10/10/2020 6:20  
Không đủ doanh số, thay mẫu mới là nguyên nhân khiến các hãng xe bắt buộc giảm giá để đẩy hàng, gia tăng lượng xe bán ra. Dự đoán, mùa xe cuối năm sẽ có nhiều mẫu xe giảm giá mạnh để kéo khách.

Theo báo cáo doanh số bán hàng 8 tháng 2020 của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), có 12 mẫu xe chiến lược về doanh số của các hãng có lượng tiêu thụ thấp hơn kỳ vọng và suy giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Việc những mẫu xe "đinh" giảm doanh số đã và đang kéo theo doanh số của doanh nghiệp, hãng suy giảm mạnh. Để cứu vớt doanh thu, lợi nhuận, bắt buộc các hãng phải giảm giá, đẩy xe trong mùa xe cuối năm.

Nhiều hãng mất doanh số, suy giảm doanh thu, lợi nhuận

Đầu tiên là Mitsubishi, ngoài Xpander vẫn có doanh số cao, dự đoán không phải giảm giá, hãng xe này còn có hai mẫu xe có doanh số đáng thất vọng là Outlander và Pajero Sport.

8 tháng, Outlander chỉ bán được ra chưa đầy 1.900 chiếc, trong khi cùng kỳ là hơn 2.300 chiếc; Pajero Sport bán được hơn 390 chiếc, trong khi cùng kỳ năm 2019 doanh số bán ra của mẫu xe này là gần 600 chiếc.

Hiện Outlander và Pajero đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh với doanh số cực cao, đối thủ của Outlander là Tucson của Hyundai, CX5 của Mazda đang có doanh số vượt trội. Cùng đó là hai mẫu mới Seltos của Kia và XL7.

Đối với Pajero, mẫu xe này luôn trong thế phải rượt đuổi doanh số của Toyota Fortuner, Ford Everest hay Hyundai SantaFe. Trong hai tháng trở lại đây, các mẫu Outlander và Pajero đều được các đại lý giảm giá, có thời điểm Pajero được giảm 200 triệu đồng/chiếc để đẩy hàng tồn, đón mẫu mới.

Đối với Toyota, dù doanh số không không tụt dốc mạnh, nhưng tựu chung một số mẫu xe chiến lược của ông lớn này cũng không nằm ngoài xu hướng. Altis, Innova và Fortuner đều hao hụt lượng bán ra, riêng mẫu Altis hiện đang phải cạnh tranh với Mazda 3, Hyundai Elantra, Honda Civic hay Kia Cerato nên nếu muốn tăng doanh số, giảm giá là bắt buộc.

Altis trong 8 tháng qua chỉ bán được gần 1.300 chiếc, trong khi cùng kỳ là hơn 2.500 chiếc, các mẫu xe cùng phân khúc kể trên đều đang ở vị trí bám đuổi hoặc lượng tiêu thụ vượt trội.

Mẫu Innova là nạn nhân của Xpander, hoặc có thể là Suzuki XL7, Ertiga nếu không tự cải thiện mình. Doanh số bán ra 8 tháng qua của Innova chỉ đạt 3.000 chiếc, trong khi cùng kỳ là hơn 7.600 chiếc. Sự suy giảm đáng báo động.

Mẫu Fortuner dù không chịu nhiều áp lực cạnh tranh với Ford Everest hay Mitsubishi Pajero, Nissan Terra, song doanh số hàng "hot" của Toyota trong 8 tháng qua đã sụt giảm mạnh, chỉ đạt 4.600 chiếc, giảm gần 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Trong cơ cấu doanh số bán hàng của Toyota, nhiều năm trước bộ ba Vios, Innova và Fortuner luôn "gánh" doanh số cho cả hãng. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay, vai trò của các dòng xe chiến lược này thực sự bị thách thức.

Với hãng Ford, hai mẫu có doanh số bán ra cao như EcoSport và Everest 8 tháng qua cũng suy giảm mạnh, EcoSport chỉ bán được hơn 1.500 chiếc, giảm gần 50%, Everest chỉ bán được gần 2.900 chiếc, giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước.

Giảm giá, đẩy hàng là con đường tất yếu?

Hiện, đối với Ford, việc suy giảm doanh số hai mẫu xe trên khiến thị phần hãng này bị ảnh hưởng. EcoSport từ mẫu xe đa dụng đô thị hàng đầu, nhưng nay phải cạnh tranh quyết liệt bởi Kona của Hyundai, Honda HRV, Kia Rondo...

Trong khi Everest, dù tung 4 biến thể: Ambiente, Trend, 1 cầu và 2 cầu cũng phải liên tục giảm giá để cạnh tranh với Toyota Fortuner lắp ráp trong nước có lợi thế lớn nhờ giảm phí trước bạ

Hai thương hiệu xe lắp ráp trong nước của Thaco là Kia và Mazda cũng có một số mẫu xe chiến lược bị sụt giảm doanh số bán ra. Mazda 3 chỉ bán được 4.900 chiếc trong 8 tháng, thấp hơn gần 4.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

CX5 chỉ bán được hơn 5.000 chiếc, giảm hơn 2.000 chiếc so với cùng kỳ năm trước, mẫu Sorento cũng chỉ bán được hơn 730 chiếc, giảm gần 200 chiếc so với cùng kỳ năm trước.

Mới đây Sorento đưa ra thị trường mẫu xe năm 2021, mức giá dao động từ hơn 1 tỷ đồng đến 1,3 tỷ đồng, mức giá "động chạm" đến nhiều đối thủ trên thị trường và dự báo có khó khăn nhất định. Trong khi, mẫu Mazda 3 hay CX5 được giảm giá nhỏ giọt để bù đắp sự hao hụt doanh số, giữ thị phần

8 tháng qua, thất vọng về doanh số nhất phải kể đến Honda CRV, mẫu này chỉ bán được 4.800 chiếc, giảm 50% so với cùng kỳ năm trước trong khi đây là một trong những mẫu ăn khách nhất tại Việt Nam trong vài năm trở lại đây.

Một số người am hiểu thị trường xe cho biết, việc các mẫu xe chiến lược mất doanh số thời gian qua một phần do dịch nhưng quan trọng nhất vẫn là cạnh tranh thị trường và giá cả. Đối thủ của CRV trên thị trường hiện đã có khá nhiều CX5, SantaFe hay Peugeot 5008... và đang tiếp tục được mở rộng, điều này thực sự đe dọa chỗ đứng, thị phần của mẫu Crossover từng được yêu thích nhất tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều đại lý tại Hà Nội cho biết, đến cuối năm để giải phóng hàng tồn đọng và kích thích doanh số, hàng tháng các hãng sẽ có khuyến mãi cho mẫu xe khác nhau và mức khuyến mãi sẽ nhỏ giọt chứ không giảm kiểu "sập sàn", tháo hàng để đón mẫu mới.

An Linh

Nguồn tin: dantri.com.vn


CX5   Ertiga   Hiệp hội   Honda   Hyundai   Hà Nội   Innova   Kona   Mazda   Suzuki   Toyota   Việt Nam   XL7   Xpander   chiến lược   doanh nghiệp   sản xuất   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...