều kiện tiếp cận thị trường, phải thực hiện trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp, thì quy định tiền kiểm này dễ tạo ra sự thiếu minh bạch trong sử dụng công cụ hành chính làm rào cản gia nhập thị trường. Về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn, quy chế pháp lý ưu trội luôn cổ vũ cho việc thiết lập các tiêu chí mà theo đó doanh nghiệp chỉ cần đáp ứng để có thể tham gia thị trường mà không cần phải vượt qua “cánh cửa” cơ quan quản lý. Thực chất, đây là cách tiếp cận của Luật Đầu tư mà bản thân dự thảo nghị định cũng đã dẫn chiếu đến trước khi bổ sung các “điều kiện” vừa nêu.

Tóm lại, ngoài những nội dung mới có nhiều điểm ưu trội, dự thảo nghị định cần có phương án điều chỉnh các nội dung thiếu hợp lý. Nếu không, có thể thấy rằng, dự thảo nghị định một mặt “chào mời” công ty công nghệ hùng mạnh vào “chơi”, mặt khác lại lo sợ các công ty bên ngoài “chi phối” doanh nghiệp trong nước kể cả khi doanh nghiệp trong nước đã là đơn vị thống lĩnh thị trường, kiểu như vừa muốn nghịch lửa lại sợ bị... phỏng tay.

(*) Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM).

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   Kinh tế   Nghị định   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ   hạ tầng kỹ thuật   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...