08/04/2021 18:46  

Muốn chia cổ tức

Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2020 trong tài liệu họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021, Hội đồng quản trị (HĐQT) của Ngân hàng Eximbank đề xuất trả cổ tức trong năm 2021 bằng cổ phiếu.

Cụ thể, dự kiến số lợi nhuận được chia (theo báo cáo hợp nhất) sau khi trừ trích quỹ khen thưởng phúc lợi năm 2018, 2019, 2020 là 2.213 tỉ đồng. Sau khi trừ số cổ phiếu quỹ Eximbank đang nắm giữ, cổ tức dự kiến là 1.800 đồng/cổ phiếu.

Lần gần nhất ngân hàng trả cổ tức là vào năm 2014. Theo quy định, Eximbank không được chia cổ tức, để tạo nguồn xử lý nợ xấu đến khi trái phiếu đặc biệt có thời hạn trên 5 năm hoặc đã gia hạn được thanh toán.

Eximbank được NHNN chấp thuận tổng thời gian gia hạn là 10 năm kể từ ngày phát hành trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước. Tính đến ngày 30-3-2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu Công ty Quản lý tài sản (VAMC). Vì vậy, ngân hàng muốn chia cổ tức.

“Eximbank có văn bản báo cáo Ngân hàng Nhà nước và đề xuất chấp thuận được chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm 2021. Sau khi được chấp thuận, HĐQT sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể”, tờ trình có đoạn.

Thay đổi điều lệ hoạt động, bầu nhân sự nhiệm kỳ mới

Theo HĐQT, điều lệ hiện nay đã được thông qua từ năm 2012 nhưng một số nội dung không còn phù hợp quy định pháp luật hiện hành, do hầu hết các căn cứ để xây dựng đã hết hiệu lực, thay thế hoặc sửa đổi bổ sung.

HĐQT của Eximbank cũng cho biết Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng và Sở giao dịch Chứng khoán TPHCM đã có nhiều văn bản yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung điều lệ ngân hàng từ năm 2017 đến nay. Hiện nay, hầu hết các ngân hàng có quy mô tương đương với Eximbank đã tiến hành sửa đổi điều lệ phù hợp với tinh thần của luật doanh nghiệp.

Một nội dung sửa đổi đáng chú ý là đề xuất bổ sung người đại diện pháp luật là “Chủ tịch HĐQT trong thời gian khuyết chức danh Tổng giám đốc mà chưa hoàn tất bổ sung bầu thay thế”, thay vì chỉ có Tổng giám đốc như hiện nay.

“Theo quy định hiện hành, chức danh Tổng Giám đốc ngân hàng phải được NHNN xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến trước khi HĐQT bổ nhiệm. Do đó, trong thời gian khuyết chức danh Tổng Giám đốc đảm bảo đủ cơ sở pháp lý đại diện cho Eximbank thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh, Eximbank trình đại hội đồng cổ đông sửa đổi điều lệ Ngân hàng”, tờ trình có đoạn. Hiện nay, ông Nguyễn Cảnh Vinh đang nắm giữ chức Quyền Tổng Giám đốc Ngân hàng.

Bên cạnh đó, Eximbank cũng muốn sửa đổi tỷ lệ số cổ đông dự họp trên tổng số cổ phần có quyền biểu quyết để có thể tiến hành đại hội đồng cổ đông giảm từ 65% xuống mức trên 50%. Trường hợp cuộc họp lần thứ nhất không đủ điều kiện tiến hành, thì tỷ lệ lần thứ hai là 33%. Lần thứ ba thì không phụ thuộc vào con số.

Ngoài ra, HĐQT Eximbank cũng muốn điều chỉnh tỷ lệ tán thành để thông qua quyết định của đại hội cổ đông dưới hình thức lấy ý kiến bằng văn bản từ mức 65% xuống 50%.

Một nội dung đáng chú ý khác trong kỳ đại hội thường niên 2021 là việc bầu thành viên HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ VII (2020-2025). Theo tờ trình, nhiệm kỳ VI kết thúc vào năm 2020 nên Eximbank phải tiến hành thủ tục bầu thành viên cho nhiệm kỳ mới, bao gồm thông qua số lượng là 11 thành viên HĐQT (gồm 2 thành viên độc lập) và 3 thành viên Ban kiểm soát. Sau đó tiến hành bầu theo danh sách ứng viên được Ngân hàng nhà nước chấp thuận.

Eximbank dự kiến họp đại hội cổ đông thường niên năm 2021 vào ngày 27-4 tại Hà Nội. Đáng chú ý là ngân hàng này cũng triệu tập (lần thứ ba) đại hội cổ đông thường niên năm 2020 vào ngày 26-4, tức trước kỳ đại hội thường niên 2021 chỉ một ngày, cùng địa điểm, với danh sách cổ đông chốt ngày 10-3-2020.

Trong phiên họp ngày 27-4, ngoài những nội dung thuộc thẩm quyền đại hội cổ đông thường niên 2021 theo quy định, HĐQT Eximbank còn đề nghị thảo luận các nội dung của phiên họp ngày 26-4 nếu không được thông thông qua, tức thảo luận các vấn đề của đại hội cổ đông thường niên năm 2020.

Trong năm ngoái Eximbank đã bốn lần lên lịch họp cổ đông thường niên nhưng đều không thành. Hai lần đầu tiên là do không đủ số cổ phần biểu quyết tham gia (ít hơn 65% và 51%), hai lần còn lại bị hủy vì trùng với thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp.

Đáng chú ý là lịch họp đại hội cổ đông bất thường năm 2019 cho đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Cổ đông lớn Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) nhiều lần gửi thư thông báo đến HĐQT và đồng gửi Ngân hàng nhà nước, thúc giục triệu tập phiên họp đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2019 lần hai “trong thời gian sớm nhất có thể theo các điều khoản và điều lệ của Eximbank”.

Lợi nhuận 2020 đạt kế hoạch

Theo báo cáo của ban điều hành, quy mô tổng tài sản của Eximbank năm 2020 đạt 160.435 tỉ đồng, giảm 4,2% so với năm trước đó và đạt 91,2% kế hoạch. Trong đó tổng dư nợ cấp tín dụng (bao gồm dư nợ cho vay và trái phiếu doanh nghiệp, không bao gồm trái phiếu VAMC) giảm 10,2%, đạt 83,4% kế hoạch.

Năm 2020, Eximbank báo lãi trước thuế đạt 1.340 tỉ đồng, tăng 22%, đạt mức hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch mà ban điều hành đưa ra (chưa được đại hội cổ đông thường niên thông qua).

Trong năm ngoái, Eximbank cũng tập trung đẩy mạnh hoạt động dịch vụ. Mức tăng trưởng thu nhập dịch vụ năm 2020 lên 20%, tăng cao nhất trong bốn năm gần đây. Bên cạnh đó, tăng trưởng thu nhập ngoài lãi cũng đạt 9,3%.

Tỷ lệ nợ xấu là 2,52%, tăng so với mức 1,71% trong năm 2019. Theo giải trình,  nguyên nhân chủ yếu là do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thêm vào đó là việc giảm dư nợ cho vay góp phần tăng nhẹ tỷ lện nợ xấu.

Lãnh đạo Eximbank cho biết trong năm ngoái, quy mô tín dụng giảm nhưng ngân hàng đã cơ cấu lại danh mục tín dụng phù hợp, không nới lỏng quy chuẩn cho vay. Tỷ trọng các khoản cho vay ngắn hạn tiếp tục tăng và biên lãi cho vay cải thiện so với năm 2019.

Chia sẻ trước đó, ông Nguyễn Cảnh Vinh, Quyền Tổng giám đốc Eximbank, ngân hàng không nới lỏng cho vay mà thậm chí còn tiếp tục phê duyệt tín dụng chặt chẽ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 tác động tiêu cực lên kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng.

Dù quy mô tín dụng và huy động sụt giảm nhưng việc tái cơ cấu danh mục cho vay đã giúp cải thiện mức sinh lời của tài sản. Tái cấu trúc danh mục đi cùng với việc cắt giảm chi phí hoạt động, và kế hoạch kinh doanh mới nên con số lợi nhuận tích cực vượt kỳ vọng.

Trên thị trường, thị giá cổ phiếu EIB của Eximbank tính đến ngày 7-4 đạt 23.000 đồng/cổ phiếu, tăng hơn 14% kể từ đầu tháng 4 và gần 20% kể từ đầu năm nay.

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Covid   Covid-19   HCM   MC   NHNN   TPHCM   Việt Nam   doanh nghiệp   dịch vụ  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...