07/02/2022 20:56  
Vốn chỉ ước được làm đúng chuyên môn sau tốt nghiệp, nhưng với óc kinh doanh và sự nhạy bén, ông Lê Hữu Nghĩa đã chấp nhận đương đầu với nhiều khó khăn, thách thức, để đưa doanh nghiệp (DN) ông chèo lái trở thành một trong những DN bất động sản (BĐS) uy tín hàng đầu ở TP.HCM.

Năm 1999, ông Lê Hữu Nghĩa là một kỹ sư mới ra trường. Với học vấn và khả năng của mình, ban đầu ông định xin vào một công ty nhà nước để sớm ổn định kinh tế, giảm gánh nặng cho gia đình, với kế hoạch là vừa làm việc cơ quan, vừa học Thạc Sĩ và nhận thêm thầu bên ngoài khi đã tích lũy đủ kinh nghiệm.

Nhưng, bản lĩnh của một người được sinh ra để làm kinh doanh lại rẽ ông sang một hướng khác. Dù không có bất kỳ mối quan hệ nào, trong tay cũng không có vốn, ông vẫn quyết định khởi nghiệp. Quyết định có phần liều lĩnh này chính là bước ngoặt đưa ông đến với những thành công hôm nay. 

Khởi nghiệp bằng sự nhạy bén

Dù là kỹ sư nhưng ngay từ đầu ông Lê Hữu Nghĩa lại hướng đến phát triển trong lĩnh vực BĐS, thay vì một công ty chuyên về xây dựng. Để nuôi dưỡng tham vọng, ông dùng hết vốn mua lại những căn nhà cũ, rồi sửa chữa, làm mới và bán lại. Cứ thế, ông dần tích lũy được vốn và kinh nghiệm. Một thời gian ngắn sau, Công ty TNHH TM – XD Lê Thành (Lê Thành) chính thức được thành lập vào ngày 14/8/2001.

Giai đoạn 2001-2002 chứng kiến cơn sốt giá nhà đất lần thứ 2 kể từ khi thị trường BĐS chính thức hình thành năm 1993. Giá nhà đất tăng nhanh từ 3-10 lần và nhanh chóng đạt đỉnh vào khoảng quý II/2001. Thời điểm này, giá BĐS của Việt Nam ở mức đắt hàng đầu thế giới, thậm chí cao hơn một số thành phố (TP) lớn như Bangkok, Seoul, Tokyo hay New York.

Cơn sốt này chủ yếu tập trung vào nhà mặt tiền và đất dự án, đặc biệt các khu vực đang đô thị hóa. Nhờ tầm nhìn xa và khả năng nắm bắt xu hướng mạnh mẽ, ông Nghĩa nhận định cơn sốt này sẽ nhanh chóng qua đi. Vì thế, dù Lê Thành ban đầu mới thành lập chỉ với hơn 10 người, ông vẫn quyết định đi vay với lãi suất khi đó là 5%/tháng để tập trung đẩy nhanh dự án, đáp ứng nhu cầu giao dịch của thị trường lúc bấy giờ.

Thực tế đã chứng minh những nhận định của ông Nghĩa. Năm 2002, TP ban hành chỉ thị 08/2002/CT-UB cấm phân lô bán nền hộ lẻ, nhưng khuyến khích phát triển nhà ở theo các dự án dạng chung cư cao tầng, hạn chế quy hoạch phân lô nhà ở, chấm dứt tình trạng chủ đầu tư chia nhỏ dự án, phân lô để bán nền nhà. Tiếp đó là sự kiện Q.Bình Tân được thành lập vào năm 2003 và nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai năm 2004, chấm dứt hoàn toàn hình thức kinh doanh hạ tầng khu nhà ở. Những sự kiện này tác động không nhỏ đến thị trường BĐS bấy giờ, nhưng lại mở cơ hội bước vào thị trường của Lê Thành.

Năm 2004, Lê Thành chính thức tham gia thị trường BĐS khi xin dự án chung cư Lê Thành Khu A. Đây là dự án xây dựng chung cư dành cho người có thu nhập trung bình - thấp, không phân chia bán nền theo chủ trương của TP. Đây cũng là tiền đề mở ra bước ngoặt vô cùng quan trọng trong sự phát triển của Lê Thành nói chung, và sự nghiệp của doanh nhân Lê Hữu Nghĩa nói riêng.

Phát triển bằng cái TÂM đặt vào các dự án nhà ở cho người có thu nhập trung bình – thấp

Làm nhà ở xã hội chưa bao giờ là việc dễ dàng, khi lợi nhuận chỉ ở mức 10-15%, thấp hơn nhiều so với dự án nhà ở thương mại, nhưng lại gặp rất nhiều hạn chế về thủ tục và pháp lý. Trong khi các DN tập trung phát triển các căn hộ cao cấp, Lê Thành kiên định với phân khúc nhà ở giá thấp.

Ông Nghĩa cho biết bản thân cũng bắt đầu từ con số không, nên ông đặt mình vào vị thế của khách hàng để hiểu mong muốn của họ. Tuy các dự án của Lê Thành đều là nhà ở xã hội nhà vừa túi tiền, nhưng công trình luôn đảm bảo chất lượng. Thang máy, hệ thống phòng cháy chữa cháy được đầu tư không thua kém dự án nhà ở thương mại cao cấp. Sự nghiêm túc này nhanh chóng xác lập vị thế của Lê Thành. Khi không chỉ Lê Thành Khu A, mà tất cả dự án sau này của Lê Thành đều nhanh chóng được bán hết, kể cả trong những giai đoạn thị trường BĐS đóng băng.

Với quan điểm kinh doanh là mang đến giải pháp cho khách hàng, ông Nghĩa luôn trăn trở làm sao để người có thu nhập thấp vẫn có thể an cư, mua nhà chất lượng ở TP.HCM. Để giữ giá thành căn hộ luôn phù hợp với khả năng chi trả của người có thu nhập trung bình trở xuống, hơn 20 năm hoạt động, ông Nghĩa không bành trướng mà vẫn giữ bộ máy tinh gọn, cùng với sự tự chủ hoàn toàn về vốn, thiết kế và xây dựng để tiết kiệm tối đa chi phí.

Một điều đặc biệt là các dự án của Lê Thành tuy luôn có ngân sách dành cho marketing rất hạn chế nhưng lại bán hết rất nhanh. Khách hàng cũ giới thiệu cho khách hàng mới. Cứ như thế, các căn hộ của Lê Thành Khu A, Khu B, chung cư Lê Thành Twin Towers, chung cư Lê Thành Tân Tạo, Lê Thành An Lạc nhanh chóng có chủ. Lê Thành cũng nhanh chóng trở thành một trong những DN BĐS đi đầu tại TP.HCM trong phân khúc căn hộ giá rẻ, và luôn duy trì được tốc độ phát triển ổn định, an toàn.

Khẳng định vị thế bằng những dự án thuộc phân khúc cao cấp

Năm 2016, Lê Thành chính thức khởi công xây dựng khách sạn 5 sao Ladalat tại TP.Đà Lạt. Khi được hỏi liệu Ladalat có phải là bước chuyển sang BĐS nghỉ dưỡng của Lê Thành, ông Nghĩa khẳng định vẫn kiên định con đường đã mang đến thành công của Lê Thành là giải pháp an cư cho người có thu nhập trung bình. Nhưng, là người làm kinh doanh, ông vẫn khao khát chinh phục những phân khúc cao cấp hơn và khách sạn 5 sao Ladalat chính là tiền đề.

Sắp tới, công ty Lê Thành sẽ khởi công dự án Lê Thành Tân Kiên với hơn 2.000 căn hộ vào năm 2022 và dự án Lê Thành Tân Tạo 2 với hơn 500 căn hộ vào năm 2023. Đây đều là những dự án căn hộ dành cho người có thu nhập trung bình thấp. Còn trong lĩnh vực BĐS du lịch, năm 2023 Lê Thành sẽ khởi công dự án resort 5 sao LaMuiNe ở Mũi Né với quy mô 1.600 phòng nghỉ.

Từ một công ty chỉ hơn 10 người, đến nay Lê Thành đã có hơn 1.000 nhân viên. Từ một công ty BĐS, Lê Thành hiện đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác như khai trương chuỗi siêu thị AB Beauty World, nha khoa, sản xuất khẩu trang y tế, café…

Trăn trở về chất lượng đời sống cán bộ nhân viên và trách nhiệm với cộng đồng

Kể từ đầu năm 2020, Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, khiến Lê Thành gặp nhiều khó khăn. Ladalat phải tạm ngưng hoạt động, các dự án BĐS bị đình trệ. Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong con đường phát triển của Lê Thành suốt hơn 20 năm hoạt động.

Nhưng một lần nữa, quyết sách không đầu tư dàn trải nhiều dự án cùng lúc đã giúp Lê Thành vượt bão. Dù các hoạt động gần như bị “tê liệt” vì dịch, Lê Thành vẫn hoàn thành nhiệm vụ chăm lo đời sống cán bộ nhân viên, tích cực tham gia hoạt động cộng đồng. 

Ông Nghĩa chia sẻ, người làm kinh doanh như ông, nhất định phải gánh trên vai đời sống của nhân viên. Kể cả khi tất cả hoạt động kinh doanh bị tạm dừng vì đại dịch, công ty ông vẫn hàng tháng hỗ trợ cán bộ nhân viên. Ông luôn tạo điều kiện để cấp dưới trau dồi kiến thức, kỹ năng mới, giúp họ phát triển bản thân. Theo ông, đó là việc mà người lãnh đạo như ông có trách nhiệm phải làm.

Với vai trò là Chủ tịch Hội DN Q.Bình Tân, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó chủ tịch Hiêp hội DN TP.HCM, ông Nghĩa cũng thường xuyên tham mưu, đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong lĩnh vực và phân tích thị trường, cũng như kết nối doanh nhân, DN. Ông hy vọng vai trò của các tổ chức, hiệp hội sẽ thật sự được phát huy tối đa, giúp DN cùng nhau phát triển.

Gặp ông Nghĩa ở ngoài, bạn sẽ bất ngờ vì ông rất giản dị, gần gũi và không kiêu ngạo. Dù bận rất nhiều việc, quản lý hơn 1.000 nhân viên trong nhiều lĩnh vực, ông vẫn tự tham gia các hoạt động cộng đồng, như đến miền Trung hỗ trợ bà con vùng lũ, tặng quà cho trẻ em dân tộc thiểu số, tặng gần 6.000 phần quà cho cư dân Q.Bình Tân bị phong tỏa, tài trợ 2 triệu khẩu trang y tế và N95 cho tuyến đầu chống dịch… 

Đặc biệt, trong giai đoạn tháng 8 dịch bệnh bùng phát mạnh nhất tại TP,HCM, Lê Thành đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ hậu cần 80.000 phần quà khau cứu trợ khẩn cấp cho Mặt trận Tổ quốc Thành phố, giao 8.000 toa thuốc điều trị F0 tận tại từng người dân, giải cứu hơn 300 tấn nông sản, phân phát 50.000 combo rau củ cho 50.000 hộ dân,…

Với những hoạt động năng nổ, năm qua Lê Thành nói chung và ông Lê Hữu Nghĩa nói riêng đã nhận được nhiều bằng khen từ UBND TP và Chủ tịch nước. Nhưng đối với ông Nghĩa, thành công lớn nhất mà ông nhận được, lại chính là sự kính trọng, nể phục của tập thể Lê Thành, sự tin yêu của khách hàng, và những đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng DN.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   HCM   Hiệp hội   Khởi nghiệp   Việt Nam   chinh phục   doanh nghiệp   du lịch   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...