27/01/2021 9:05  
Đội được thành lập theo quyết định của UBND và Hội Chữ thập đỏ TX.Dĩ An (Bình Dương) với sự quản lý của anh Kim Ngọc Mỹ, Phó chủ tịch hội. Dưới tay người đàn ông sinh năm 1968 được mọi người kính nể gọi “bố già” này, có hơn 50 “lính” gồm sinh viên, võ sư, người chạy xe ôm, ba gác... Trong đó, không ít người từng dính ma túy, vào tù ra tội. Nhưng tất cả đều chung tay làm đủ việc “bao đồng” như sửa xe, vá xe, chở người đi cấp cứu, làm từ thiện, hỗ trợ dân bị trộm, cướp...

“Bố già” của đám... trời ơi

9 giờ tối, tại văn phòng của đội, điện thoại anh Kim Ngọc Mỹ đổ chuông liên tục. “Bố già” bấm điện thoại giục “lính” lên đường ứng cứu những sự cố đang xảy ra trên địa bàn. Một số thành viên trực chỉ đến hiện trường. Số khác đến văn phòng để nghe “bố già” chỉ đạo và trang bị các phương tiện để “hành nghề”. Nghía những thành viên đội SOS, tôi cũng hơi... “sốt”. Như đoán được tâm trạng, anh Mỹ nói luôn: “90 phần trăm lính tui xăm trổ. Có người từng mang lý lịch bất hảo. Người ta nói tôi quản lý đám trời ơi là vậy”.
Chị Đặng Thị Duyên trải lòng về cậu con trai Thanh Hải, sinh năm 1995: “Hơn chục năm nước mắt tôi chan cơm vì đứa con hư. Nhà có bao nhiêu chiếc xe, máy tính... nó bán hết chơi ma túy. Không gặp chú Mỹ bây giờ nó thân tàn ma dại rồi”. 11 giờ đêm, tôi theo chân mẹ con chị đến vá xe cho một người tại ngã ba Ông Xã, đường DT 743. Hải tâm sự: “Trước đây con hư lắm. Trộm của nhà 5 chiếc xe, mượn xe bạn cũng bán luôn để chơi hàng đá. May mà vô đội SOS chứ không thì chôn vùi đời trai rồi. Giờ con có nghề sửa xe, đêm nào cũng cùng mẹ ra đường từ 9 giờ tối đến 2 giờ sáng để giúp đỡ những người bị sự cố xe cộ, tai nạn... Có đêm xử lý 4 - 5 ca”.
Còn chị Duyên, người mẹ 10 năm ăn chay trường để cầu xin Phật độ cho Hải thức tỉnh, giờ tự hào khoe: “Nó ngoan rồi, ngày chạy Grab, đêm tham gia đội SOS. Bây chừ nó ghét ma túy dữ lắm, ai trong đội có biểu hiện chơi ma túy, nó báo chú Mỹ “xử” liền”. Mới đây, ngày 25.1, Thanh Hải cùng 6 thành viên đội SOS đã hỗ trợ lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh Bình Dương theo dõi bắt được Nguyễn Quang Hồng, đối tượng đang bị truy nã tại đường số 2 khu công nghiệp Sóng Thần.
“Đám trời ơi” trong đội SOS, có người bất hảo hơn Hải. H.VT (sinh năm 1996, quê Lâm Đồng) đã đi tù 3 năm vì dính đến ma túy. N.N.L (sinh năm 1994, ngụ ở An Bình, Dĩ An, Bình Dương) cũng “bóc lịch” 5 năm vì buôn bán và chơi ma túy, lại còn thêm “nghề” đâm chém. Các thành viên từng cờ bạc, gây rối, chơi hàng đá... tính ra hơn nửa đội hình. Anh Mỹ cho biết, thành viên mới gia nhập đội phải test ma túy. Trong quá trình làm việc cũng test ma túy những người có biểu hiện nghi ngờ. “Thu phục, quản lý nhóm này không dễ. Mình phải biết cương nhu đúng lúc và có chiêu”, anh Mỹ chia sẻ.
Dù “bố già” rất nghiêm khắc, nhưng hầu hết thành viên đều nể phục. “Bố già” từng mang rượu đi hỏi vợ, làm chủ hôn cho đám cưới của bốn chàng trai đội SOS. “Điều tôi vui nhất là những em có quá khứ đen tối đã quay đầu vào bờ, đồng cam, cộng khổ giúp đỡ cộng đồng”, anh Mỹ trải lòng.

Ngàn việc tốt

Khung giờ hoạt động chủ yếu của đội SOS thường từ 21 giờ đến 2 giờ sáng. Tuy nhiên, nhiều trường hợp họ phải “tác chiến” bất kể giờ giấc. “2 - 3 giờ sáng đang ngủ ngon, bị bố già dựng dậy cũng quen rồi”, anh Huỳnh Thanh Phong, sinh viên Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, cười cho biết.
Hơn 50 thành viên “đội SOS (trong đó có hai đảng viên, bốn đại học, ba võ sư) đều “làm chuyện bao đồng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Song, hai đêm theo chân đội, mới thấy chuyện “bao đồng” của họ không phải ai cũng làm được.
21 giờ, “bố già” giục Nhật Quang và Thanh Phong, hai chàng sinh viên Trường cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, lên đường hỗ trợ một ca say rượu quắc cần câu. 23 giờ, đích thân “bố già” cùng cậu con trai võ sư là Kim Gia Đại đến khu vực gần ga Sóng Thần để “dàn xếp” vụ đánh nhau sau tai nạn giao thông. “Nhiều vụ ẩu đả mình phải hòa giải, ổn định trật tự”, anh Mỹ thổ lộ.
Đồng hành cùng đội SOS, tôi chứng kiến thêm một ca phối hợp tác chiến rất ấn tượng. Một bà cụ bị nhồi máu cơ tim được gia đình chở bằng xe máy đi cấp cứu nhưng giữa đường xe thủng ruột. Nhận tin gần 12 giờ đêm, dù ngoài trời mưa lớn, đội trưởng vẫn hối hả gọi điện tập hợp “lính”. Chỉ trong vòng ít phút, 5 thành viên đội SOS có mặt tại “hiện trường”. Nhóm 3 người nhanh chóng đưa cụ lên xe chở đến bệnh viện. Nhóm còn lại vá xe của người nhà bà cụ.
Đội mưa chở tôi về văn phòng, anh Mỹ đãi bằng bữa cháo vịt. Anh tiết lộ: “Hồi chiều mấy anh công an ở khu công nghiệp Sóng Thần cho con vịt nên nấu cháo để anh em về ăn. Chúng tôi liên kết chặt chẽ với đội bảo vệ khu công nghiệp và đồn công an khu công nghiệp Sóng Thần. Các anh thương, lâu lâu lại ghé cho đồ ăn”.
Nói về số trường hợp đội đã hỗ trợ xử lý từ khi thành lập đến nay, anh Mỹ lắc đầu: “Nhiều lắm. Không thể nhớ nổi”. Tôi xem nhật ký hành trình của Đội SOS Dĩ An thì thấy hầu như chưa đêm nào họ được “bình yên”. Một đêm 10 - 15 trường hợp cần đội SOS giúp đỡ là chuyện thường. “Vậy mà, làm ơn mắc oán cũng thường tình. Anh em từng bị người say rượu, người bị tai nạn giao thông chửi bới, thậm chí đánh lại anh em trong đội”, thủ lĩnh Kim Ngọc Mỹ chia sẻ.
Đội SOS Dĩ An âm thầm xông pha, giúp đỡ hữu hiệu nhiều sự cố bất ngờ khi có cuộc gọi cầu cứu, nhờ vả. Trong đó phải kể đến những ca bệnh nặng, tai nạn... tính mạng bị đe dọa nếu không cấp cứu kịp thời. Đường dây nóng của “bố già” luôn “nóng”. Trên áo, nón, phương tiện khác của mỗi thành viên là số điện thoại để bất kỳ ai cũng nhớ gọi điện khi cần. “Đơn giản thôi, cuộc đời cần sẻ chia. Chúng tôi gieo nhân lành cũng để gặt quả tốt cho mình”, anh Mỹ bộc bạch.  

Nguồn tin: thanhnien.vn


Việt Nam   hành vi   hợp tác  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...