27/11/2020 8:15  
"Về nước, tôi tình cờ biết mấy sản phẩm làm từ mo cau, chắc chắn người châu Âu rất thích nhưng trước giờ chẳng ai nói cho biết trong nước có những mặt hàng độc đáo như thế”. Đó là ý kiến của một doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại châu Âu khi đứng trước gian hàng nông sản được tổ chức tại TP.HCM.

Không có hàng Việt để bán

Cầm những chiếc đĩa ăn làm từ mo cau của Công ty Nông sản Langbiang, ông Đoàn Mạnh Huê - Chủ tịch Liên hiệp Các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu vừa thích thú, vừa tiếc nuối khi biết đây không phải là sản phẩm hiếm có, khó làm mà không thấy bán tại châu Âu. Theo ông Huê, những chiếc đĩa ăn từ mo cau chắc chắn bán được cho người phương Tây bởi vì Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định từ năm 2021, cấm sản phẩm nhựa dùng một lần trên quy mô toàn EU. 

"Vậy mà chẳng thấy ai giới thiệu về những sản phẩm này trong khi chúng tôi là người trực tiếp bán hàng cho người châu Âu. Chẳng lẽ mỗi khi họ cần đĩa ăn, cần cái ly từ nguyên liệu tự hủy, thân thiện với môi trường thì chúng tôi lại phải về nước tìm kiếm?", ông Huê cho biết. "Tôi có một trung tâm thương mại hơn 10 hécta ở Ba Lan. 90% khách thuê gian hàng là người Việt, nhưng họ lại bán hàng Tàu! Hơn 90% hàng hóa trong trung tâm thương mại của tôi là hàng Tàu, tỷ lệ rất thấp còn lại là hàng Việt. Không phải chúng tôi không muốn bán hàng Việt mà do thiếu thông tin về sản phẩm trong nước".

DN đang "tự bơi"

Tại Diễn đàn Xuất khẩu 2020 vừa tổ chức tại TP.HCM, một DN xuất khẩu cà gai leo cho biết, nông sản của Việt Nam, đặc biệt là nông sản có nguồn gốc rất được người châu Âu ưa chuộng nhưng chủ yếu là xuất thô, lý do DN đưa ra là thiếu thông tin, không ai hướng dẫn về tiêu chuẩn đưa hàng vào nước nhập khẩu 

Một đơn vị khác chia sẻ, từ trước đến nay, phần nhiều nông sản Việt Nam xuất thô sang Trung Quốc, sau đó DN nước này chế biến sản phẩm tinh, xuất khẩu qua EU, thu lợi nhuận rất lớn. "Hàng Việt xuất hiện trên quầy kệ các nước nhưng không có nhãn hiệu hàng Việt Nam", vị này chua chát nói và cho biết đang "tự bơi", mò mẫm tìm hiểu các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, về chứng nhận ISO của nước nhập khẩu... 

Còn nhớ, sau thời điểm Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được thông qua vào ngày 1/8/2020, Bộ Công Thương đã tổ chức một hội nghị tại TP.HCM thông tin cho các cơ quan truyền thông về hiệp định này. Khi đó Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận, Bộ có một cổng thông tin riêng chuyên giải đáp những thắc mắc của DN về những khó khăn, vướng mắc khi tham gia các hiệp định thương mại tự do, nhưng chưa nhận được bất kỳ câu hỏi nào từ phía DN!

Vấn đề là DN đang e ngại, chưa tin tưởng hiệu quả kết nối của các cơ quan nhà nước. Chính vì vậy, theo ông Đoàn Mạnh Huê, cần lập ngay một trung tâm xúc tiến thương mại hàng Việt Nam ở châu Âu để giảm bớt các khâu trung gian lỉnh kỉnh mà hiệu suất không cao. Các DN Việt ở nước ngoài có sẵn cơ sở, DN trong nước chỉ cần gửi mẫu sản phẩm, gửi catalogue sang để DN kiều bào quảng bá, bán hàng.

Phía trong nước, Thành phố nên tạo điều kiện để Liên hiệp Các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu thành lập văn phòng đại diện và đứng ra kết nối DN trong nước với các trung tâm bán hàng của người Việt ở nước ngoài. Ông David Dương - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt kiều tại Mỹ gợi ý, để đưa hàng Việt vào Mỹ, cần một đầu mối tập trung để duy trì nguồn hàng ổn định, tránh tình trạng lúc có lúc không.

Ông Huê cho rằng, tự thân DN trong nước rất khó "chuyền bóng" mà phải có các hiệp hội ngành hàng và sự tham gia của chính quyền các địa phương trong vai trò kết nối để DN làm nông sản không còn "tự bơi" đến các nước nhập khẩu.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


HCM   Hiệp hội   Nông sản   Trung Quốc   Việt Nam   doanh nghiệp   thực phẩm   trung tâm thương mại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...