14/10/2020 6:50  
Không phải khủng bố, chương trình hạt nhân hay Covid-19, điều khiến nhiều quan chức EU lo ngại là 4 năm nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump.

"Đừng hoảng loạn", Wolfgang Ischinger, cựu đại sứ Đức tại Mỹ, nói. "Thế giới sẽ không kết thúc như một số người gợi ý".

Ischinger là người tổ chức Hội nghị An ninh Munich hàng năm, cuộc nhóm họp hàng đầu của các lãnh đạo thế giới để thảo luận về vấn đề chiến tranh và hòa bình. Nhưng ông đã không đề cập tới những lo ngại về hạt nhân, khủng bố hay thậm chí Covid-19. Điều lo sợ có thể cảm nhận được trong nhóm quan chức hàng đầu về chính sách đối ngoại của châu Âu là 4 năm nhiệm kỳ hai của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Khi nói tới Tổng thống Trump, người châu Âu hiểu điều chắc chắn duy nhất là không có gì chắc chắn. "Mọi người đều lo ngại về sự khó đoán định của Nhà Trắng", Lauri Lepik, nhà ngoại giao Estonia, người từng là đại sứ ở Washington và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nói về khả năng Trump đắc cử nhiệm kỳ hai. "Mọi người hiểu ông ấy không coi trọng các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương hoặc ông ấy chỉ coi trọng chúng về khía cạnh tiền bạc".

Thậm chí với những người như Ischinger, người khẳng định rằng thế giới sẽ không kết thúc dù Trump tiếp tục làm tổng thống Mỹ thêm 4 năm, cũng không phủ nhận mối quan hệ giữa Mỹ và châu Âu đang ở mức thấp kỷ lục. "Mối quan hệ dựa trên niềm tin này có xu hướng dần tan vỡ trong hơn ba năm rưỡi qua", Ischinger nói.

Kết quả nhiều cuộc khảo sát cho thấy ông chủ Nhà Trắng đang bị đối thủ đảng Dân chủ Joe Biden dẫn trước, nhưng chút hy vọng này không đủ xua đi nỗi sợ hãi lớn hơn: Tổng thống Trump có thể thua, song sẽ tranh cãi về kết quả và từ chối rời nhiệm sở.

Tuy nhiên, khả năng đơn giản hơn rằng ông Trump trở lại đầy mạnh mẽ sau cuộc chiến với Covid-19 để giành chiến thắng bầu cử, đã đủ đáng sợ đối với nhiều quan chức châu Âu.

Mối quan hệ giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) càng trở nên xa cách sau khi ông Trump sa thải đại sứ Mỹ ở EU Gordon Sondland, quan chức làm chứng chống lại ông trong bê bối xem xét bãi nhiệm.

Quyền đại sứ Rondla Gidwitz, đồng thời là đại sứ Mỹ tại Bỉ, từng thừa nhận ông rất ít tiếp xúc với quan chức cấp cao của EU, một phần bởi đại dịch và một phần do vị trí của ông chỉ là tạm thời. Kể từ khi bổ nhiệm hồi tháng 5, ông Gidwitz cho biết ông chưa từng nói chuyện với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Nhưng quyền đại sứ Gidwitz cảnh báo những người châu Âu mong chờ Trump thất cử đừng đánh giá quá thấp Tổng thống Mỹ. "Công bằng mà nói tất cả những nhà tiên đoán đều nói rằng đây sẽ cuộc bầu cử cạnh tranh sát sao", ông nói.

"Tất cả họ đều từng nói Trump thua năm 2016", đại sứ Mỹ nói và nở nụ cười. "Nhưng ông ấy vẫn ở đây".

Nếu thêm 4 năm nhiệm kỳ, nhiều người châu Âu hiểu về chính sách cho rằng Tổng thống Trump sẽ tăng cường nhiều chính sách theo chủ nghĩa dân tộc "Nước Mỹ trước tiên", đồng thời tấn công không ngừng vào chủ nghĩa đa phương và thỏa thuận quốc tế.

"Nếu Trump tiếp tục nhiệm kỳ hai, nó sẽ cho ông ấy thời gian và cơ hội để đưa rất nhiều thứ ông ấy từng làm về chính sách đối ngoại, chứ chưa nói tới vấn đề đối nội, thành luật", một nhà ngoại giao cấp cao của châu Âu cho biết.

Việc Tổng thống Mỹ rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris sẽ chính thức có hiệu lực. Thỏa thuận hạt nhân Iran mà các cường quốc châu Âu cố gắng giữ có thể sẽ sụp đổ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thể đối mặt với cắt giảm ngân sách tài trợ lớn từ Washington. Trong tất cả "nỗi kinh hoàng", nhà ngoại giao châu Âu giấu tên cho biết điều tồi tệ nhất chính là sự hỗn loạn mà Tổng thống Mỹ mang tới cho thế giới.

Radosław Sikorski, cựu bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng Ba Lan, gọi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Trump là "câu chuyện phi thường về sự bồng bột và kém cỏi".

Hiện là thành viên của Nghị viện châu Âu và lãnh đạo phái đoàn quan hệ với Mỹ, ông Sikorsk cho rằng nhiệm kỳ hai của ông chủ Nhà Trắng cũng sẽ tương tự với 4 năm qua, gồm cả việc ông Trump thích các lãnh đạo chuyên quyền hơn các đồng minh dân chủ tự do truyền thống.

"Hãy nhìn xem. Mỹ đã làm được gì với Triều Tiên? Nếu ông là nhà đàm phán thiên tài, ông ấy đã làm được gì?", ông Sikorsk nói. "Họ đã dừng chương trình hạt nhân chưa? Họ đã ngừng hoạt động tên lửa? Họ có giảm các hoạt động liên quan tới uranium như Iran đã làm? Hãy nói cho tôi biết".

Tuy nhiên, không phải tất cả người châu Âu đều mong Tổng thống Trump thất cử. Thủ tướng Hungary Viktor Orban là người theo chủ nghĩa dân tộc và là người hâm mộ Trump. Ông dự đoán Tổng thống Mỹ sẽ đắc cử thêm 4 năm nhiệm kỳ.

Ischinger cho rằng các lãnh đạo châu Âu không cần thích Trump, nhưng họ cần nhận ra mối quan hệ với Mỹ rất quan trọng. Ông nói rằng những người ủng hộ ý tưởng về một "nền tự trị châu Âu" chỉ đang tự lừa dối chính mình vì đây là điều "ngốc nghếch" và "không khả thi".

Do sự phụ thuộc lẫn nhau về an ninh, thương mại và nhiều vấn đề khác, Ischinger nói rằng cách tiếp cận tốt nhất là hợp tác với các nước, nền công nghiệp và xã hội dân sự. "Mỹ không chỉ là Nhà Trắng, nên chúng ta vẫn cần hợp tác", ông nói.

Hầu hết quan chức và nhà ngoại giao châu Âu có thể chỉ ra một thời điểm trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump có "cảm giác tận thế", có nghĩa mối quan hệ châu Âu và phương Tây tan rã và có thể tổn hại tới mức không thể khôi phục.

Đối với Ischinger, đó là tại cuộc vận động bầu cử năm 2017 ở Munich, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố rằng châu Âu không còn tin tưởng vào Mỹ, đồng minh lâu năm của họ.

Bà Merkel khi đó vừa trở về từ hội nghị G7 tại Taormina ở Italy và đây là lần đầu tiên bà gặp Tổng thống Mỹ tại sự kiện quốc tế. "Thời đại mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào người khác ở mức độ nào đó đã qua rồi. Người châu Âu chúng ta phải tự nắm lấy vận mệnh của mình", Thủ tướng Merkel nói.

Còn đối với Sikorski, đó là khoảnh khắc ông xem cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ và Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Helsinki ở Phần Lan. "Ông ấy nói tin tưởng Vladimir Putin hơn tin tưởng FBI", ông Sikorki nói.

Đối với một nhà ngoại giao châu Âu cấp cao khác, khoảnh khắc đó là khi Trump không ngừng chỉ trích các lãnh đạo tại bữa tiệc tối tại hội nghị G7 ở Charlevoix, Canada hồi tháng 6/2018. "Ông ấy lăng mạ người này, chỉ trích người kia, ca ngợi mối quan hệ với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Putin, tranh luận rằng Nga cần trở lại bàn đàm phán G7", quan chức này nói.

Hội nghị thượng đỉnh G7 hàng năm là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chuyển biến tiêu cực trong mối quan hệ giữa Trump và các lãnh đạo châu Âu.

Tại Taormina năm 2017, các lãnh đạo châu Âu không thể ra tuyên bố chung khi đối mặt với quan điểm trái ngược của Tổng thống Trump về biến đổi khí hậu và Hiệp định Khí hậu Paris. Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Canada năm 2018 là năm thứ hai liên tiếp không thể ra tuyên bố chung vì Mỹ không tán thành, dù ông Trump đã đồng ý trước đó vài giờ.

Tại hội nghị G7 ở Biarritz, Pháp năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gặp và ôm hôn chào hỏi Tổng thống Trump, lập tức đưa ông đi ăn trưa và giữ ông bên cạnh để tránh xảy ra sự cố. Tổng thống Macron cũng quyết định bỏ qua tuyên bố chung bằng văn bản để ngăn Trump "thổi bay" chúng và chiến lược này đã phần nào hiệu quả.

Năm nay, Mỹ giữ vai trò chủ tịch G7. Tổng thống Trump ban đầu muốn tổ chức hội nghị tại khu nghỉ dưỡng Trump National Doral Miami, Florida vào cuối tháng 6. Sau đó, ông bất ngờ thông báo rời địa điểm đến Camp David ở Maryland.

Thông báo bất ngờ, được đưa ra tại cuộc gặp mặt lãnh đạo NATO ở London, khiến Thủ tướng Canada Jusstin Trudeau cùng nhiều lãnh đạo khác không dám tin vào phong cách hỗn loạn của Trump. Cuối cùng, không có hội nghị G7 nào được tổ chức tại Mỹ khi Merkel cùng nhiều người khác lấy cớ đại dịch để từ chối lời mời của Trump.

"Mọi người chỉ tìm cớ để không phải có mặt", Lepik, nhà ngoại giao Estonia, nói.

Thanh Tâm (Theo Politico)

Nguồn tin: vnexpress.net


Covid   Covid-19   Donald Trump   Florida   Joe Biden   Kim Jong-un   Nhà Trắng   Trump   Tổng thống   chiến lược   chính sách   hành vi   hợp tác   Đại Tây Dương  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...