15/03/2021 22:11  
Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 sẽ mở rộng đối tượng tham dự là người lao động có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi.

Chiều nay 15/3, Hội nghị đổi mới Kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 trong bối cảnh mới và tác động của Covid-19 do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) tổ chức diễn ra tại Hà Nội.

Trước đó, năm 2020, dù bị tác động bởi đại dịch Covid-19 nhưng Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 11 vẫn được tổ chức và thành công tốt đẹp, góp phần lan tỏa trình độ, kỹ năng nghề trong xã hội.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của xã hội; yêu cầu, nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ đặt ra tại Chỉ thị số 24 "Về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề góp phần nâng năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới"; sự thay đổi tại Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới chuyển từ tổ chức năm lẻ sang năm chẵn... buộc Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 phải đổi mới.

Mặt khác, sự tham gia của doanh nghiệp, ngành công nghiệp, Hiệp hội về tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề ngày càng tăng cả về 3 chiều (số lượng thí sinh, ngành nghề và trình độ kỹ năng).

Đồng thời, dịch bệnh Covid-19 xuất hiện và chưa hết nguy cơ bùng phát đã và đang làm thay đổi mãi mãi một số yếu tố có liên quan đến cả công tác tổ chức kỳ thi, phương thức thi, kỹ năng mới, phương thức đánh giá mới.

"Hiện nay, xu hướng quốc tế là tổ chức thi Kỹ năng nghề cho nhiều đối tượng khác nhau và phạm vi là người đang trong độ tuổi lao động (Chẳng hạn ở Hàn Quốc thi mỗi năm 1 lần và cho cả người lao động trong độ tuổi lao động, kể cả người trong thời gian thực hiện án tù) tham dự...", TS. Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) nói về một trong những lý do phải đổi mới kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia, mà cụ thể là mở rộng đối tượng tham dự để phù hợp xu hướng thế giới.

Cụ thể, ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp) cho hay, ở các kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia trước đây, đối tượng tham gia kỳ thi học sinh, sinh viên, người lao động trẻ có độ tuổi không quá 23 hoặc 25 tùy từng nghề. Như vậy chưa bao gồm toàn bộ lực lượng người lao động. Trong khi đó, Bộ Luật lao động 2019 quy định việc tổ chức thi kỹ năng nghề cho đối tượng là "người lao động".

"Do đó, kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 quyết định sẽ mở rộng đối tượng tham dự là người lao động có độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi (không chỉ giới hạn chỉ có người từ 23 - 25 tuổi trở xuống) đang làm việc tại các doanh nghiệp, tổng công ty và tập đoàn kinh tế.

Việc này nhằm thúc đẩy phong trào rèn luyện kỹ năng nghề không chỉ cho giới trẻ như trước kia mà còn bao gồm tất cả mọi người trong lực lượng đang trong độ tuổi theo quy định của pháp luật. Như vậy, thay vì trước đây "thầy dạy, trò đi thi" thì bây giờ có thể thầy trò cùng học và cùng thi với nhau", ông Trường nói.

Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng nhấn mạnh, kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2021 là kỳ thi thực hiện mục tiêu kép: Thúc đẩy phong trào rèn luyện kỹ năng nghề đồng thời cũng chuẩn bị cho đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề Châu Á năm 2022 và Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 năm 2022 tại Thượng Hải, Trung Quốc.

"Cuộc họp đại hội đồng Kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới thống nhất lấy năm 2021 là năm đổi mới sáng tạo. Do vậy, Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 phải là kỳ thi thực sự đổi mới, thiết thực, đóng góp vào việc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người học, người lao động và tiếp cận với trình độ thế giới", TS. Trương Anh Dũng cho biết.

Các thí sinh được lựa chọn từ kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020 sẽ phải tham gia kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm nay và coi đó là kỳ sát hạch và tăng cường, cọ sát cùng với các thí sinh mới được chọn năm nay.

Kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia lần thứ 12 năm 2021 dự kiến sẽ được tổ chức từ ngày 15/9 đến ngày 4/10/2021.

Được biết, các thí sinh tham dự kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022 tại Thượng Hải (Trung Quốc) sẽ gồm các thí sinh được lựa chọn từ kỳ thi Kỹ năng nghề quốc gia năm 2020, năm 2021 và thí sinh do các đối tác tự huấn luyện theo thỏa thuận riêng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp.

Lệ Thu

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Giáo dục   Hiệp hội   Hà Nội   Kỹ năng   Trung Quốc   Tổng cục   Việt Nam   doanh nghiệp   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...