16/09/2022 23:23  
Dù giá xăng dầu đã được điều chỉnh giảm, nhưng doanh nghiệp (DN) cho biết vẫn đang gồng mình vì giá nguyên liệu đầu vào vẫn tăng phi mã.

Xoay chuyển theo nguyên liệu đầu vào

Dù xăng dầu đã "hạ nhiệt" nhưng các DN cho biết khó khăn vẫn bủa vây khi chi phí, nguyên liệu đầu vào tăng cao. Một DN chuyên nhập khẩu hàng thực phẩm từ Mỹ tại TP.HCM cho biết, hầu hết sản phẩm thủy sản nhập khẩu đã tăng giá cao hơn nhiều so với cùng kỳ do giá USD lên, cộng hưởng chi phí vận chuyển tăng gấp đôi. Điều đáng lo là trong khi giá sản phẩm nhập khẩu đều tăng mạnh so với cùng kỳ, thì người tiêu dùng càng thắt chi tiêu khiến DN "khó chồng khó”.

Trước khi xăng "hạ nhiệt", Saigon Co.op đã nhận được hàng loạt đề nghị tăng giá bán của các nhà sản xuất. Tuy nhiên, ông Nguyễn Anh Đức - Tổng giám đốc Saigon Co.op cho hay, Saigon Co.op đang nỗ lực kìm đà tăng giá, ưu tiên chưa tăng giá hàng thiết yếu, hàng bình ổn. Đơn vị đang nỗ lực đàm phán với nhà cung cấp để chia sẻ lợi nhuận nhằm kìm giá đầu vào lẫn đầu ra. Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng có kế hoạch vừa kích cầu vừa có giải pháp tránh tình trạng gom hàng khi hàng bình ổn thấp hơn hàng bán trên thị trường.

Thời gian qua, giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao đẩy chi phí sản xuất tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của DN. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng, vay vốn dành cho DN sản xuất gặp khó khăn do dịch 

Covid-19 vẫn chưa đến tay đã khiến DN... đuối. Hiện nay, sau ba lần điều chỉnh, giá xăng dầu đã giảm mạnh so với trước. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, khi giá xăng dầu giảm phải mất một thời gian nhất định để DN sản xuất tính toán đầu vào, từ đó điều chỉnh giá bán thực tế. Bởi vậy, khi giá xăng dầu giảm theo chu kỳ, giá hàng hóa khó giảm ngay theo. Thậm chí, một số mặt hàng như thịt, trứng... khó giảm giá, thậm chí sẽ tăng do giá nguyên vật liệu đang tăng cao. 

Ông Trương Chí Thiện - Tổng giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt cho biết, mặc dù xăng đã "hạ nhiệt" nhưng giá bán nhiều mặt hàng thực phẩm, trong đó có trứng gia cầm khó giảm tương ứng. Bởi mặt hàng xăng dầu tác động nhỏ trong cơ cấu giá của DN. "Giá xăng dầu chỉ tác động đến vận tải trong khi vận tải chỉ chiếm khoảng 20% trong cơ cấu giá thành. Ngược lại, chi phí chính là giá trứng mua vào đang ở mức cao nên việc giảm giá bán thời điểm này là không thể”, ông Thiện lý giải. 

Cũng theo đại diện của Công ty Vissan, xăng dầu tác động nhỏ trong giá thành sản phẩm, trong khi đó thịt heo chiếm đến 90% nguồn hàng thịt tươi sống và nguyên liệu cho thực phẩm chế biến lại đang tăng giá. Do vậy, điều chỉnh giá thực phẩm theo giá xăng dầu là không dễ. 

DN xuất khẩu gánh gồng chi phí

Theo ông Hoàng Trung Sơn - Phó chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, giá nguyên liệu giấy tái chế từ 120-150 USD/tấn tăng vọt lên trên 300 USD/tấn, khiến DN giấy gặp áp lực cả đầu vào lẫn đầu ra vì xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rất khó khăn do nước này kiểm soát phòng dịch rất khắt khe. Để duy trì sản xuất, các DN giấy không tính khấu hao và phải chấp nhận lỗ.

Tương tự, giá nguyên liệu nhựa tăng 30-50%, chi phí logistics tăng 50% từ giá xăng dầu đã tác động lớn đến các DN ngành này. Ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TP.HCM cho biết, hiện chi phí vận chuyển một container từ Việt Nam sang Hàn Quốc từ 15-17 triệu đồng tăng lên 30 triệu đồng, cước vận chuyển nội địa cũng tăng 20-30% càng làm cho DN không còn lợi nhuận dù nhà sản xuất phải tăng giá bán sản phẩm 5-7%. Thế nhưng, cái khó của các nhà sản xuất ngành nhựa là khó đàm phán với đối tác để tăng giá bán nhằm bù đắp chi phí đầu vào, không những vậy còn bị giảm số lượng đơn hàng. Trong khi đó, sức tiêu thụ nhiều mặt hàng nhựa trong nước giảm đáng kể, từ 10-20%.

Không chỉ ngành nhựa, giấy gặp nhiều khó khăn, ngành sơn cũng không ngoại lệ. Theo bà Nguyễn Thị Lạc Huyền - Chủ tịch Hiệp hội Sơn - Mực in Việt Nam, ngành sơn sụt giảm thê thảm thời gian qua, thậm chí có DN còn tăng trưởng âm - điều chưa bao giờ xảy qua trong 20 năm qua. Giá xăng dầu ảnh hưởng rất lớn đến ngành sơn vì phần lớn nguyên liệu đều phải nhập khẩu nên chuỗi cung ứng đứt gãy, giá xăng dầu quá cao đã làm cho ngành này lao đao. Trong khi đó, sức tiêu thụ trên thị trường giảm sâu, nhiều đơn hàng bị hủy, giá bán chưa theo kịp giá nguyên liệu khiến DN chỉ hoạt động cầm chừng, chịu lỗ để duy trì việc làm cho người lao động. Hiện nay, giá xăng dầu trong nước giảm

Thủy sản dù là một trong những ngành xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam, nhưng thời gian qua các DN cũng đối diện với nhiều khó khăn. Trong đó, các DN nuôi trồng giảm sản lượng do giá vật tư đầu tư tăng mạnh khiến người chăn nuôi thua lỗ, vì vậy nguy cơ thiếu nguyên liệu cho chế biến đang hiện hữu. Cùng với đó, chi phí logistics vẫn neo ở mức cao. Cụ thể, một container lạnh 40 feet xuất khẩu đi Mỹ phải chịu cước từ 400-440 triệu đồng khiến chi phí dịch vụ này của các DN có thể lên tới vài tỷ đồng, thậm chí cả chục tỷ mỗi tháng. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của ngành. 

Một điều đáng lo khác là tình hình thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp, giá năng lượng và nguyên vật liệu vẫn tăng cao. Đặc biệt, lạm phát gia tăng tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam ảnh hưởng đến tăng trưởng xuất khẩu của các ngành hàng thế mạnh trong những tháng cuối năm. 

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   logistics   sản xuất   thực phẩm  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...