13/10/2020 16:20  
Số phát minh, sáng chế của người Việt trong vài chục năm qua chỉ khoảng hơn 1.000 phát minh, sáng chế. Trong khi đó, Facebook đã sở hữu khoảng hơn 1.400 phát minh, sáng chế.

Trong Hội nghị “Bàn về giải pháp hoạt động khoa học và công nghệ điển hình sáng tạo hậu Covid -19”, tiến sĩ Lê Đăng Doanh – chuyên gia kinh tế cho biết, trong đại dịch, Chính phủ đã có những biện pháp hiệu quả, kịp thời để chống dịch. Gói hỗ trợ doanh nghiệp đã được đưa ra nhưng doanh nghiệp rất khó “chạm” đến.

“Cho đến quý II thì chưa có doanh nghiệp nào vay được một đồng từ gói hỗ trợ này bởi vì những tiêu chí khắt khe, điều kiện phức tạp. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ với tôi là họ sẽ phá sản vì không thể tiếp cận được nguồn tín dụng này”, tiến sĩ Doanh nói.

Theo ông Doanh, tốc độ tăng trưởng GDP quý II của Việt Nam chỉ là 0,36%, đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Đến quý III, tăng trưởng đạt mức 2,62% và GDP cả năm dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 2- 3%.

Trong 9 tháng đầu năm, gần 39.000 doanh nghiệp đã đăng ký tạm ngừng kinh doanh, tăng gần 82% so với cùng kỳ năm trước. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động là khoảng 1,3 triệu người, tăng 221.000 người so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo tiến sĩ Doanh, ngoài việc chống chọi với những khó khăn vì đại dịch gây ra, kinh tế Việt Nam còn phải đối mặt với việc dân số già hóa, ô nhiễm môi trường, tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt…

Tuy nhiên, trong cơn “sóng gió” thì kinh tế Việt Nam cũng có những cơ hội lớn khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (EVFTA) có hiệu lực.

Trong tháng 8/2020, các tổ chức được ủy quyền đã cấp hơn 7.200 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD đi 28 nước EU (Liên minh châu Âu). Giày dép, thủy sản, nhựa, cà phê, dệt may, nông sản… đã đến châu Âu với thuế suất ưu đãi. Đây là lợi thế rất lớn của Việt Nam so với nhiều quốc gia khác cũng đang xuất khẩu vào châu Âu.

Ông Trần Tựu, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Khoa học công nghệ (KHCN) chia sẻ, doanh nghiệp KHCN tại Việt Nam vẫn chưa có nhiều phát minh, chưa có nhiều nghiên cứu sáng tạo. Bình quân 500 nghiên cứu mới có được 1 phát minh.

Những khó khăn mà doanh nghiệp KHCN thường gặp phải nhất là nguồn lực về tài chính hạn chế và nhân lực chất lượng cao khan hiếm. Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về các mục tiêu nghiên cứu khoa học, bởi nghiên cứu rất nhiều nhưng ứng dụng thực tế rất ít ỏi.

“Trước hết, bản thân doanh nghiệp phải thấy rõ được quyền lợi và trách nhiệm của mình với các nghiên cứu khoa học công nghệ. Các cơ quan quản lý cũng cần đồng hành sát sao cùng doanh nghiệp. Doanh nghiệp có khó khăn gì, khó ở đâu thì cơ quan quản lý cùng doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn đó cùng họ”, ông Trần Tựu nói.

Cũng theo ông Tựu, các cơ quan quản lý cũng cần có những nguồn ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển, vươn lên.

Ông Trần Xuân Đích, Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp Khoa học công nghệ - Bộ Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) cho biết, trước khó khăn của doanh nghiệp thì Bộ KH&CN đã giảm 50% các loại lệ phí sở hữu công nghiệp khi doanh nghiệp đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trong năm 2020.

Đối với lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ KH&CN cũng đang miễn phí đăng ký các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn TCVN, tiêu chuẩn quốc tế… cho các lĩnh vực thiết bị y tế.

Hỗ trợ 100% các chi phí truy xuất nguồn gốc cho container đầu tiên của doanh nghiệp xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc như thanh long, chuối, xoài, dưa hấu, vải, nhãn, măng cụt…

“Bộ KH&CN sẽ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng văn bản về ưu đãi cho các doanh nghiệp khoa học công nghệ. Tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới sáng tạo. Thiết kế các gói vay dựa theo nhu cầu thực tiễn để thúc đẩy sự phát triển cho doanh nghiệp”, ông Đích chia sẻ.

Theo ông Trần Giang Khuê, Quyền trưởng Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ tại TPHCM, tất cả các sản phẩm sở hữu trí tuệ sẽ tạo nên động lực để phát triển cho thương hiệu của doanh nghiệp. Đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ chính là công cụ, là biện pháp cần thiết để doanh nghiệp vươn ra thị trường nước ngoài.

“Cần vận dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay. Sở hữu trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp có công cụ bảo vệ, tránh những rủi ro khi kinh doanh. Cần phải khai thác tri thức sẵn có, tận dụng những cái mà thế giới đã có và tránh nghiên cứu trùng lặp để định hướng cho phát triển doanh nghiệp”, ông Khuê nói.

Cũng theo ông Khuê, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm thì doanh nghiệp cũng cần phải xây dựng, quảng bá thương hiệu từ những sản phẩm sở hữu trí tuệ của mình. Điều này có lợi ích hơn nhiều so với quảng cáo vài chục giây trên truyền hình và đỡ tốn kém chi phí hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp cũng cần nắm bắt các thông tin quốc tế một cách “nhạy bén”. Tiếp nhận các thông tin về sở hữu trí tuệ nói riêng và KHCN nói chung cũng như việc đổi mới sáng tạo trên thế giới để hội nhập dễ dàng. Và doanh nghiệp cũng cần đầu tư và chú ý hơn đến tài sản “vô hình” như tài sản trí tuệ, bởi chúng chiếm tỉ trọng rất lớn trong tài sản của doanh nghiệp.

Tại hội nghị, các chuyên gia cũng nhận định, hiện nay, số phát minh, sáng chế của Việt Nam trong vài chục năm qua cũng chưa bằng số phát minh, sáng chế mà một doanh nghiệp nước ngoài đang sở hữu là Facebook. Lượng phát minh, sáng chế của Việt Nam chỉ khoảng hơn 1.000, trong khi Facebook sở hữu hơn 1.400 phát minh, sáng chế.

Đại Việt

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Công nghệ   HCM   Hiệp hội   Hiệp hội Doanh nghiệp   TPHCM   Trung Quốc   Tài chính   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia kinh tế   doanh nghiệp   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...