09/11/2020 17:25  
Năm 2020, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD khi khách quốc tế giảm hơn 80%, trong nước giảm 50%, theo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện.
Mới nhất Cũ nhất
  • 17h00

    Quốc hội kết thúc phiên làm việc chiều 9/11; các đại biểu tiếp tục chất vấn trong sáng mai 10/11.

  • 16h20

    "Chất lượng quy hoạch đô thị thấp"

    Trả lời chất vấn về những bất cập trong công tác lập quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà nói dù lĩnh vực này ngày càng được hoàn thiện, song về tổng thể còn hạn chế, chất lượng quy hoạch thấp.

    Nguyên nhân do việc đổi mới phương pháp quy hoạch còn nhiều bất cập, hệ thống pháp luật liên quan chưa đồng bộ, có chỗ còn mâu thuẫn. Trình độ, tư duy, năng lực của một số cơ quan quản lý, một số cán bộ trong công tác thẩm định và cơ quan tư vấn chưa đáp ứng yêu cầu.

    Hệ thống thông tin, dữ liệu, số liệu cần thiết để phục vụ lập quy hoạch còn thiếu; việc lấy ý kiến người dân, chuyên gia, nhà khoa học về về lập và điều chỉnh quy hoạch đô thị chưa được quan tâm đúng mức, nhiều trường hợp còn hình thức...

    Theo ông Hà, vừa qua, một số luật đã được sửa đổi, bổ sung như luật Quy hoạch, luật Xây dựng góp phần nâng cao chất lượng quy hoạch, bãi bỏ một số giấy tờ không cần thiết, bổ sung quy định đấu thầu, kết hợp tư vấn trong nước và nước ngoài... Các địa phương cũng quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực, nhân lực quy hoạch, giúp chất lượng quy hoạch nâng lên nhưng về tổng thể chưa đáp ứng được yêu cầu.

    "Cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, đảm bảo đồng bộ giữa các lĩnh vực; xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch, phát triển đô thị làm căn cứ xây dựng quy hoạch và áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ...", ông Hà nói.

  • 16h15

    Du lịch Việt Nam thiệt hại 23 tỷ USD năm 2020

    Trả lời đại biểu về chiến lược phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, năm 2019 Việt Nam đón 19 triệu lượt khách quốc tế, 85 triệu khách nội địa, tổng thu 35 tỷ USD. "So với các chỉ tiêu và mục tiêu mà Nghị quyết Bộ Chính trị đề ra, ngành du lịch cơ bản đạt được", ông Thiện nói.

    Năm 2019, Việt Nam có hơn 30.000 cơ sở lưu trú, năng lực cạnh tranh du lịch tăng 12 bậc so với năm 2015, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Du lịch Việt Nam vươn lên đứng thứ 4 khu vực và tốp 10 nước phát triển du lịch nhanh nhất châu Á.

    Tuy nhiên, ông Thiện cho biết, năm 2020, du lịch Việt Nam thất thu 23 tỷ USD, khi khách quốc tế giảm hơn 80%, trong nước giảm 50%. "Đây là năm vô cùng khó khăn với du lịch thế giới và Việt Nam", ông nói.

    Về giải pháp phát triển du lịch, ông Thiện nói cần tập trung phát triển nguồn nhân lực, hạ tầng hàng không; tăng cường quảng bá, xúc tiến; đổi mới chính sách visa; tái cơ cấu ngành du lịch; tăng cường quản lý điểm đến...

  • 15h15

    Chính phủ sẽ đầu tư hệ thống Data Center dùng chung

    Trả lời chất vấn về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói, mỗi Bộ ngành, địa phương có cơ sở dữ liệu riêng, thường không giống nhau và không có tình trạng chồng chéo. Nhưng, dữ liệu này lại có vấn đề khác là chất lượng dữ liệu và khả năng kế thừa không giống nhau.

    Điều này sẽ được giải quyết bởi 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, vì có nhiều trường dữ liệu dùng chung. Theo đó, Chính phủ tập trung thúc đẩy 6 cơ sở dữ liệu này. Về hạ tầng chứa dữ liệu - Data Center, hiện nay có nhiều đơn vị tự xây dựng Data Center của riêng mình, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Hùng, với nguồn vốn ít, điều này tạo nên sự chồng chéo, lãng phí. Giải pháp là Chính phủ sẽ đầu tư hạ tầng dữ liệu quy mô lớn cho các dữ liệu quan trọng dùng chung. Các đơn vị có nhu cầu nên dùng cơ sở này, thay vì tự đầu tư. Chiến lược dữ liệu quốc gia sắp tới được phê duyệt cũng sẽ đề cập đầy đủ các giải pháp xử lý vấn đề dữ liệu và Data Center.

  • 14h45

    "Có đất nước nào người dân thương nhau trong lũ lụt đến như vậy"

    Về vấn đề đạo đức xã hội, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi người dân, mọi tổ chức. Vì thế, khi nói về nội dung này trong thời gian ngắn, Phó thủ tướng mong các đại biểu "chia sẻ và chỉ bảo thêm".

    Về thực trạng đạo đức xã hội và ứng xử xuống cấp, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống mai một, như các đại biểu nêu trong chất vấn, Phó thủ tướng thừa nhận là đúng, nhưng mong mọi người đánh giá theo hai mặt. Bởi, đạo đức xã hội của Việt Nam được tổng hợp lên từ nhân dân.

    Đơn cử như lòng yêu nước và tinh thần dân tộc, lãnh đạo Chính phủ cho rằng tinh thần này của người Việt Nam không kém nước khác. "Chúng ta không nói mình hơn thiên hạ, nhưng cũng không kém. Như thành công của đội tuyển U23 Việt Nam, cả dân tộc nao nức, đó là tinh thần yêu nước", Phó thủ tướng nói. Hoặc như tinh thần yêu thương đồng loại, thương người. "Có đất nước nào mà lũ lụt, dịch bệnh như vừa rồi, người dân thương nhau, giúp đỡ nhau đến như vậy".

    "Chúng ta thấy hiện tượng xuống cấp là đáng báo động, nhưng không vì thế mà nhìn nhận đạo đức xã hội, con người Việt Nam không công bằng. Chúng ta nhìn thẳng khiếm khuyết mà khắc phục", Phó thủ tướng nói và cho rằng, nếu gần đây để ý, việc khắc phục đã được thực hiện rất tốt.

    Về nguyên nhân, khách quan là mặt trái kinh tế của kinh tế trường, thông tin mạng; còn chủ quan là yếu kém về văn hóa, giáo dục. "Điều này không sai, nhưng vẫn còn những nguyên nhân sâu xa khác", Phó thủ tướng nói.

    Về giải pháp, lãnh đạo Chính phủ cho rằng muốn góp phần cho điều tốt tăng lên và cái xấu giảm đi, quan trọng là toàn dân hiểu cái gì là tốt, cái gì là xấu. Thứ hai là tuyên truyền, vận động để mọi người tự điều chỉnh hành vi. Thứ ba, văn hóa đạo đức trong mọi thời kỳ đều cần sự nêu gương. Thứ tư, chú ý đến các ngành nghệ thuật, các hoạt động tín ngưỡng.

    "Mong rằng, chúng ta dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng nếu cố gắng, dân tộc Việt Nam sẽ tiếp tục tự hào truyền thống dân tộc văn hiến, xứng đáng với truyền thống của cha ông", Phó thủ tướng nói.

  • 14h30

    Giảm 4 tổng cục trong 2 năm

    Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Huyền và Bùi Văn Phương, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, thực hiện chủ trương sắp xếp bộ máy hành chính nhà nước, hai năm qua đã giảm được 12 tổ chức cấp vụ ở trung ương, cấp cục tăng lên 7, cấp tổng cục giảm 4. Trong đó, Bộ Công an giảm 6 tổng cục; các bộ khác thành thành hai tổng cục mới là Tổng cục Quản lý thị trường và Tổng cục Phòng chống thiên tai.

    Ở địa phương, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh giảm được 5, tổ chức hành chính giảm 12; cấp phòng giảm 973, cấp chi cục giảm 127. Cấp huyện giảm 294 tổ chức hành chính cấp huyện.

  • 14h30

    100% hộ dân có điện từ 2025 

    Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thảo nói hiện nay 100% xã, 99,6% hộ dân được cấp điện từ điện lưới quốc gia. "Giải pháp nào để 0,4% số hộ dân còn lại có điện sử dụng?", bà chất vấn.

    Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, 100% số xã được cấp điện nhưng bản và thôn thì không đạt vì giai đoạn 2018 trần nợ công cả nước cao. Bộ Công Thương báo cáo Chính phủ sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới để thực hiện tiếp dự án cấp đến đến các hộ dân còn lại. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát tổng thể tất cả vốn vay quốc gia, sau đó thống nhất báo cáo Thủ tướng tạm thời chưa thực hiện chương trình này nhằm đảm bảo an toàn trần nợ công quốc gia.

    Đến nay, căn cứ thực tế trần nợ công đã về ngưỡng an toàn, Bộ Công Thương chủ động tiếp tục làm việc với các nhà tài trợp, báo cáo Chính phủ, và Chính phủ đã đồng ý trình Quốc hội đưa vào chương trình thực hiện giai đoạn 2021 - 2025 với ba nguồn tài chính là vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, viện trợ không hoàn lại của Liên minh Châu Âu. Cùng với nguồn vốn của Chính phủ, sẽ đảm bảo được khoảng hơn 21.000 tỷ đồng.

    "Theo kế hoạch, năm 2025 sẽ hoàn thành mục tiêu cấp điện cho tất cả các hộ dân miền núi, vùng sâu, hải đảo", ông Tuấn Anh nói.

  • 14h15

    'Có móc nối ăn hoa hồng trong ngành y nhưng không phải tất cả'

    Trước phản ánh của đại biểu, người dân khám chữa bệnh Bảo hiểm y tế nhưng vẫn phải ra hiệu thuốc mua thuốc, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, có nhiều nguyên nhân.

    Nguyên nhân thứ nhất, nhiều bác sĩ cũng phản ánh, chính sách thanh toán của Bảo hiểm y tế thuộc Bảo hiểm xã hội là không phù hợp. Điều này đúng sự thật và có căn nguyên. Hiện nay mệnh giá trung bình đóng bảo hiểm y tế là 1,1 triệu mỗi người một năm, bằng ⅓ Philippines, bằng ¼ Thái Lan.

    Trong khi đó, giá thuốc phải theo mặt bằng quốc tế vì 90% nguyên liệu nhập khẩu. Giá thuốc Việt Nam hiện nay rẻ hơn các nước ASEAN nhưng chỉ rẻ hơn 10 đến 15%. Vì vậy, bảo hiểm không thể thanh toán được tất cả các loại thuốc mà chỉ thanh toán thuốc thông thường. Còn lại thuốc biệt dược, đắt tiền thì người bệnh phải bỏ tiền ra mua. Hiện nay Việt Nam tiêu tốn 120.000 tỷ đồng tiền thuốc mỗi năm, bảo hiểm thanh toán 36% - 37%. Tỉ lệ này cao so với các nước trên thế giới.

    Theo ông Đam, nhìn rõ nguyên nhân ấy để thấy rằng cần phải tăng tỉ lệ bao phủ bảo hiểm y tế, vì hiện nay mới đạt 90,7%, nhưng trung bình mức đóng mới được 1,1 triệu đồng. Vì vậy, cần phải tăng thu nhập người dân thì mới có thể tăng mức đóng bảo hiểm y tế. Đồng thời ngân sách nhà nước phải có thu thì mới hỗ trợ được nhiều. Nên đây là "câu chuyện dài hơi, liên tục".

    Về phản ánh có tiêu cực, móc nối giữa bác sĩ điều trị và trình dược viên của các hiệu thuốc kê đơn để ăn "hoa hồng", Phó thủ tướng nói có hiện tượng này trong ngành y nhưng không phải là tất cả.

    Để khắc phục tình trạng trên, "chỉ có cách là áp dụng công nghệ thông tin để minh bạch, bởi hiện nay có đến 20.000 loại thuốc, dịch vụ và hàng triệu lượt khám chữa bệnh mỗi năm". Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế đẩy mạnh tin học hóa, những năm vừa rồi làm rất tốt.

    Tới đây, cần kết nối toàn bộ hệ thống quản lý các cơ sở y tế, nhà thuốc, làm hóa đơn điện tử, bệnh án điện tử thì mới giải quyết được vấn đề trên.

  • 14h10

    Chính phủ ủng hộ tự chủ Đại học

    Trả lời vấn vấn của đại biểu về việc "làm sao để thực hiện tự chủ đại học?", Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói, "chúng ta thực hiện tự chủ đại học nhưng mới được một số bước và vẫn còn tiếp tục, bởi đây là một quá trình".

    Theo ông Đam, có năm điểm mang tính nguyên tắc về tự chủ đại học toàn thế giới và một điểm cho riêng Việt Nam.

    Thứ nhất, đại học không chỉ là nơi làm ra trí thức mà còn là nơi làm việc, sinh hoạt của trí thức có mặt bằng nhận thức cao hơn mặt bằng chung. Vì vậy, đại học cần phải xây dựng mô hình quản trị tiên tiến, từ đó lan tỏa ra toàn xã hội, đảm bảo dân chủ, sáng tạo, khoa học.

    Đại học đã tự chủ thì gắn liền với trách nhiệm giải trình, mọi hoạt động theo pháp luật, nhưng còn theo quy chế công khai để toàn xã hội giám sát chi tiết.

    Tự chủ đại học không có nghĩa Nhà nước không đầu tư tiền nữa, bởi nhiều nước vẫn đầu tư cho các đại học, không chỉ là đặt hàng, cấp học bổng mà còn xây dựng cơ sở vật chất. Tự chủ đại học không có nghĩa là không có quản lý mà phải quản lý theo quy định pháp luật.

    "Tất cả các nước, cả Chính phủ, xã hội và nhà trường thực hiện tự chủ nhưng có cơ chế để con nhà nghèo, người khuyết tật, trường hợp đặc thù không bị giảm cơ hội vào đại học, nhất là đại học chất lượng cao. Việc này Việt Nam làm chú trọng hơn các nước", ông Đam nói.

    Với các nước có nền kinh tế chuyển đổi như Việt Nam thì vấn đề mang tính nguyên tắc là khái niệm chủ sở hữu đại học cũng thay đổi. Vì đóng góp của trường đại học không phải là tiền, nhà cửa, máy móc mà còn trí tuệ, học phí của người dân nên vì thế về lâu dài khái niệm chủ sở hữu không đơn thuần là của cơ quan tổ chức nào mà của toàn xã hội.

    "Về câu hỏi của đại biểu, có nên bỏ chủ quản đại học hay không, thì thực ra trong luật pháp nước ta hiện nay đã không còn bộ chủ quản. Như trường Đại học văn hóa nghệ thuật thuộc UBND TP Hà Nội. Luật pháp hiện nay không còn khái niệm cơ quan chủ quản, mà chỉ còn cơ quan quản lý và chủ sở hữu. Cơ quan quản lý tiến tới chỉ quản lý về công tác cán bộ", Phó thủ tướng nói.

    Theo xu thế đó, ông Đam cho rằng cần sửa luật bởi hiện nay còn vướng mắc, như về thu tiền tài trợ học phí và chi học phí; hay về tuổi giữ chức của cán bộ trong đại học; về việc mở ngành mới có liên quan đến tỉ lệ giáo sư, tiến sĩ, giáo viên.

    "Hiện nay trước mắt theo tôi có 2 việc liên quan đến tự chủ đúng hướng và đúng quy luật là tất cả các trường đều phải kiện toàn hội đồng trường, với tư cách là cơ quan có thực quyền chứ không phải hình thức. Tất cả các trường đều phải xây dựng quy chế điều hành, tổ chức, hoạt động nội bộ tỉ mỉ, chi tiết theo pháp luật và công khai để toàn dân biết, giám sát", ông Đam nói.

    Cuối cùng, ông cho rằng trong quá trình chuyển đổi có nhiều điểm chưa có tiền lệ, thì khi xử lý phải bình tĩnh và xu hướng là ủng hộ tự chủ đại học.

    Về đại học Tôn Đức Thắng, ông Đam một lần nữa khẳng định đã trao đổi với Bộ Tư pháp nhiều lần. "Khi chưa rõ, còn ý kiến khác nhau thì Chính phủ hết sức trách nhiệm, không lơ là nhưng phải rất cẩn trọng, đúng quy định. Chính phủ đã lập đoàn công tác vào xem xét, phân tích, báo cáo. Sau đó, chúng tôi sẽ công khai, tinh thần là chính phủ công minh, ủng hộ tự chủ", ông Đam khẳng định.

  • 14h10

    Thủ tướng sẽ xem xét lương hưu cho người nghỉ hưu trước năm 1993

    Mở đầu phiên chất vấn chiều 9/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm về lương hưu cho người nghỉ hưu trước 1993.

    Theo tính toán của Bộ Lao động Thương binh Xã hội, hiện Việt Nam có khoảng 600.000 người nghỉ hưu trước 1993. Ngoài ra, còn 400.000 người nghỉ hưu các thời điểm khác nhau nhưng lương hưu rất thấp dưới 3 triệu đồng, thậm chí công nhân cao su lương chỉ 1 triệu đồng.

    Theo Phó thủ tướng, Ban chỉ đạo cải cách tiền lương đã có phương án tính toán khoản bù thêm do ngân sách nhà nước bảo đảm, không phải lấy từ quỹ bảo hiểm xã hội. Theo đó, khoảng 400.000 người sẽ được bù 500.000 đồng mỗi người một tháng, tính ra khoảng 2.400 tỷ đồng mỗi năm.

    Tuy nhiên, Phó thủ tướng nêu rõ "việc này mới là tính trong nội bộ". Do Covid-19 ảnh hưởng nguồn thu nên cơ quan có thẩm quyền đã lùi thời điểm thực hiện cải cách tiền lương, đi kèm với đó là chính sách người có công và tiêu chuẩn nghèo mới đa chiều, thay vì thực hiện từ đầu năm 2021 thì đến 7/2022 mới làm.

    "Bộ Lao động Thương binh Xã hội sẽ báo cáo thực trạng người nghỉ hưu trước 1993 thu nhập thấp lên Thủ tướng", ông Đam cho hay.

Nguồn tin: vnexpress.net


Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Hà Nội   Ngân hàng   Thể thao   Tổng cục   Việt Nam   Xã hội   chiến lược   chuyên gia   chính sách   du lịch   dịch vụ   hành vi   kinh tế mũi nhọn   quy hoạch   sáng tạo   Đầu tư   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...