19/10/2022 19:15  
Áo dài là trang phục không thể thiếu trong các dịp lễ hội, cũng là đồng phục trong các công sở, doanh nghiệp… đặc biệt là đồng phục cho nữ sinh trung học. Ngày nay, ngoài việc phát triển kinh tế, doanh nhân Việt Nam còn mang một sứ mệnh là đồng hành trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị cao đẹp của dân tộc, trong đó có trang phục áo dài.

Lịch sử ra đời của tà áo dài

Chưa ai biết rõ áo dài xuất hiện ở Việt Nam từ bao giờ, nhưng một số nhà khảo cổ đã chỉ ra rằng trên mặt Trống Đồng Ngọc Lũ (hiện lưu trữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Hà Nội) có chạm hình ảnh những người phụ nữ Việt mặc áo hai vạt, tuy không giống áo dài ngày nay, nhưng có lẽ đó là tiền thân của áo dài.

Theo sách Đại Nam Thực Lục tiền biên có ghi chép, hồi năm 1744, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban một sắc dụ khuyên dân không nên mặc áo Tàu, mà nam nữ đều phải may áo theo mẫu quy định. Đây là thời gian chúa Nguyễn Phúc Khoát đã lên ngôi và cai trị vùng đất phía Nam. Miền Bắc được cai quản bởi chúa Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội), người dân ở đây thường mặc áo giao lĩnh, trang phục mang nét tương đồng với người Hán.

Áo giao lĩnh còn được gọi là áo đối lĩnh, được may rộng, xẻ hai bên hông, cổ tay rộng, thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Đây là kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân. Nhằm phân biệt giữa Nam và Bắc, chúa Nguyễn đã yêu cầu tất cả cận thần của mình vận quần dài bên trong chiếc áo lụa. Theo Lê Quý Đôn, trong quyển “Phủ biên Tạp lục” có viết: “Chúa Nguyễn Phúc Khoát đã viết những trang sử đầu tiên cho chiếc áo dài như vậy”.

Căn cứ vào các tư liệu trên, chúng ta có thể thấy rằng danh từ “áo dài” xuất hiện vào cuối thế kỷ XVIII.

Dưới triều Nguyễn, thời Minh Mạng (tại vị 1820-1841), có chiếu nhà vua không cho mặc váy mà phải mặc quần hai ống. Vì vậy nên trong dân gian có câu ca dao: "Chiếu vua Minh Mạng ban ra, cấm quần không đáy người ta hãi hùng".

Khoảng đầu thế kỷ XIX, người phụ nữ miền Bắc trên mặc áo tứ thân, dưới mặc quần hai ống. Từ miền Trung đi tới miền Nam phụ nữ không mặc áo tứ thân, mà chỉ mặc một loại áo hai vạt mang tên là áo dài, mọi người đều mặc một kiểu, áo may rộng không sát vào thân, luôn luôn có tay dài. Áo dài thường được mặc trong nhà và ngay cả lúc ra ngoài đường.

Sự hấp dẫn của áo dài qua các thời kỳ

Sự hấp dẫn của tà áo dài được tăng lên theo thời gian bởi những người yêu thời trang dân tộc, họ đã không ngừng cải tiến kiểu dáng để tà áo dài có thể phổ biến và sử dụng rộng rãi, trở thành trang phục truyền thống không thể thiếu của người Việt.

Hành trình cải tiến chiếc áo dài Việt Nam là chặng đường dài hơn 250 năm, từ áo giao lĩnh, áo ngũ thân, rồi đến áo dài Le Mur, áo dài Lê Phổ… Đặc biệt, mẫu áo dài Lê Phổ cổ cao được xem là mẫu nguyên gốc của thiết kế áo dài Việt ngày nay. Tiếp đến là áo dài Raglan ra đời hồi năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo.

Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc linh hoạt hơn. Hai tà áo nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Sau đó còn có áo dài bà Nhu với kiểu cổ thuyền với vẻ đẹp năng động và duyên dáng. 

Tình yêu áo dài của người Việt Nam

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu, từ truyền thống, hiện đại đến nghệ thuật phá cách. Không chỉ nhà thiết kế, người làm phim cũng muốn truyền cảm hứng và tình yêu sâu sắc đến thế hệ trẻ về áo dài, điều này được thể hiện phần nào thông qua bộ phim Cô Ba Sài Gòn hấp dẫn do Ngô Thanh Vân thực hiện năm 2017.

Ngày nay, còn có nhiều nhà thiết kế đã có xu thế chọn lựa chất liệu vải làm từ vật liệu bền vững như lyocell được làm ra từ bột nghiền nhuyễn của cây khuynh diệp, linen làm từ các sợi của cây lanh, và một số loại vải khác được làm từ vỏ hàu, sợi sen, bã café… Ngoài việc vẫn giữ được nét duyên dáng của tà áo dài, các nhà thiết kế còn lồng ghép giá trị đạo lý và trung hiếu tiết nghĩa thông qua số lượng nút áo, hình dạng vạt áo vuông-tròn, hay số vạt áo, chiều cao cổ áo...kể cả truyền tải thông điệp về lối sống xanh, thân thiện môi trường bằng chất liệu vải.

GS-TS.Trần Văn Khê từng chia sẻ: “Thông qua các lễ hội giao lưu quốc tế và nhiều cuộc thi trang phục truyền thống trong và ngoài nước, áo dài luôn được bạn bè quốc tế đánh giá cao về tính thẩm mỹ, tính nghệ thuật và truyền thống. Tự hào nhất là hồi năm 1989, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã tổ chức cuộc thi Hoa hậu Áo dài,với 16.000 thí sinh tham dự. Sau cuộc thi đã dấy lên phong trào mặc áo dài ở TP.HCM.

Năm 1995, tại Tokyo Nhật Bản tổ chức một cuộc thi quốc tế với giải thưởng dành cho trang phục phụ nữ của các nước châu Á, mang tên Miss International Pageant, năm đó các loại áo đều có mặt, từ sari Ấn Độ, kimono Nhật Bản, hanbok Triều Tiên… nhưng áo dài Việt Nam đã được tôn vinh là trang phục phụ nữ đẹp nhất châu Á.

Sứ mệnh của doanh nhân với áo dài trong thời đại mới

Trong các sự kiện quan trọng của người Việt và trong dịp lễ Tết cổ truyền, áo dài luôn là trang phục không thể thiếu. Trang phục áo dài truyền thống góp phần tạo nên hình ảnh riêng, phong thái lịch thiệp, giúp người mặc có được sự tự tin trong giao tiếp. Chính vì thế, nhiều lãnh đạo Nhà nước và nhiều doanh nhân Việt Nam ưu tiên chọn áo dài khi gặp gỡ đối tác quốc tế.

Ngày nay, áo dài được nhiều chủ doanh nghiệp chọn thiết kế riêng, mang đậm dấu ấn của doanh nghiệp, tạo nên phong cách đặc trưng, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Áo dài đã tạo dấu ấn đặc biệt trong một sự kiện doanh nhân gần nhất vào tháng 9/2022 tại hội thảo ASEAN++Bridge do Sở Công Thương TP.HCM và HAWEE tổ chức với chủ đề Kết nối để phát triển bền vững. Show trình diễn áo dài Việt Nam đã thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của bạn bè quốc tế và khán giả cả nước.

Phuc Khang Corporation là một trong số những doanh nghiệp tiên phong chọn áo dài có thiết kế riêng để làm trang phục truyền thống cho toàn thể cán bộ nhân viên, cả nam lẫn nữ. Đây được xem là yếu tố không thể thiếu trong văn hóa doanh nghiệp, cũng là một yếu tố quan trọng của hai tập hợp giá trị bao gồm LOTUS (giá trị truyền thống) và DIAMOND (giá trị văn minh hiện đại) mà Phuc Khang Corporation định danh làm tiêu chí để phát triển bền vững.

Phuc Khang Corporation đã đồng hành cùng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn trao tặng áo dài và tham gia chương trình phát động chụp ảnh doanh nhân mặc áo dài, chọn những bức ảnh đẹp trưng bày trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Áo Dài và Nhà hát thành phố. 

Những chiếc áo dài do nữ doanh nhân Lưu Thị Thanh Mẫu tặng Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn được trưng bày tại Bảo tàng Áo Dài (TP.HCM) do nhà thiết kế Hoài Sang thực hiện với chất liệu vải lụa tơ tằm Vạn Phúc- Hà Đông, sử dụng kỹ thuật dệt thủ công, nhuộm sợi và hiệu ứng tạo sắc trên vải với hai màu đen-đỏ, sau đó thêu sợi kim tuyến và chỉ tằm họa tiết hoa sen Việt trên tà áo.

Doanh nhân Việt Nam khoác bộ trang phục áo dài truyền thống Việt Nam không chỉ làm đẹp cho chính mình mà còn lan truyền vẻ đẹp của văn hóa nước Việt. Đó là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ và hiện tại, thể hiện trách nhiệm của doanh nhân lưu giữ và truyền bá văn hóa nước Việt, góp phần giúp doanh nghiệp tôn thêm giá trị nhân văn cho thương hiệu.

(*) CEO Phuc Khang Corporation

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


CEO   Doanh Nhân   HCM   Hoa hậu   Hà Nội   Nhật Bản   Việt Nam   doanh nghiệp   khán giả   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...