22/01/2021 15:25  
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết Ban chỉ đạo Quốc gia đã tính toán kịch bản hàng chục, hàng trăm nghìn người mắc Covid-19, và khẳng định sẵn sàng các biện pháp kiểm soát tình hình.
Mới nhất Cũ nhất
  • - Song song với chống dịch, việc phát triển kinh tế là điều tất yếu. Phó thủ tướng có chủ trương gì với lao động nước ngoài, gồm cả chuyên gia và không chuyên gia, thương nhân... có thể vào Việt Nam hay không? Lực lượng này chiếm không ít. Thay vì cấm tuyệt đối, tôi đề xuất chúng ta nên có phương án cho nhập cảnh bình thường, đúng pháp luật, tuân thủ quy định cách ly 14-21 ngày. Đây cũng là nguồn thu không nhỏ cho các ngành hàng không, dịch vụ, thương mại, chưa kể nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về việc chuyên gia, thương nhân không vào Việt Nam làm việc được, ví dụ có doanh nghiệp không làm được chứng chỉ cho những sản phẩm hữu cơ để tiếp tục đơn hàng xuất khẩu, vì chứng chỉ này chỉ có chuyên gia người nước ngoài mới có thẩm quyền. Việc cấm tuyệt đối sinh ra tệ nạn là nhập cảnh chui, nguy hiểm hơn rất nhiều. Xin chân thành cảm ơn!

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi rất chia sẻ với bạn, hoàn toàn đồng ý với bạn. Đến giờ, chúng ta chưa bao giờ cấm tuyệt đối. Chúng ta vẫn đón chuyên gia và các lao động về Việt Nam. Tôi nhớ gần 200.000 người vừa là chuyên gia, vừa là lao động vào Việt Nam, không chỉ vào trung tâm cách ly, mà vào khách sạn cách ly. Quan trọng nhất là vận hành cơ chế đó an toàn.

    Sát Tết, thế giới phát hiện biến chủng mới lây nhanh hơn, nên thời gian gần đây vẫn có chuyến bay nhưng tần suất ít đi, để chúng ta xem chủng mới như thế nào. Song chủ trương chúng ta vẫn tiếp tục. Tới đây, khi nước ngoài có vaccine, thì chúng ta có hộ chiếu vaccine, việc đi lại sẽ bình thường hơn.

  • - Chính phủ cũng như Bộ Y tế đã lên kịch bản cho việc một thời điểm nào đó chúng ta có thể không kiểm soát được dịch bệnh, mất dấu F0, như đã từng xảy ra ở Đà Nẵng và bệnh viện thì quá tải. Các bộ ngành đã lường đến tình huống này hay chưa? (Lệ Chi, 46 tuổi, Hà Nội)

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Xin cảm ơn, câu hỏi rất hay. Chúng tôi như nói ở đầu, ngay từ cuối tháng 12 chúng tôi đã chuẩn bị và đến giữa tháng 1 khi mà có ca nhiễm ở Trung Quốc là chúng tôi đã xây dựng kịch bản rồi. Lúc đó xây dựng 4 kịch bản, kịch bản cao nhất lên mấy nghìn người nhiễm thôi. Và ngay khi Tết bắt đầu có ổ dịch ở Sơn Lôi, là chúng tôi, Bộ Y tế đã phải xây dựng và bàn với Bộ Quốc phòng và các bên liên quan để ra kịch bản lên tới ba chục nghìn người nhiễm, thậm chí hàng trăm nghìn người nhiễm, kịch bản số 5.

    Tôi nhớ ngày 19/2/2020, Bộ Quốc phòng tổ chức hội nghị toàn quân rút kinh nghiệm. Tôi có dự với Thượng tướng Trần Đơn là thành viên Ban chỉ đạo, và tới ngày 4/3 là chúng ta tổ chức diễn tập thực binh toàn quân. Trong đó đã tính kịch bản hàng mấy chục nghìn, hàng trăm nghìn người nhiễm. Chúng ta đã tính toán, độc giả nói chúng ta không kiểm soát được là không đúng.

    Chúng tôi vẫn quyết tâm là kể cả mấy chục nghìn người nhiễm vẫn có các biện pháp để kiểm soát được. Tinh thần của chúng tôi là bao giờ cũng nghĩ đến tình huống xấu nhất và chuẩn bị để tình huống đó không bao giờ xảy ra, nhưng luôn luôn sẵn sàng.

    Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Tiếp lời Phó Thủ tướng rằng Ban chỉ đạo đã chuẩn bị báo cáo xây dựng tình huống thứ 5 là tình huống khốc liệt, trên nguyên tắc kiểm soát mọi tình hình. Đối với y tế, để tránh tình trạng bệnh viện quá tải, chúng ta huy động tập trung tất cả các cơ sở y tế từ xã đến huyện, tỉnh và trung ương, huy động toàn lực để chống dịch.

    Nếu tình huống xấu nhất xảy ra, y tế vẫn đảm bảo cung cấp đầy đủ trang thiết bị y tế, trang phục, vật tư, cơ sở khám chữa bệnh để chống dịch.

    Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Về phía Khoa học và Công nghệ, khi Chính phủ chỉ đạo, đã cùng Bộ Y tế chuẩn bị phương án sản xuất máy thở hàng loạt để đối phó tốt nhất. Tổ Thông tin đáp ứng nhanh đã chạy thử mô phỏng, phân tích sâu để có kịch bản tốt nhất. Ban chỉ đạo luôn sẽ có phương án kiểm soát.

    Để đảm báo các phương án, phải có bức tranh tổng thể về thông tin, đánh giá từng tỉnh, có số liệu cụ thể về cơ sở tế, nguy cơ xâm nhập mật độ dân cư, số lượng máy để có phương án cho từng tỉnh, từng tình huống, chuẩn bị lực lượng cho từng tình huống.

    Tôi nghĩ với sự chuẩn bị sát sao của Chính phủ, các bộ ban ngành, các tính toán về y tế dự phòng, dự báo, phân tích... đều có thể cho ra phương án tốt nhất để kiểm soát dịch bệnh.

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta tính đến những phương án rất xấu. Nhưng quyết định phải chống dịch kiểu Việt Nam. Anh Duy cũng đã nói đến máy thở. Ngay từ đầu tôi đã yêu cầu không chỉ máy thở, chúng ta phải chuẩn bị cả bóng bóp tay. Chúng tôi bắt rà soát công sở trường học, huy động nguồn lực một cách rất Việt Nam. Các nước hàng trăm ca nhiễm, bản chất họ cũng không khống chế nổi. Chúng ta cũng không có điều kiện làm giống họ. Chúng ta đã làm từ những ngày đầu năm, làm rất kỹ .

  • - Tôi là một nhà báo, nhưng không có điều kiện được gặp Phó thủ tướng, xin phép được hỏi ông hai câu: Trong giai đoạn chống dịch căng thẳng hồi tháng ba, quan điểm cá nhân của ông như thế nào trước sự lựa chọn: Phong tỏa để chống dịch và hạn chế giãn cách để duy trì nền kinh tế?

    Câu hỏi thứ hai: Nhìn lại cả quá trình chống dịch một năm qua, nếu được ra quyết định lại thì ông sẽ quyết định lại điều gì và tại sao? Xin cám ơn và mong được nghe câu trả lời thẳng thắn của ông? (Đào Tuấn, Hà Nội)

    Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta đặt ra mục tiêu kép vừa phải chống được dịch vừa phải phát triển kinh tế xã hội. Duy trì cuộc sống bình thường nhưng bình thường mới. Tình trạng đó khiến chúng ta như đi trên dây. Tôi luôn nhắc nhở bản thân và anh em, khi khó phân định ranh giới phải nghiêng về an toàn. Vì có an toàn mới phát triển kinh tế được.

    Câu hỏi thứ hai bạn đặt ra cũng là câu hỏi bản thân tôi tự hỏi và hỏi với anh em. Xin thưa với bạn, cho đến giờ phút này có thể là trùng hợp nhưng trong thời gian ý khó khăn, thiếu thốn đủ thứ nhưng có may mắn. Tôi là Phó thủ tướng nên điều phối các bên tham gia dễ dàng hơn. Tôi cũng vừa là bộ trưởng điều hành anh em được nhanh hơn. Quyết định đến giờ, tôi chưa thấy quyết định nào sai và không ân hận. Nếu cho tôi làm lại, tôi vẫn làm vậy.

    Trong nhiều quyết định tôi đưa ra, có những quyết định không theo số đông. Ví dụ như: có công bố ca đầu tiên không; Học sinh đi học lại không; Có bắt buộc đeo khẩu trang vải không; Có phong tỏa Đà Nẵng hay không? Khi đó, chúng ta quyết định giải tỏa ra khỏi Đà Nẵng, nhiều người nói như vậy là "thả gà ra đuổi". Tôi bị chỉ trích, nhưng sau thấy đúng đắn về sau này.

    Những quyết định khó nhất là quyết định ban đầu số đông phản đối. Khi quyết định có thi đại học không, báo điện tử VnExpress lấy ý kiến độc giả thì hơn 80% cho rằng nên bỏ thi. Chúng tôi phân tích kỹ lưỡng, lấy ý kiến số ít nhưng là các cháu học sinh vẫn thi. Theo số ít hơn nhưng hợp lý hơn. Nhiều quyết định khó khăn, nhưng may mắn là nếu có quyết định lại tôi cũng không làm khác.

  • - Tôi là người dân Sơn Lôi, hôm nay may mắn được đặt câu hỏi cho Phó Thủ tướng. Quyết định phong tỏa làng tôi khiến nhiều người trong đó có gia đình, họ hàng tôi khốn đốn một thời gian vì không có sự chuẩn bị. Xin hỏi Phó thủ tướng, quyết định này có phần nào đến từ "virus vô hình của nỗi sợ hãi"?

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi khẳng định là không có "virus vô hình của nỗi sợ hãi" nào trong bối cảnh đó. Đó là quyết định cần thiết, chưa có tiền lệ và rất dũng cảm. Cảm ơn độc giả và cảm ơn tất cả người dân Sơn Lôi và các nơi bị phong tỏa với sự bất tiện.

    Phong tỏa Sơn Lôi, lúc đó trước mấy ngày, khi phát hiện ra các ca bệnh, Bộ Y tế cử lãnh đạo lên làm việc, chọn đội tinh nhuệ nhất lên. Sau đó, chính tôi lên trực tiếp để trao đổi, lãnh đạo tỉnh xuống tận xã chuẩn bị. Cuối cùng, tất cả thống nhất lại lần cuối, quyết định phong tỏa Sơn Lôi, không chỉ để dập dịch lúc đó, mà thành một mô hình sau này.

    PGS Trần Như Dương được yêu cầu đến đó, ngoài làm việc thì phải lập một cuốn sổ tay. Anh Dương sau đi từ ổ Trúc Bạch đến Bình Thuận, Ninh Thuận, TP HCM, sau này là Đà Nẵng... trở thành người đi phổ biến và tập huấn. Đấy là một thành công.

    Cách đây mấy ngày, anh Dương có chia sẻ với tôi, đây là một trong những quyết định quan trọng nhất trong chống dịch, sau này các kinh nghiệm đúc rút thành một công nghệ, được áp dụng. Đó là quyết định hết sức cần thiết.

  • - Xin hỏi ông Duy, khi dịch bệnh hoành hành, mong đợi lớn nhất của người dân là có vaccine. Đến nay Việt Nam đã có vaccine để tiêm thử nghiệm. Cá nhân ông có định tham gia tiêm thử nghiệm phòng Covid-19 không? (Trần Định, 60 tuổi, Quảng Ninh)

    Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Tôi tin rằng Bộ Khoa học Công nghệ cùng Bộ Y tế khi quyết tâm triển khai và đầu tư chắc chắn mong muốn sớm có vaccine cho người dân. Với những người làm quản lý nhà nước, chúng tôi mong có vaccine của Việt Nam và chúng tôi sẵn sàng là người thử đầu tiên.

  • - Em là người đang theo học ngành công nghệ thông tin, xin hỏi thầy Duy nếu em muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình với tổ phản ứng nhanh thì em có thể làm gì? (Nguyễn Minh Hoàng, 20 tuổi, TP HCM)

    Thứ trưởng Bùi Thế Duy: Tôi rất cảm ơn bạn về tinh thần và sự sẵn sàng đóng góp. Có rất nhiều cách đóng góp khác nhau và trong đó, không ít cách làm trực tiếp. Trong giai đoạn này, mọi việc đã bình ổn hơn. Vì vậy, một trong những việc bạn có thể tham gia là tìm hiểu những phần mềm hỗ trợ chống dịch trực tiếp.

  • - Xin chúc mừng thành công cuộc chiến chống dịch của ta. Nhưng, trong những điểm sáng thì vẫn có điểm tối. Thẳng thắn nhìn nhận thì vụ việc nâng khống thiết bị xét nghiệm của CDC HN là một điểm tối, điểm đen. Là một điều dưỡng, tôi thực sự bàng hoàng, đau xót. Nhưng là một người dân tôi phẫn nộ. Ông nói gì với người dân chúng tôi về việc này? (Thu Huệ, 28 tuổi, Hà Nội)

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Tôi hoàn toàn chia sẻ với cảm xúc của độc giả. Tôi rất đau xót và giận vì khi toàn ngành y tế, toàn dân đang cùng nhau góp sức chống dịch mà lại có các hành vi như vậy. Nhưng ngành y tế gồm mấy trăm nghìn người, do đó, không thể tránh khỏi một số người lầm lỗi, thậm chí hư hỏng.

    Khi có bệnh nhân Trúc Bạch, có một ổ dịch ở Bình Thuận, chúng tôi nhận được tố giác về điều này. Bộ Y tế đã ngay lập tức có văn bản gửi Bộ Công an và trao đổi trực tiếp với các đồng chí lãnh đạo bộ.

    Lúc chúng tôi nhận thông tin, người phản ánh còn gửi gắm rằng đừng để những người làm việc chân chính, thật thà phải thất vọng. Vì vây, chúng tôi đã hành động. Một số người còn góp ý với tôi, thời điểm những người trong lực lượng chống dịch đang làm rất tốt, việc xử lý vi phạm là không khôn ngoan, nhưng tôi tin vào những điều tốt đẹp.

  • - Bộ Y tế đánh giá như thế nào về vụ lây nhiễm ở Bênh viện Bạch Mai? (Vũ Vinh, 60 tuổi, TP HCM)

    Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn: Sau khi Bệnh viện Bạch Mai có sự cố lây nhiễm nhân viên vệ sinh và người nhà và một số nhân viên, chúng tôi đã họp Bộ Y tế và báo cáo Ban chỉ đạo. Ban chỉ đạo đã có những chỉ đạo quyết liệt và truy vết thần tốc. Thân nhân ở tại chỗ bệnh nhân đều được xét nghiệm rất nhanh chóng với Covid-19 và những trường hợp dương tính đều được chuyển Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương để cứu chữa.

    Chúng tôi đánh giá đây là bệnh dịch diễn ra ở tại một cơ sở y tế của Việt Nam. Đây là điều đáng tiếc. Qua đó, chúng tôi đã tăng cường kiểm soát các tiêu chí và tình trạng đảm bảo an toàn y tế đối với các cơ sở y tế ở tại Việt Nam.

    Bác hỏi bây giờ thì tôi nghĩ đây điều đáng tiếc vì chúng ta để dịch bệnh xảy ra trong cơ sở y tế và trong đó có trách nhiệm của nhà quản lý y tế. Đây là lớn bài học cho chúng tôi, rút kinh nghiệm trong thời gian tới làm sao để kiểm soát được tình hình các bệnh dịch, không để xảy ra trong cơ sở.

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta luôn luôn sẵn sàng và thực hiện thật nghiêm công tác phòng chống dịch. Mọi người luôn phải tự lên dây cót, không thấy dịch được kiểm soát mà chùng xuống. Từng bệnh viện, cơ sở thường xuyên rà soát và cập nhật trên bản đồ Covid-19 để nhắc nhở bản thân mình.

  • - Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ đã làm gì chuẩn bị cho việc tiêm vaccine cho toàn dân? (Đào Bách, Hải Phòng)

    Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Vaccine vẫn là câu chuyện của tương lai, nhất là toàn dân thì còn tương lai xa nữa. Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, chủ trương không thể tiêm đồng loạt và tiêm quá nhiều. Đây không chỉ vấn đề kinh phí mà là không có vaccine, nên chỉ tiêm cho những đối tượng ưu tiên, những người tiếp xúc nhiều và có nguy cơ cao hơn. Còn tiêm cho toàn dân thì đấy là câu chuyện không phải một sớm một chiều.

  • - Khi nào việc tiêm vaccine phòng Covid-19 ở Việt Nam sẽ bắt đầu? (Hiền Thu, 29 tuổi, Quảng Nam)

    - Thứ trưởng Sơn: Toàn Đảng, Chính phủ Việt Nam cũng quan tâm đến việc khi nào chúng ta có vaccine. Ở Việt Nam, ngay từ khi thế giới có những phát minh đầu tiên của một số hãng dược lớn, Chính phủ đã có sự chỉ đạo về việc chủ động tiếp cận.

    Tại Việt Nam, chưa bao giờ chúng ta công nhận các kết quả vaccine, thử nghiệm lâm sàng với quy trình nhanh. Nhưng chúng ta phải hiểu nhanh nhưng phải đúng với quy trình thử nghiệm lâm sàng. Do đó, chúng tôi vẫn tiếp cận các đơn vị cung ứng vaccine trên thế giới để lên kế hoạch nhập khẩu. Tuy nhiên chưa thể công bố do bản quyền thương mại.

    Chúng tôi hy vọng, nửa cuối 2021 chúng ta sẽ có vaccine để cung ứng cho các đối tượng có nguy cơ cao. Chúng tôi cũng đang thúc đẩy thử nghiệm vaccine ở một số quốc gia. Cuối 2021, đầu 2022, chúng tôi kỳ vọng vaccine của Việt Nam có thể đưa vào sử dụng.

Nguồn tin: vnexpress.net


Bình Thuận   Bệnh viện   Chính phủ   Covid   Covid-19   Công an   Công nghệ   HCM   Hà Nội   Trung Quốc   Việt Nam   chuyên gia   căng thẳng   doanh nghiệp   dịch vụ   hành vi   sản xuất   Đà Nẵng  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...