26/01/2021 16:45  

Những buổi chia sẻ xử lý rác hữu cơ sẽ được Hiệp hội Du lịch Quảng Nam phối hợp với các doanh nghiệp thực hiện thường xuyên để lan tỏa giá trị kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Nhân Tâm

Biến rác thành tài nguyên

Hơn 10 doanh nghiệp ngày 26-1 đã tham gia chương trình chia sẻ cách phân loại, tự xử lý rác hữu cơ tại nguồn diễn ra tại sân vườn của Sea'lavie Boutique Resort, làng chài Tân Thành, thành phố Hội An. Với sự bảo trợ từ Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, đại diện các cơ sở lưu trú và nhà hàng tại Hội An và Quảng Nam đã trực tiếp “mục sở thị” cách làm nước enzyme (nước lên men từ vỏ trái cây), compost và bokashi (hai phương pháp tạo phân bón hữu cơ sinh học) dưới sự hướng dẫn của một nhóm cộng đồng chuyên xử lý rác.

Đầu tiên là nước enzyme được làm từ vỏ trái cây (thường là cam, chanh, bưởi, thanh long…) – nguồn nguyên liệu thường được thải loại rất nhiều từ các quán sinh tố, nhà hàng và cơ sở lưu trú có phục vụ thức uống.
Các loại vỏ trái cây, phải được rửa sạch và bỏ tủ lạnh khi chưa dùng đến để tránh bị phân hủy, bỏ vào thùng nước (nên là bằng nhựa, không có Clo) và đường theo tỉ lệ thích hợp và đậy nắp, ngâm trong vòng một tháng. Trong thời gian đó, cứ cách ba ngày mở nắp để thoáng khí. Sau thời gian trên, nước enzyme có thể được lọc ra, đổ vào một chai riêng, dùng để rửa chén bát và xịt côn trùng. Vỏ trái cây có thể chôn xuống đất để làm phân bón cho cây (nhờ vi sinh từ đất).

Kế đến là phân compost được làm từ rác thực vật, lá cây, giấy… Để men vi sinh dễ “ăn” hơn, các loại rác này được cắt nhỏ ra bỏ chung vào một thùng đựng theo phương thức một lớp rác tươi và 1 lớp rác khô. Cứ hai tuần đảo hỗn hợp này một lần và sau 6 tháng sẽ cho ra phân compost dùng để trồng hoa, rau, cây… đều thích hợp.

Theo đại diện của nhóm cộng đồng này, hằng ngày, có thể bỏ các loại rác này vào thùng kèm theo tưới nước để tạo độ ẩm và lấy dần phân compost ở lớp dưới cùng sau 6 tháng.

“Trong các loại rác hữu cơ, rác từ thức ăn thừa là khó phân loại nhất vì hỗn hợp nhiều nguyên liệu khác nhau từ cá, thịt đến rau củ quả”, chị Vũ Mỹ Hạnh, thành viên của nhóm cộng đồng nói và chia sẻ tuy nhiên đây lại là nguồn tài nguyên hữu dụng để làm phân bokashi. Các cơ sở lưu trú, đặc biệt là các nhà hàng, hằng ngày thải loại nhiều thức ăn thừa trong mùa đông khách và đây là nguồn rác dồi dào để làm phân bón trồng rau.

Khác với quy trình làm nước enzyme và phân compost, hỗn hợp rác làm phân bokashi, bao gồm cám gạo lên men, phải được ủ kín hoàn toàn trong vòng 2 tuần trước khi được lấy ra, chôn dưới đất làm phân bón. Trong quá trình ủ, cứ cách 2-3 ngày cho thoát nước rỉ ra từ rác.

 

Bảo vệ môi trường là câu chuyện thu hút và truyền cảm hứng

Các thành viên tham gia “lớp học” này, từ chủ cho đến nhân viên làm bếp đều cảm thấy thích thú và hữu ích khi trực tiếp thấy cách làm và sản phẩm thực tế. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở buổi chia sẻ này. Chị Hạnh cho biết các thành viên trong nhóm đã lấy thông tin từ những doanh nghiệp tham gia để sắp xếp lịch đến từng cơ sở để hướng dẫn làm trực tiếp.

“Mỗi cơ sở có nguồn rác khác nhau nên viên nắm các thông tin và thông số rác rất quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý rác hữu cơ hiệu quả”, chị Hạnh chia sẻ. “Sau khi có được các thông tin, chúng tôi sẽ phác thảo cho mỗi cơ sở quy trình làm nước enzyme, phân hữu cơ riêng, cùng nhau lan tỏa giá trị biến rác thành tài nguyên”.

Sau khi tham gia buổi chia sẻ, chị Lương Thúy Hà, chủ nhà hàng Salt Pub & Restaurant, và chị Phạm Thị Hải Nguyên, chủ Sea'lavie Boutique Resort, sẽ bắt tay thực hiện ngay việc gom rác hữu cơ và thực hành làm ngay. Hai nữ doanh nhân này cũng kêu gọi nhân viên của mình tham gia buổi chia sẻ này để biết cách làm và nâng cao ý thức về môi trường. Bên cạnh đó, vào tuần sau cơ sở của chị Hà sẽ diễn ra buổi chia sẻ làm xà phòng từ dầu ăn.

Trong khi đó, anh Lê Quốc Việt, Giám đốc khách sạn Santa Sea Villa Hội An, có ý tưởng livestream (truyền hình trực tuyến) các quy trình xử lý rác để lan tỏa trong cộng đồng cơ sở lưu trú dưới sự phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Nam và Thời báo Kinh tế Sài Gòn.

Đã thực hiện việc biến rác thành phân hữu cơ và nước enzyme từ 3 năm nay tại cơ sở của mình, nhưng chị Nguyễn Thị Hà, chủ nhà hàng Vườn Tân Thành, vẫn háo hức tham gia buổi chia sẻ này với mục đích “học hỏi thêm được gì đó”. Chị Hà cho biết qua buổi chia sẻ hôm nay chị biết thêm cách làm thế nào để có nước enzyme có mùi thơm hơn nhưng không đụng đến hóa chất.

Có thể nói việc các doanh nghiệp du lịch tận dụng cơ hội để đi học xử lý rác sẽ giúp lan tỏa câu chuyện giảm thiểu và xử lý rác thải, đặc biệt là nguồn rác hữu cơ. Hơn thế nữa, theo anh Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam – người theo triết lý kinh tế tuần hoàn trong nhiều năm qua, việc ứng dụng xử lý rác vào thực tế sẽ phần nào đó hỗ trợ công việc kinh doanh của họ.

Các doanh nghiệp có thể kể cho khách của mình nghe chuyện họ đã phân loại, xử lý rác thế nào, ủ làm phân hữu cơ ra sao và cuối cùng phân hữu cơ dùng để nuôi dưỡng cây trồng, vườn rau – nguyên liệu để chế biến các món ăn cho thực khách.

“Tôi nghĩ là thực khách sẽ hiểu và trân quý những giá trị từ món ăn này”, anh Thanh chia sẻ. “Khi đang ủ phân hữu cơ, các doanh nghiệp có thể nghĩ luôn trồng cây gì, rau gì để có nguyên liệu chế biến món ăn. Tuy không phải tất cả món ăn đều có thể làm từ vườn rau kiểu này, nhưng sẽ góp phần tạo thêm giá trị cho chính nhà hàng của bạn và cho cộng đồng”.

Được biết, những buổi chia sẻ phân loại và xử lý rác hữu cơ sẽ tiếp tục được chia sẻ không chỉ đến các chủ nhà hàng, cơ sở lưu trú vừa và nhỏ mà còn các doanh nghiệp lớn đang hoạt động tại Quảng Nam.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Hiệp hội   Kinh tế   doanh nghiệp   du lịch   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...