26/01/2021 7:45  

 

Ba mục tiêu, 26 chỉ tiêu

Đồng chí Nguyễn Thành Phong cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định 3 mốc mục tiêu cụ thể theo tầm nhìn đến năm 2045 của Trung ương, đó là: 

- Đến năm 2025: Thành phố là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người khoảng 8.500 USD.

- Đến năm 2030: Là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, GRDP bình quân đầu người khoảng 13.000USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

- Tầm nhìn đến năm 2045: Trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của Châu Á, phát triển bền vững, có chất lượng cuộc sống cao, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Để thực hiện mục tiêu nêu trên, trước mắt, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Thành phố đã đề ra 26 chỉ tiêu phát triển trên 05 lĩnh vực, như: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn thành phố (GRDP) bình quân hàng năm khoảng 8%; kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của Thành phố; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt 7%/năm; tỷ lệ người dân hài lòng với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước ở từng lĩnh vực đạt 95% trở lên,…

Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế

Trên cơ sở những chỉ tiêu đã đề ra, theo ông Nguyễn Thành Phong, TP HCM sẽ tập trung thực hiện các nội dung trọng tâm, cụ thể như sau:

Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế để phát triển kinh tế Thành phố nhanh và bền vững trên cơ sở nghiên cứu và ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và tăng năng suất lao động với các nội dung chính như sau:

(1) Tập trung phát triển nhanh các ngành kinh tế chủ lực của Thành phố, có giá trị gia tăng cao như ngành dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch,…

Xây dựng và chia sẻ cơ sở dữ liệu dùng chung để khai thác, quản lý hiệu quả, tiết kiệm trong vận hành các hoạt động dịch vụ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Thành phố trong khu vực.

(2) Triển khai thực hiện Đề án phát triển Thành phố Hồ Chí Minh trở thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế. Chủ trương này đã được đưa vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030.

(3) Chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng khuyến khích sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, phần mềm, sản phẩm số. Đây là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động và tài nguyên đất đai.

Tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa và các ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết để mở rộng, thúc đẩy xuất khẩu.

 

(4) Hoàn thiện các chính sách để thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, thương hiệu của Thành phố, hỗ trợ các doanh nghiệp của Thành phố có uy tín, đủ năng lực tham gia cạnh tranh trên thị trường khu vực và quốc tế.

(5) Xây dựng Thành phố thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo lớn nhất cả nước, đi đầu trong việc tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển mạnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn.

Thông qua việc phát huy tối đa các lợi thế sẵn có và đầu tư bổ sung cho Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông Thành phố - thành phố Thủ Đức trở thành một cực tăng trưởng mới cho Thành phố và cả Vùng

(6) Tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tăng hàm lượng khoa học, công nghệ trong các công đoạn nhằm mang lại giá trị gia tăng cao trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số. Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu của Thành phố.

Từng bước chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp theo hướng tự động hóa, quy trình sản xuất thông minh và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Tiến hành các bước quy hoạch và xây dựng mới các khu công nghiệp có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao và thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

(7) Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị hiện đại, bền vững gắn với chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Thành phố ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sạch; ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giống cây, giống con đạt chất lượng và năng suất cao để xây dựng Thành phố trở thành trung tâm giống cây, giống con lớn của khu vực; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí nông thôn mới phù hợp với tốc độ đô thị hóa ở nông thôn của Thành phố.

(8) Phát huy tối đa lợi thế kinh tế biển và khu vực ven biển; khẩn trương triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Đây là một hướng phát triển mới về kinh tế gắn với bảo vệ môi trường của Thành phố.

(9) Huy động và khai thác mạnh mẽ tiềm năng các nguồn lực trong nước, ngoài nước để đầu tư phát triển thành phố.

Đề xuất cơ chế điều phối, hợp tác Vùng hiệu quả trên nguyên tắc nhận diện đúng lợi thế cạnh tranh từng địa phương, các địa phương cùng chia sẻ lợi ích và hợp tác giữa các địa phương tạo ra lợi thế mới cho các bên.

Phát huy vai trò nòng cốt của thành phố trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phấn đấu xây dựng thành phố sớm trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Chú trọng nhân lực chất lượng cao

Nội dung trọng tâm thứ hai, theo Chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Phong là phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững. Trong đó, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ quốc tế ở 8 lĩnh vực ưu tiên (công nghệ thông tin - truyền thông, cơ khí - tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, quản trị doanh nghiệp, tài chính - ngân hàng, y tế, du lịch và quản lý đô thị); tiếp tục phát huy vai trò trung tâm giáo dục - đào tạo của cả nước.

Phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là động lực chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên các lĩnh vực ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ 5G và sau 5G.

"Đặc biệt, chúng tôi sẽ xây dựng Thành phố trở thành một không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu thường xuyên, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác.
Quan tâm nâng cao sức khỏe cho người dân cả về tầm vóc, tinh thần, tuổi thọ cũng như chất lượng cuộc sống; phát triển Thành phố trở thành trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực Đông Nam Á", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Giải pháp thứ 3, là phát huy hiệu quả mọi nguồn lực phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, gắn công tác quy hoạch với tổ chức thực hiện quy hoạch, xem quy hoạch là công cụ quan trọng để quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội.

Tiếp tục phát triển ngành xây dựng, đẩy mạnh chỉnh trang và phát triển đô thị, xây dựng mới các chung cư cũ, triển khai các dự án phát triển nhà ở xã hội, thu hút đầu tư xây dựng các khu đô thị mới: Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị Nam thành phố, Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa, Khu đô thị lấn biển Cần Giờ.

Nâng cao hiệu quả công tác giảm ngập nước và ứng phó với biến đổi khí hậu, tập trung xây dựng thành phố sạch và xanh, thân thiện với môi trường; chú trọng phát triển giao thông, giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông;

Tiếp tục triển khai đảm bảo tiến độ Đề án xây dựng đô thị thông minh đồng bộ với phát triển kinh tế số và xã hội số.

Một số nội dung trọng tâm khác sẽ được TP HCM thực hiện, theo ông Nguyễn Thành Phong, bao gồm: Luôn đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, môi trường hòa bình trong mọi tình huống, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố; đẩy mạnh cải cách hành chính với những giải pháp thiết thực, cụ thể, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo đánh giá hiệu quả công tác cải cách hành chính; Thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện, phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số.

"Thành phố tin tưởng rằng sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ của Trung ương, sự nỗ lực phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới của người dân, doanh nghiệp Thành phố và sự hợp tác cùng phát triển của các địa phương, bạn bè quốc tế sẽ là nguồn sức mạnh tổng hợp, động lực to lớn giúp Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện tốt các mục tiêu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đưa đất nước phát triển và bền vững, ngày càng nâng cao uy tín, vai trò, vị thế trên trường quốc tế", ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

 

 

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


HCM   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   quy hoạch   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...