13/10/2020 9:25  
Những năm qua, các DN Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, không chỉ tạo ra nguồn thu cho mình mà còn cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tốt cho xã hội, nộp thuế vào ngân sách, chăm lo việc làm, đời sống cho người lao động, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đó là trao đổi của ông Nguyễn Đăng – Tổng Thư ký Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội với Kinh tế & Đô thị khi nhận định về vai trò, sứ mệnh của DN, doanh nhân trong xây dựng đất nước.

Thưa ông, đúng 75 năm trước (13/10/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho giới Công Thương Việt Nam nói rõ vai trò, tầm quan trọng của giới Công Thương và mối liên hệ chặt chẽ giữa sự thịnh vượng của DN với sự phát triển của đất nước. Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, ông nhìn nhận thế nào về sự phát triển của giới doanh nhân Việt Nam?

- Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kỳ vọng, các DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay lớn mạnh cả về số lượng cũng như chất lượng. Về số lượng, nước ta có khoảng 700.000 DN. Về chất lượng, các DN của chúng ta có thể cạnh tranh sòng phẳng cũng như sánh vai với các DN, tập đoàn lớn của khu vực và thế giới.

Khoảng chục năm trở lại đây, chúng ta đã có những doanh nhân gây dựng tập đoàn quy mô toàn cầu, hàng chục nghìn lao động, có doanh thu lên đến hàng tỷ USD. Chúng ta bắt gặp những DN đầu đàn trong các lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, vận tải hàng không, bán lẻ tiêu dùng và thậm chí là cả sản xuất đồ công nghệ cao như điện thoại thông minh, sản xuất và lắp ráp ô tô... Ngày nay, trong nước có nhiều nhà thầu, đơn vị tổng thầu có đủ năng lực triển khai, thực hiện dự án quy mô mà không phải chỉ có các tập đoàn nước ngoài mới làm được.

Từ đó, có thể thấy được sự trưởng thành và lớn mạnh của doanh nhân Việt Nam. Và chúng ta có quyền hoàn toàn tin tưởng vào tương lai tốt đẹp của giới doanh nhân Việt Nam trong quá trình phát triển đất nước. Sự thông minh, linh hoạt và thích nghi với môi trường, thị trường, sự thay đổi nhanh chóng của doanh nhân Việt sẽ là yếu tố bứt phát trong thời đại chuyển đổi số với cơ hội phát triển mạnh mẽ chưa từng có.

Ông nhận định thế nào vai trò và sứ mệnh của đội ngũ DN, doanh nhân Việt Nam hiện nay cũng như trách nhiệm của giới doanh nhân trong xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh?

- DN, doanh nhân là lực lượng nòng cốt, tiên phong trong phát triển kinh tế. Do đó, sự phát triển và lớn mạnh của doanh nhân, DN sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển kinh tế đất nước. Những năm qua, các DN Việt Nam đã nỗ lực vươn lên, không chỉ tạo ra nguồn thu cho mình, mà còn cung cấp các dịch vụ, sản phẩm tốt cho xã hội, nộp thuế vào ngân sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Đội ngũ doanh nhân ngày càng nhiều các hoạt động chính trị xã hội, đóng góp thiết thực cho công cuộc phát triển của đất nước.
Trong những năm qua, chúng ta có một thế hệ doanh nhân mới với khát vọng làm giàu cho đất nước, vươn ra thế giới. Rất nhiều DN làm ăn ở thị trường nước ngoài, mang lại giá trị xã hội cho nước sở tại, góp phần làm đẹp hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Đúng như ông nói, Việt Nam đã có những doanh nhân hàng đầu, cạnh tranh ngang ngửa với thế giới nhưng dường như số lượng ấy còn rất ít?
- Đất nước ta trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Từ năm 1975 đến nay, chúng ta có 45 năm bắt tay xây dựng, tái thiết đất nước, phát triển kinh tế. Đúng là số lượng doanh nhân hàng đầu cạnh tranh ngang ngửa với thế giới còn thấp, nhưng giờ đây, với mỗi ngành nghề, lĩnh vực kinh tế của đất nước đều nổi lên những DN Việt Nam đứng đầu ngành nghề đó. Đó cũng chính là sự nỗ lực, ghi nhận công sức vượt trội mà giới doanh nhân, DN Việt Nam vất vả đạt được. Trong những nỗ lực đó, chúng ta không thể không ghi nhận sự hỗ trợ, giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, chính quyền các cấp để DN, doanh nhân có cơ hội phát triển.

Theo ông, trong thời kỳ đổi mới, DN, doanh nhân sẽ làm gì để đáp ứng tương xứng yêu cầu đổi mới, sáng tạo và ngày càng lớn mạnh?

- Chúng ta vừa được phê chuẩn các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước châu Âu, Mỹ cũng như các hiệp định thương mại tự do trước đó đã ký. Đây chính là cơ hội lớn để các doanh nhân, DN có cơ hội mở rộng thêm thị trường, người dùng đến với DN mình trong thời gian tới.

Cơ hội lớn này cũng đi đôi với thách thức là nếu doanh nhân Việt không bản lĩnh, không trí tuệ. Nếu không thích nghi được với môi trường kinh doanh biến đổi không ngừng thì chính DN sẽ là người bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất.

Ngoài ra, như chúng ta biết, thời gian qua, biến đổi khí hậu, môi trường ngày càng thể hiện rõ nét, dịch bệnh phát sinh, công nghệ phát triển, mạng xã hội cũng như hành vi người dùng thay đổi liên tục. Các trải nghiệm khách hàng trong tương lai sẽ được số hoá và đánh giá bởi chính người dùng này. DN nào thích nghi, có thể tận dụng được cơ hội để thay đổi và phục vụ người dùng tốt nhất về nhu cầu thì sẽ phát triển mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, xu hướng ứng dụng các nền tảng chuyển đổi số cũng là nhu cầu cấp thiết và mạnh mẽ mà DN Việt Nam phải thực hiện. Nhất là trong thời gian dịch Covid-19 vừa qua cũng chứng minh nhu cầu làm việc của nhân viên ngay cả khi dịch vẫn phải làm việc và họ có thể làm tại nhà mà không phải đến văn phòng, không phải đến gặp khách hàng những vẫn phải phục vụ tốt nhất nhu cầu của khách hàng.

Xu thế online và số hoá sẽ là xu hướng tất yếu trong sự phát triển mạnh mẽ của kỹ thuật, công nghệ. Hy vọng các chủ DN Việt Nam sẽ sớm thích nghi và phát huy được lợi thế đang có của đất nước để vươn lên mạnh mẽ.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Kinh tế   Việt Nam   dịch vụ   hành vi   làm giàu   sáng tạo   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...