17/01/2021 9:05  
Tri âm (NXB Hội Nhà văn, quý IV - 2020) là tập thơ đầu tay của hai tác giả Phố Mưa Bay - Huy Linh. Phố Mưa Bay tên thật là Hoàng Như Phúc, cô sinh ra và lớn lên ở Vĩnh Long, hiện đang sống và làm việc tại Bình Dương. Huy Linh là anh chàng làm thơ người Hà Tĩnh. Họ gặp và yêu nhau qua những bài thơ vừa ngọt ngào, vừa sâu lắng như những bản tình ca buồn vọng lại từ trong tâm thức của Huy Linh.
Sự trầm lắng, dịu êm của những ngôn từ đầy ám dụ trong thơ Huy Linh khiến Phố Mưa Bay thêm nỗ lực, sáng tạo để đưa những hình ảnh, cảm xúc, âm thanh trong thơ trở thành những ca khúc đầy lôi cuốn, thăng hoa như: Phố xưa, Phố đêm, Hồn quê dáng mẹ, Điệu hò sông quê, Phố mưa bay, Phố… Với sự hiểu biết về âm nhạc của mình, cô đã liên tục giải mã thành công những bài thơ của Huy Linh, tất cả song hành giữa thơ và nhạc trong tình yêu thương, hạnh phúc cho đến những dự cảm âu lo, day dứt, dằn vặt trong tình yêu. Những ca từ viết về quê hương, đất nước, hình ảnh người mẹ cũng gần gũi, gắn bó với ngôn ngữ âm nhạc khiến người đọc, người nghe như thấy có mình trong giai điệu và lời bài hát ấy.
Trong cuộc sống ai cũng muốn có cho riêng mình một người bạn tri âm, một người bạn để đồng cảm, thấu hiểu. Dù bạn là ai, bạn cũng cần có một người tri âm bên cạnh hiểu được tâm hồn và phóng chiếu những thương đau, ẩn ức, đơn độc, để chữa lành những vết thương như Huy Linh từng viết “Ôi! có phải em về trong tiền kiếp/ cứu rỗi ta một kẻ đã lạc loài” và trong cơn mê sảng nội tâm ấy, anh vẫn không tin và tự hỏi mình “hay em chỉ.../ đến/ và rồi ta thấy/ mắt em buồn như chiều phố mưa bay”. Đây là bài thơ anh viết khi cảm nhận Phố Mưa Bay chính là tri âm, tri kỷ của mình và sau này bài thơ được phổ nhạc với những ca từ đầy cảm xúc thăng hoa, tạo sinh ngôn ngữ trong chính bản ngã của mình: “Nghe thăm thẳm/ ta/ linh hồn hóa đá/ uống giọt buồn trên những cánh rêu tan.../ tình nhân hỡi/ giáo đường chuông tháp đổ/ ta lạnh lòng đem đốt một vần thơ”. Người làm thơ là người giãi bày tâm trạng của mình, bộc lộ thế giới nội tâm bằng ngôn ngữ và trực cảm giữa mộng và thực đầy sức ám gợi. Thơ Huy Linh viết về tình yêu có cái buồn trong chốn hư ảo đan xen với vẻ đẹp thầm kín mà chỉ Phố Mưa Bay mới có thể giải mã nó bằng những giai điệu với khát vọng vươn tới cái đẹp mị thường.
"Tri âm" trong đời sống là đôi bạn đồng hành, chỉ có tri âm mới thấu hiểu hết một cách trọn vẹn, khêu gợi được hết vẻ đẹp. Họ tìm thấy nhau trong đời sống sống này, họ cùng viết, cùng cảm, cùng nghe những dư âm được tìm thấy giữa nhạc và thơ. Họ thể hiện được mối giao cảm, giao hòa trong mỗi bài thơ.
Thơ Huy Linh tiết tấu mạnh về cảm xúc, giọng thơ luôn da diết, yêu và bộc lộ bằng những lời gan ruột như một bản năng gốc luôn tiềm ẩn những trăn trở, suy tư giữa thể xác và linh hồn “... ta níu lấy bóng hình em thật khẽ/ chảy miên man trên ký ức tội tình/ rồi thăm thẳm nghe tim mình nhức nhối/ vết gai còn rướm những giọt buồn rơi” (Hương đêm), “Chuông xóm đạo rót đêm tràn thánh giá/ kẻ tục trần chết giữa phố chiêm bao”.
Thơ tình Huy Linh đầy ẩn ức trăn trở, suy tư là thế, nhưng ở mảng thơ viết về quê, về mẹ, về đất nước, về con người thì lại tươi sáng, sống động, cảm xúc thơ mang âm hưởng trữ tình và lắng lại trong tiết tấu nhẹ nhàng như những tiếng vọng về từ xa xăm “Cho con về lại ngày xưa/ ve sầu quên áo giữa trưa bóng tròn” “Sáo diều rót xuống triền đê/ con trâu uống phải rồi mê mải nhìn” (Ngày xưa). “Con về cởi áo phong sương/ vắt lên liếp nứa mà thương tiếng bầm”, “Con đằm mình trong ký ức cũ xưa/ nhớ từng chiếc gáo dừa trong thùng tôn rò rỉ nước/ giàn bí mẹ trồng quả dài thõng thượt/ treo lủng lẳng ao nhà con cá quẫy bọt vờn nhau” (Tiếng đời).
Những câu thơ xuất phát từ tâm thức, từ lương tâm, đầy dáng vẻ đời sống, mộc mạc làm lay động lòng người “Mẹ ơi! Quê hương mình đang mùa bão lũ/ ngấn đỏ phù sa theo nước chảy xuôi dòng/ thương con cá rô lóc mình trên luống cải/ lụi cánh hoa vàng luống cải đứng trong mưa” (Mẹ ơi). Viết về quê, về mẹ đầy biểu cảm, thấm thía với thời gian, đằm thắm, ngọt ngào và ám ảnh “Con trở về ăn bát cơm mẹ nấu/ khói lam chiều đùn khóe mắt cay cay” (Trở về), “Con về trầu héo trong cơi/ hỡi ôi tóc mẹ trắng đồi cỏ lau”. Thơ Huy Linh biểu đạt rõ trong nhịp điệu ngôn ngữ về tình yêu, viết về quê về mẹ tái hiện được những hình ảnh, chi tiết đời sống sinh động, dào dạt cảm hứng sáng tạo, đầy nỗi niềm của tiếng lòng mở ra sự đồng cảm, chia sẻ.
Trong mảng thơ của Phố Mưa Bay ẩn chứa cái nhìn tinh tế hơn theo cách của riêng mình. Chị luôn lắng nghe những âm thanh bằng trái tim nữ tính, bằng những linh cảm thẳm sâu của tâm hồn và tìm ra sự cộng hưởng giữa thơ và nhạc; như người đàn bà làm gốm với những nét vẽ bản năng đầy nghệ thuật đã phối màu bằng lý trí và sự sắp đặt; như một bản hòa âm tươi sáng và thánh thiện qua những bài thơ viết về sen: Thiền trăng, Hoa sen trắng, Giấc mơ, Đêm nghiêng, Nguyệt trà...
Thơ chị luôn khao khát một cuộc đời bình dị và vươn tới cái đẹp như những bông sen tỏa hương thơm thanh khiết và nguyên vẹn bằng một sắc thái nội tâm khát vọng và hướng thiện.
Tập thơ Tri âm còn có những bài tản văn được viết đầy lãng mạn và đẹp như thơ của Phố Mưa Bay như: Tiếng hát phong linh, Như cánh vạc bay, Mùa đợi, Đêm mưa phố, Mắt em buồn như chiều phố mưa bay... tản văn của chị là những hoài niệm, cảm xúc đậm chất thơ, tạo ra sức hấp dẫn với người đọc.
Đọc tập thơ Tri âm của tác giả Phố Mưa Bay - Huy Linh, tôi có cảm giác đó là âm hưởng của một tình yêu mới chớm nở, mới bắt đầu nhưng cho người đọc những âm thanh tươi sáng, thánh thiện như cặp đôi “tri âm” cô gái Hoàng Trang và người bạn chơi guitar Nguyễn Đông hát nhạc Trịnh với những giai điệu đầy niềm tin và hy vọng “ta đã thấy gì trong đêm nay/ cờ bay trăm ngọn cờ bay...”.
Tri âm là tập thơ gây ấn tượng bằng sự kết hợp của đôi bạn trẻ. Một tập thơ mang lại sự mới mẻ, đầy dư vị của cảm xúc và cháy hết mình bằng cả tình yêu và tuổi trẻ.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Quê hương   Vĩnh Long   sáng tạo   âm nhạc  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...