12/11/2020 12:10  
AFF Cup sẽ diễn ra từ ngày 11/4 đến ngày 8/5. Tuy nhiên, đây lại là khoảng thời gian diễn ra một số vòng đấu của AFC Champions League và AFC Cup, nên đội tuyển Việt Nam có khả năng mất ngôi sao.

Cụ thể, lượt trận thứ 5 và thứ 6, vòng bảng AFC Champions League năm tới diễn ra vào các ngày 19 – 20/4, cũng như từ 3 – 4/5. Đây khoảng thời gian trùng với thời điểm AFF Cup sẽ diễn ra vào năm sau. Thế nên, khả năng sẽ xảy ra xung đột quyền lợi giữa đội tuyển và CLB, trong vấn đề sử dụng các tuyển thủ quốc gia. 

Tương tự như thế, lượt trận thứ 5 vòng bảng AFC Cup 2021 diễn ra vào các ngày 13 – 14/4, còn lượt 6 vòng bảng diễn ra từ ngày 27 – 28/4, cũng trùng với AFF Cup.

Bóng đá Việt Nam trong năm tới có 3 đại diện dự 2 cúp châu Á, đó là CLB bóng đá Viettel (tân vô địch V-League) dự vòng bảng AFC Champions League, còn CLB Hà Nội (đoạt cúp quốc gia 2020) và Sài Gòn FC (đứng thứ 3 tại V-League, thay thế đội đứng thứ nhì V-League là CLB Hà Nội) dự AFC Cup.

Các đội này, đặc biệt là Viettel và CLB Hà Nội, sở hữu rất nhiều tuyển thủ quốc gia, nên việc các tuyển thủ này phục vụ đội tuyển hay CLB là vấn đề sẽ làm đau đầu những nhà chuyên môn và những nhà quản lý các đội bóng.

Mục tiêu của đội tuyển Việt Nam trong năm 2021 ngoài vòng loại World Cup, vẫn là bảo vệ ngôi vô địch AFF Cup. Tuy nhiên, sân chơi AFC Champions League và AFC Cup cũng không phải là nơi mà các đội bóng của chúng ta đá cho có, bởi đấy vẫn là bộ mặt của cả nền bóng đá, ảnh hưởng cực lớn đến vị trí của bóng đá Việt Nam, của giải V-League trên bảng xếp hạng của AFC. 

Vả lại, cái đích vươn đến trình độ châu lục là cái đích mà trước sau gì chúng ta cũng phải hướng đến, nhằm vươn đến một tầm cao mới trong thể thao, thể hiện hình ảnh vươn lên của đất nước.

Đặt trường hợp các đội Viettel, CLB Hà Nội, Sài Gòn FC có cơ hội tranh chấp thứ hạng, có cơ hội vào sâu tại các cúp châu Á, các đội bóng này dĩ nhiên không thể bỏ qua cơ hội của mình, cũng là bảo vệ hình ảnh CLB của họ, hình ảnh doanh nghiệp bảo trợ họ, cũng như bảo vệ hình ảnh của chính bóng đá Việt Nam tầm mức CLB, trên đấu trường châu lục.

Khi đó, việc những Hoàng Đức, Trọng Hoàng, Bùi Tiến Dũng, Quế Ngọc Hải, có thể thêm Khắc Ngọc, thủ môn Nguyên Mạnh, Vũ Minh Tuấn… (Viettel), Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Duy Mạnh, Đức Huy, Hùng Dũng, Đình Trọng (CLB Hà Nội), hay khả năng là thủ môn Phạm Văn Phong, tiền vệ Cao Văn Triền (Sài Gòn FC) có khoác áo đội tuyển Việt Nam dự AFF Cup hay không, phụ thuộc vào thành tích của CLB mà họ đang đầu quân ở sân chơi châu Á.

Quy định của FIFA và AFC cho phép các CLB không có nghĩa vụ phải “nhả” quân cho AFF Cup, nên các đội bóng có quyền ưu tiên nhân sự cho các cúp châu Á, cho thấy giới bóng đá quốc tế, cụ thể là Liên đoàn bóng đá thế giới (FIFA) và Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC), đánh giá cao tầm quan trọng của AFC Champions League và AFC Cup đến mức nào! 

Hiện tại, cũng khó trông chờ AFF Cup năm 2021 dời sang thời điểm khác, vì giải đấu này nếu dời tiếp có thể đụng Olympic Tokyo và vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á.

Chỉ có chút an ủi, ở chỗ khó khăn với bóng đá Việt Nam thời điểm hiện tại, trong việc xung đột quyền lợi giữa các CLB và đội tuyển quốc gia, trong thời gian diễn ra AFF Cup, cũng là khó khăn chung của hầu hết các nền bóng đá trong khu vực, có đại diện dự 2 cúp châu Á.

Thiện Nhân

Nguồn tin: dantri.com.vn


AFF Cup   Bóng đá   FIFA   Hà Nội   Mục tiêu   V-League   Việt Nam   World Cup   doanh nghiệp   Đội tuyển  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...