11/02/2021 21:25  
Thời tiết cả nước thuận lợi cho các hoạt động ngoài trời, song đường phố ở Hà Nội, TP HCM... đêm 30 vắng vẻ hơn nhiều so với mọi năm.
Mới nhất Cũ nhất
  • 21h15

    Thánh lễ trong đêm 30 ở Đà Nẵng

    Đêm 30 Tết, người Công giáo trên cả nước sẽ đến nhà thờ dự thánh lễ tạ ơn cuối năm. Giờ làm lễ được cử hành khác nhau, trong đó nhiều giáo xứ tổ chức muộn để canh thức Giao thừa.

    Tại giáo xứ Chính Trạch (Giáo phận Đà Nẵng), thánh lễ được tổ chức lúc 19h30, kéo dài hơn một tiếng, để người dân về đón Giao thừa tại nhà mình. Hơn 800 người được yêu cầu đeo khẩu trang suốt thánh lễ, sát khuẩn tay trước khi vào thánh đường.

    Linh mục quản xứ Antôn Trương Gia Ninh cho biết, không riêng gì thánh lễ cuối năm mà giáo dân đến dự lễ trong ba ngày Tết bắt buộc đeo khẩu trang; hạn chế tụ tập trong dịp Tết để chung tay với cả nước phòng chống dịch.

    Trong bài giảng, cha Antôn nhắc giáo dân phải biết tri ân và cảm ơn những người ở tuyến đầu chống dịch, đó là những nhân viên y tế trong bệnh viện, khu cách ly, những nhân viên trực chốt kiểm dịch... Họ không được đón Tết đoàn viên nhưng vẫn vững vàng thực hiện nhiệm vụ để người dân cả nước được đón năm mới đoàn viên.

    Cha xứ Chính Trạch cũng chia sẻ với nhiều giáo dân xa quê đã quyết tâm ở lại thành phố ăn Tết, hạn chế đi lại để chung tay phòng chống dịch bệnh; nhắc nhở giáo dân cầu nguyện cho dịch bệnh sớm chấm dứt ở Việt Nam cũng như thế giới để mọi người được sống trong bình an.

  • 21h02

    Thừa Thiên Huế

    Tối 30 Tết, gần 10 thành viên trong gia đình ông Trương Quang Ngọc, 63 tuổi phường An Đông, TP Huế cùng dùng bữa cơm tất niên cuối năm.

    Đón Tết Tân Sửu, ông Ngọc đã tự tay gói bánh chưng, bánh tét để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Bàn thờ của gia đình cũng được ông lau chùi sạch sẽ, bố trí hoa quả. Hai ngày trước, anh Trương Quang Nhật, 36 tuổi ở Tuy Hoà (Phú Yên) dẫn theo con gái ra ăn Tết cùng.

    Trong bữa cơm, mọi thành viên trong gia đình vui vẻ sẻ chia cuộc sống năm qua. Câu chuyện về Covid-19 được nhiều thành viên trong gia đình nhắc đến.

    Sau bữa cơm tất niên, bà Hồ Thị Khánh Thu cũng tranh thủ chuẩn bị mâm cổ để tối cúng giao thừa. Ngoài mâm ngũ quả, bà cũng nấu thêm xôi chè và làm bánh lọc gói. Theo phong tục của người Huế, bà cũng chuẩn bị ít đồ vàng mã như giấy tiền, bộ đồ cúng giao thừa.

  • 21h00

    Người dân Sài Gòn ngắm đường hoa Nguyễn Huệ từ xa

    Người dân Sài Gòn tập trung về khu vực đài phun nước của phố đi bộ Nguyễn Huệ và Nhà hát lớn TP HCM để vui chơi, chụp ảnh. Do năm nay đường hoa phố đi bộ Nguyễn Huệ đóng cửa từ 17h nên nhiều người dân phải ngắm nhìn các tiểu cảnh từ xa.

    Tại nhà thờ Đức Bà, đội trật tự đô thị cùng Công an quận 1 liên tục nhắc nhở người dân đeo khẩu trang khi chụp ảnh, không tập trung đông người.

    Cùng con trai đi chụp ảnh, chị Hằng, ngụ quận Gò Vấp cho biết, năm nay chị khá tiếc không không được xem pháo bông chào năm mới như thường lệ. " Bây giờ ưu tiên chống dịch. Hy vọng năm sau mọi thứ ổn định, thành phố sẽ bắn pháo hoa hoành tráng hơn", chị Hằng nói.

  • 20h45

    Hà Nội 

    Đêm 30, tiết trời thủ đô se lạnh, khoảng 20 độ C, đường phố vắng vẻ hơn so với ngày thường.

  • 20h40

    Tết trong khu cách ly ở Hải Dương

    Từ chiều 30 Tết, 9 thành viên trong phòng cách ly ở Trung tâm giáo dục thường xuyên TP Chí Linh bày bánh kẹo, bánh chưng được tặng lên bàn học đặt ngay trong phòng để cùng mọi người đón Tết.

    Tình hình dịch bệnh căng thẳng nên khu cách ly không tổ chức cho các phòng giao lưu, phòng nào ở cố định phòng đó. Trong buổi chiều, nhiều người tranh thủ gọi cho người thân để chúc Tết, chúc sức khoẻ. Anh Phan Kiên (quê Hải Dương) cho biết đây không phải là lần đầu tiên đón Tết xa nhà nhưng là lần đón Tết "đặc biệt nhất".

    "Không được ở cùng vợ con trong giờ phút như thế này tôi thấy rất nhớ, rất muốn về nhà nhưng để đảm bảo an toàn cho cộng đồng tôi sẵn sàng thực hiện tốt việc cách ly này", anh Kiên nói.

  • 20h35

    Tết ở bệnh viện dã chiến điều trị Covid-19

    Trong khi các gia đình quây quần trong đêm 30 để đón giao thừa, nhiều nhân viên y tế - những người ở tuyến đầu chống dịch Covid-19, đón Tết trong bệnh viện và các cơ sở cách ly. Tại bệnh viện dã chiến số 2 ở tỉnh Quảng Ninh, các bác sĩ, y tá đang điều trị cho 26 ca dương tính nCoV, và phục vụ cách ly 249 F1.

  • 20h30

    Người dân Cần Thơ tham quan đường hoa xuân trước giờ đóng cửa

    Đường phố Cần Thơ đêm 30 Tết khá đông đúc nhưng không bằng đêm giao thừa các năm trước. Để hạn chế tập trung đông người phòng chống Covid-19, TP Cần Thơ huỷ chương trình nghệ thuật đón giao thừa và bắn pháo hoa chào năm mới nên lượng người đổ ra các tuyến đường trung tâm không nhiều.

    Các tuyến đường trung tâm Cần Thơ như đại lộ Hoà Bình, 30 tháng 4, 3 tháng 3, Trần Hưng Đạo, Hùng Vương có lượng xe khá đông hơn ngày thường nhưng không xảy ra tình trạng ùn ứ cục bộ. Khá đông cảnh sát được bố trí tại các khu vực xung yếu để điều tiết, phân luồng giao thông.

    Nhiều người đổ về khu vực cồn Cái Khế, quận Ninh Kiều để tham quan đường hoa trước khi đóng cửa lúc 22h. Tại đây, tất cả điều tập trung tại khu vực cổng chính và cổng phụ, được kiểm tra thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và bắt buột phải đeo khẩu trang trước khi vào đường hoa.

    Ông Nguyễn Thanh Phong ở quận Ô Môn TP Cần Thơ chạy xe máy chở vợ con vượt 20 km dao quanh khu vực trung tâm thành phố rồi tham quan đường hoa xuân. Ông Phong cho biết, liên tục 5 năm qua, gia đình tôi đều xuống trung tâm đón giao thừa, xem bắn pháo hoa tầm cao. Đường phố trang hoàng đẹp mắt nhưng do dịch bệnh nên lượng người ít quá.

    "Tôi tranh thủ đưa vợ con xem đường hoa vì nghe thông báo 22h sẽ đóng cửa. Tại đây, mọi người đều xếp hàng trật tự để được đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn và ai cũng phải đeo khẩu trang", ông Phong nói và cho miết mong sao dịch bệnh sớm được kiểm soát và chấm dứt để người dân yên tâm làm ăn.

    Sáng 30 Tết, UBND TP Cần Thơ quyết định dừng hoạt động đường hoa vào lúc 22h cùng ngày, sớm hơn 5 ngày so với kế hoạch. Việc làm này nhằm hạn chế tập trung đông người, phòng chống Covid-19.

    Đường hoa nghệ thuật Cần Thơ tại đường cặp sông Hậu, quận Ninh Kiều, rộng 14 m, dài 240 m, gồm 40 mô hình lớn nhỏ, với hơn 50.000 giỏ hoa các loại, khai mạc tối 27 Tết (8/2), theo kế hoạch sẽ phục vụ người dân và du khách đến mồng 5 Tết (16/2). Tình hình dịch Covid-19 nên lượng khách tham quan đường hoa xuân Tân Sửu 2021 giảm khoảng 50%.

  • 20h30

    Người dân Đà Nẵng xuống phố sớm

    Từ chiều 30 Tết, nhiều người dân ở trung tâm TP Đà Nẵng đã đóng cửa tiệm buôn bán, dành thời gian trang trí lại nhà cửa, mua sắm thêm một số vật dụng cần cho ngày Tết. Do ảnh hưởng của dịch, không khí đón năm mới ở thành phố du lịch chùng xuống so với năm trước. Dù vậy, nhiều người đã kéo nhau đến đường hoa xuân ven sông Hàn để đi chụp ảnh, du xuân Sớm.

    Chị Trần Thị Sáng, giáo viên trường THCS Lý Thường Kiệt (Đà Nẵng) cho biết 14 năm vào Đà Nẵng học đại học và đi dạy học, đây là lần đầu tiên hai vợ chồng không về quê nhà Thanh Hoá đón Tết cổ truyền cùng gia đình. "Gia đình tôi đã mua vé từ trước Tết nhưng do tình hình dịch bệnh nên quyết định huỷ vé để ở lại", chị Sáng nói.

    Vì lần đầu ăn Tết xa quê nên hai vợ chồng cũng có chút bỡ ngỡ. Nhưng đã cùng nhau chuẩn bị đón Tết, từ cùng nhau dọn dẹp, trang trí lại nhà cửa, sắm thêm càn mai và vài chậu hoa đến việc cùng nhau gói giò, nấu thịt đông vì đây là "món ăn không thể thiếu trong ngày Tết ở quê mình".

    Dù đón Tết xa nhà, nhưng hai vợ chồng thường xuyên gọi điện thoại về cho hai bên gia đình nội ngoại. "Ban đầu nghe tin nhà mình không về, ông bà nội ngoại cũng có chút buồn vì nhớ con cháu, nhưng cũng động viên vì tình hình dịch bệnh chung", chị Sáng nói.

    Tết năm nay, gia đình chị Sáng dự định tới chúc Tết nhà họ hàng, bạn bè thân thiết, hạn chế tới chỗ đông người. "Sang năm mới, mình mong ước gia đình và người thân bình an, mạnh khoẻ và nhất là nhanh hết dịch bệnh để đưa con trai về thăm ông bà", chị chia sẻ.

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Công an   HCM   Hà Nội   Việt Nam   căng thẳng   du lịch   dân Sài Gòn   hành vi   Đà Nẵng   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...