06/07/2022 6:15  
Sau thời gian bị siết chặt tín dụng, các doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) đã tìm nguồn tiền để phát triển dự án bằng cách phát hành trái phiếu. 

Sau thời gian im ắng, thị trường BĐS đã bắt đầu rục rịch với việc phát hành trái phiếu trở lại của một số DN lớn. Cụ thể, trong tháng 6, Tập đoàn Vingroup đã công bố kết quả phát hành 100 triệu USD. Công ty CP Đầu tư địa ốc Nova phát hành hơn 2.000 tỷ đồng trong tháng 6 và trước đó, trong tháng 5/2022, DN này cũng đã phát hành 5.774 tỷ đồng. Cũng trong tháng 6, Công ty CP Đầu tư và BĐS Hưng Lộc Phát đã công bố kết quả phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ. Tương tự, Công ty CP Đầu tư Nam Long công bố kết quả phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu…

Trước đó, trong tháng 5, một số công ty BĐS khác cũng phát hành trái phiếu với nguồn huy động nhỏ hơn. Đơn cử, Công ty TNHH Đầu tư và kinh doanh địa ốc Mỹ Phú phát hành 700 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ, Công ty Hội An Invest cũng huy động 300 tỷ đồng từ trái phiếu riêng lẻ, Công ty CP BĐS An Gia phát hành 300 tỷ đồng trái phiếu DN…

Theo các DN, cổ phiếu và trái phiếu là hai trong số các nguồn vốn quan trọng mà thị trường BĐS cần, nhưng vấn đề quan trọng nhất đó là phải nguồn thông tin phải minh bạch. 

Bộ Tài chính khẳng định, năm 2022, khi kinh tế bắt đầu phục hồi sau Covid-19, nhu cầu huy động vốn của các DN dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo mới đây của Công ty chứng khoán VnDirect cũng đưa ra nhận định, thị trường trái phiếu DN có thể trầm lắng trong 1 - 2 quý do đang chờ đợi những thay đổi về mặt chính sách pháp lý được cơ quan quản lý Nhà nước ban hành trong thời gian tới, trong khi các DN phát hành, tổ chức tư vấn, bảo lãnh phát hành, nhà đầu tư tổ chức (ngân hàng, công ty bảo hiểm), cần thời gian để thích ứng với những thay đổi về mặt chính sách pháp lý. 

“Giá trị phát hành trái phiếu DN riêng lẻ của nhóm BĐS sẽ giảm dần trong một vài quý và nhường dòng vốn cho những DN sản xuất, dịch vụ thiết yếu”, báo cáo của VnDirect nhận định.

Chia sẻ tại sự kiện "Công bố báo cáo thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo 6 tháng cuối năm” do Viện nghiên cứu kinh tế - tài chính - bất động sản Dat Xanh Services tổ chức ngày 4/7/2022, ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng giám đốc Fiin Group (công ty cung cấp dịch vụ phân tích dữ liệu tài chính) cho biết, sau sự cố của Tập đoàn Tân Hoàng Minh, cơ quan điều hành siết chặt thị trường khiến các DN BĐS không dám phát hành trái phiếu trong tháng 4. 

Nhưng sang hai tháng 5 và 6, DN đã rục rịch phát hành trở lại, vấn đề là lãi suất như thế nào để các nhà đầu tư tham gia. Đối với các nhà đầu tư quốc tế, điều họ sợ nhất là vướng rủi ro pháp lý. Đây là rào cản lớn cho việc phát hành thành công.

Cũng theo ông Nguyễn Quang Thuân, kênh trái phiếu vẫn rất tích cực bởi đây vẫn là dòng vốn chiếm tỷ lệ lớn, hỗ trợ cho DN hoạt động kinh doanh khi tín dụng ngân hàng không đủ để đáp ứng. Tín dụng ngân hàng thoạt nhìn là có vai trò quan trọng nhưng trong các DN BĐS lớn hiện nay, tỷ lệ vốn vay trái phiếu vẫn lớn hơn vốn vay ngân hàng.

“Thông điệp của chúng tôi khi tư vấn cho các cơ quan quản lý là vẫn đánh giá cao sự cần thiết của việc kiểm soát tín dụng lẫn trái phiếu. Tuy vậy, cần phải có giải pháp ưu tiên phân hạng tín dụng cho những phân khúc có chất lượng tín dụng tốt, qua đó điều tiết dòng vốn hợp lý thay vì chặn đứng tất cả. Trái phiếu BĐS rất quan trọng khi chiếm tới 40% tổng lượng phát hành trên thị trường. Với những sự thay đổi mới nhất của Nghị định 153 dự báo sẽ là thông tin tích cực và rõ ràng hơn để thị trường trái phiếu sôi động trở lại từ nay đến cuối năm”, ông Thuân nhận định.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   Nghị định   Tài chính   Tập đoàn   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất   Đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...