04/03/2021 11:45  

TOContent"> Theo bộ phận công nghệ thông tin của một công ty chứng khoán, trong trường hợp doanh nghiệp chuyển ra và HNX lập một bảng giao dịch mới, giữ nguyên biên độ biến động giá cổ phiếu, phương thức khớp lệnh mở cửa và đóng cửa, các loại lệnh... thì các công ty chứng khoán có thể phải cần 3-5 tháng để điều chỉnh hệ thống giao dịch của họ. Cách nhanh nhất là doanh nghiệp chuyển ra và giao dịch cùng với các công ty đang niêm yết tại HNX, như vậy công ty chứng khoán không phải chỉnh sửa phần mềm. Cách này thì coi như doanh nghiệp niêm yết mới trên HNX.

Nhưng việc hủy niêm yết ở HOSE và chuyển niêm yết ra HNX (tương đương với niêm yết mới ở HNX) đòi hỏi phải được đại hội đồng cổ đông của doanh nghiệp chấp thuận. Việc tổ chức đại hội đồng cổ đông, hay ít nhất lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản không thể làm ngay ngày một ngày hai, mà mất hàng tháng trời.

Vấn đề phức tạp hơn cả, theo đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt, là doanh nghiệp nào sẽ chuyển ra HNX và nếu những doanh nghiệp chuyển ra nằm trong rổ VN30, VNFinlead, VNDiamond thì tính chỉ số thế nào. Hay là chuyển toàn bộ các doanh nghiệp trong rổ VN30 hoặc rổ VNFinlead, VNDiamond ra HNX?

Hiện giá trị giao dịch của rổ VN30 khoảng 7.000-8.000 tỉ đồng/ngày. Cao điểm có thể đạt 9.000 tỉ đồng/ngày, chiếm 45-47% giá trị giao dịch hàng ngày của HOSE. Giá trị giao dịch của HNX trung bình tầm 2.000-2.200 tỉ đồng/ngày. Nếu chuyển toàn bộ VN30 ra, tổng giá trị khớp lệnh của HNX có thể lên tới 10.000 tỉ đồng/ngày. Liệu hệ thống giao dịch của HNX có đáp ứng được giá trị và khối lượng khớp lệnh như vậy? Chưa kể HNX còn có sàn UpCom và phái sinh.

Mặt khác việc chuyển VN30 hay bất kỳ một số lượng doanh nghiệp niêm yết nào từ HOSE ra HNX sẽ ngay lập tức tác động đến chỉ số VN-Index - hàn thử biểu chính thức của chứng khoán Việt Nam. Chỉ có thể chuyển sang HNX những công ty vốn hóa nhỏ, song những doanh nghiệp vốn nhỏ, thanh khoản thấp lại không chiếm nhiều lệnh mua bán, do đó việc chuyển chúng sang HNX không tháo gỡ được mấu chốt nghẽn lệnh.

Cách thức được đánh giá mang tính khả thi hơn cả là nâng bước giá và nâng lô cổ phiếu lên 1.000, đồng thời với việc thiết lập riêng một bảng giao dịch lô lẻ tại HOSE. Bảng lô lẻ có thể giao dịch ngoài giờ. Chưa biết liệu hệ thống hiện hành của HOSE có cho phép thiết lập một bảng giao dịch lô lẻ riêng rẽ hay không? Và nếu có thì mất bao nhiêu thời gian để bảng lô lẻ vận hành? Đây là những câu hỏi chỉ có chuyên gia công nghệ mới trả lời được.

Ngay cả khi các giải pháp tạm thời được áp dụng, chưa có gì đảm bảo việc nghẽn lệnh sẽ được giải quyết triệt để do hiện nay không thể cân đong chính xác nhu cầu giao dịch của nhà đầu tư và thị trường đang không phản ánh chính xác cung cầu. Do lệnh đặt mua/bán không khớp ở nhiều thời điểm “thị trường căng như dây đàn”, một số nhà đầu tư đành phải giao dịch vào ngày hôm sau khi tâm lý thị trường đã thay đổi.

Nhiều doanh nghiệp niêm yết, theo khảo sát của người viết bài này, chọn chịu đựng việc nghẽn lệnh thêm một vài tháng hơn là chuyển sàn sang HNX hoặc nâng lô. Với những công ty đại chúng như Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) có tới hơn 86.000 cổ đông trong lần chốt danh sách gần nhất, thì nâng lô không phải giải pháp thiết thực bởi không phải doanh nghiệp nào cũng được nhà đầu tư quan tâm rộng rãi như vậy. Trong khi đó các nhà đầu tư không đồng tình nghẽn lệnh kéo dài dù thêm một quí. Có nhà đầu tư thẳng thắn chia sẻ nghẽn lệnh khiến họ ức chế tâm lý hoặc cảm thấy nản lòng. 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HOSE   MC   Việt Nam   doanh nghiệp  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...