18/10/2020 20:10  
Con gái vùng biển miền Trung da ngăm bánh mật duyên ngầm, tóc hoe vàng cháy nắng, “ ăn sóng nói gió”, cười nói rộn ràng. Con gái miền Trung dáng người đậm đà, khỏe khoắn chứ không mỏng mảnh như con gái miền Tây “dáng dừa Bến Tre”.
Dân miền Trung nổi tiếng là ham học và chăm chỉ và cũng nổi tiếng là tiết kiệm, chịu thương chịu khó.
Bởi đó là cách duy nhất để họ đứng lên, để tồn tại ở miền đất không được thiên nhiên ưu đãi như các miền đất khác trên dải đất chữ S quê hương mình.
Mùa nắng là những đồi cát trắng với gió Lào “táp cháy mặt”. Dằng dặc những đồng ruộng khô nẻ, những đồng cỏ cháy với những đàn bò đói gầy trơ xương chật vật đi kiếm miếng ăn mà mỗi lần có dịp đi qua tôi phải quay mặt không dám nhìn.
Lũ lụt là "đặc sản" không hề mong muốn của miền Trung! Mùa mưa gần như không năm nào không có những cơn bão dày xéo trên dải đất hẹp này. Những cơn mưa như trút nước “ thối đất thối cát” cùng những dòng nước lũ ập liên tiếp cuốn phăng đi tất cả.
Tôi đã mơ hồ nhận ra số phận khắc nghiệt của miền Trung mình từ những năm lớp 7 lớp 8 khi loa trường THCS Thái Nguyên thông báo về trận “đại hồng thủy” 1999 với những mất mát không kể xiết về người và của. Cùng lời kêu gọi sự đóng góp từ phụ huynh và các em học sinh.
Trời ơi! Đồng bào miền Trung đã nghèo mà còn nghèo hơn sau mỗi trận hạn hán, sau mỗi trận lụt. Nào là đàn gà cố gắng nuôi lớn để đủ tiền cho thằng Út đang học ở Sài Gòn, con bò bán đi để con Hai sắp đẻ, để lợp lại mái nhà… Tất cả vốn liếng ít ỏi, giấc mơ nhỏ bé đều tan biến hết.
Lớn lên tôi ý thức rõ hơn về điều này, về những mảnh đời bất hạnh trong những cơn bão biển, trong những ngày nắng rát da ở cái xứ xở “ chó ăn đá gà ăn sỏi”, con người phải “bám đất bám cát” dưới cái nắng gió Lào đen khô róc người, phải luôn “bán mặt cho đất bán lưng cho trời” để mưu sinh.
Tôi cảm nhận hơn sự thay đổi khốc liệt của biển. Không chỉ là những con sóng hiền hòa lấp lánh dưới màu nước xanh biếc mà biển miền Trung quê tôi còn có một mặt tối khác có thể nuốt chửng những sinh linh bé nhỏ bám trụ sống nhờ lộc biển.
Thương thay phận đời của những người đàn bà làng chài, mỗi lần chồng ra biển là có thể trở thành góa phụ. Những đứa trẻ con của ngư phủ mồ côi trước khi hiểu chuyện lớn lên lại tiếp tục nối nghiệp người cha quá cố trong cái vòng xoay đói nghèo. Những vòng tang trắng, những tiếng khóc lạc giọng đến lã người trên bờ biển để ngóng đợi chấm đen của con tàu có chồng, cha, anh trở về. Tôi vô cùng thấu hiểu sự khắc khoải mong đợi của họ bởi đó cũng chính là sự khoắc khoải của mẹ con tôi những ngày cha lênh đênh trên biển trong mùa mưa gió.
Hôm nay đọc báo, tin người vợ đi đẻ bị nước cuốn mất, người chồng gục ngã trên bờ, mắt mờ đục thất thanh gào khóc tìm vợ với hy vọng mong manh, rồi cuối cùng cái tìm được là xác người vợ thân yêu và đứa con đáng lẽ phải được chào đời. Tôi rơi nước mắt! Biết làm sao được trước cái khốc liệt của cuộc đời!
Những đứa con miền Trung ơi, đặc biệt những đứa con xa xứ, có ai mà không kìm được sự thổn thức khi nghe bản nhạc “Thương về miền Trung”.
“Đã bao lâu rồi không về miền Trung thăm người em…
Dẫu xa muôn trùng tôi vẫn còn thương sao là thương”
Chúng ta phải làm gì đây để biến niềm nhớ thương kia trở thành những hành động cụ thể thiết thực cho quê nhà? Khi những tấm lòng đã mở sẵn vì khúc ruột miền Trung thì còn chờ gì nữa mọi người!

Nguồn tin: thanhnien.vn


Bến Tre  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...