18/10/2020 6:15  

Mục tiêu trở thành nền tảng Android cho xe điện

Tại sự kiện Ngày Công nghệ Foxconn được tổ chức ở TP Đài Bắc hôm 16-10, Tập đoàn Foxconn của Đài Loan công bố một nền tảng công nghệ mới có tên gọi nền tảng mở MIH (MIH Open Platform) nhằm giúp các nhà sản xuất xe điện tiết kiệm chi phí đầu tư và ra mắt các dòng xe điện nhanh chóng hơn. Động thái này diễn ra khi Foxconn nuôi tham vọng chiếm giữ vị trị trung tâm trong một thị trường xe điện còn non trẻ nhưng đang phát triển nhanh chóng.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Allied Market Research, thị trường xe điện toàn cầu có thể đạt giá trị hơn 800 tỉ đô la Mỹ vào năm 2027. William Wei, Giám đốc công nghệ Foxconn, nói Foxconn muốn trở thành ‘nền tảng Android của xe điện” khi ông ám chỉ đến hệ điều hành mã nguồn mở Android của Google đang được sử dụng rộng rãi trong ngành công nghiệp điện thoại thông minh (smartphone) toàn cầu. Ông nói: “Chúng tôi tin rằng đó là sứ mệnh của chúng tôi”.

Android, nền tảng điều hành di động có thị phần lớn nhất thế giới, đang chi phối ngành công nghiệp sản xuất smartphone nhờ cung cấp mã nguồn mở. Điều này có nghĩa là các nhà sản xuất smartphone có thể sử dụng phần mềm gần như đã sẵn sàng của Google trên các sản phẩm của họ và chỉ cần tùy chỉnh một số tính năng theo nhu cầu của họ.

Trong khi đó, hệ điều hành iOS chỉ dành riêng cho các sản phẩm iPhone và nằm dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Apple. Tesla, hãng xe điện lớn nhất thế giới hiện nay, thường dược so sánh với Apple, nhà sản xuất iPhone.
“Tesla là iPhone của xe điện nhưng chưa có Android cho xe điện. Chúng tôi sẽ là nền tảng Anroid cho xe điện”, William Wei nhấn mạnh.

Foxconn cho biết nền tảng mở MIH cho phép chia sẻ các thiết kế phần cứng và phần mềm quan trọng, từ pin thể rắn cho đến các công cụ quản lý dữ liệu, khắp hệ sinh thái của các nhà phát triển và nhà sản xuất xe điện.

Nền tảng mở MIH của Foxconn thực chất là một tập hợp công cụ cho phép một hãng xe thiết kế các bộ phận lớn của xe điện rồi sau đó, thuê Foxconn sản xuất. Chẳng hạn, dựa vào nền tảng mở MIH, các hãng xe có thể chọn kiểu thiết kế khung gầm cho mẫu xe điện của họ từ kiểu SUV cho đến sedan và tùy chỉnh theo cách mà họ muốn.

Foxconn gọi nền tảng này là module (khối kết cấu) mà từ đó, các hãng xe có thể thay thế hoặc nâng cấp một số linh kiện. Bên cạnh đó, Foxconn cũng cung cấp nền tảng phần mềm vận hành xe điện mà các nhà phát triển có thể xây dựng thêm. Phần mềm này có một số tính năng quan trọng bao gồm tính năng hỗ trợ tự lái. Công nghệ tự lái của Foxconn đang được sử dụng ở một số xe buýt con thoi tại các sân bay ở Nhật Bản.

Foxconn dường như đang nỗ lực tập hợp tất cả mọi thứ cần thiết để chế tạo một chiếc xe hoàn chỉnh.
Tập đoàn này tin rằng nền tảng mở MIH sẽ  giúp rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí cần thiết để ra mắt các mẫu xe điện mới.

Chủ tịch Foxconn, Young Liu, nói: “Với nền tảng mở này, chúng tôi sẽ chia sẻ kết quả của sự phát triển của chúng tôi với tất cả moi người. Nền tảng này sẽ thuộc về mọi người và sẽ được cải thiện nhờ mọi người. Nền tảng mở MIH bao gồm một nền tảng phần mềm mở và một nền tảng khung gầm mở. Nó giúp giảm chi phí đầu tư lặp lại và giúp chuỗi cung ứng xe điện của Đài Loan trở nên cạnh tranh hơn”.

Mục tiêu nắm giữ 10% thị phần xe điện toàn cầu

Foxconn nhập cuộc thị trường xe điện khi biên lợi nhuận ở mảng sản xuất smartphone, chiếm phần lớn hoạt động kinh doanh tập đoàn này, tiếp tục suy giảm. Việc sử dụng linh kiện điện tử rộng rãi ở các lĩnh vực mới như xe điện buộc Foxconn phải tìm cách đa dạng hóa kinh doanh.

Giới phân tích cho rằng Foxconn đang tìm cách thiết lập sự thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất gia công linh kiện xe điện giống như cách mà tập đoàn này chiếm lĩnh thị trường sản xuất gia công máy tính và smartphone trong nhiều thập niên qua. Xe điện được dự báo sẽ trở thành lĩnh vực tiêu thụ các sản phẩm điện tử lớn nhất trong những năm tới.

Foxconn đặt mục tiêu nắm giữa 10% thị phần xe điện toàn cầu trong giai đoạn 2025-2027 khi trường dự kiến có quy mô 30 triệu xe điện được sản xuất mỗi năm. Điều này có nghĩa là sẽ có 3 triệu xe điện sản xuất dựa vào nền tảng mở MIH của Foxconn mỗi năm.

Một trong những sức mạnh cốt lõi của Foxconn là năng lực sản xuất linh kiện hàng loạt với chi phí rẻ. “Để ứng dụng mô hình sản xuất hàng loạt này, điều quan trọng là họ (Foxconn) phải tìm cách chi phối các thiết kế cơ bản của xe điện nhằm không để có quá nhiều sự khác biệt giữa các thương hiệu”, một chuyên gia ngành công nghiệp ô tô đang làm việc với Foxconn, nói.

Ông Young Liu cho biết Foxconn không có ý định sản xuất xe điện hoàn chỉnh hoặc tạo ra thương hiệu xe điện riêng. Tuy nhiên, ông cho biết Foxconn đang đàm phán với một số hãng xe và dự kiến sẽ công bố thành lập một số liên doanh sản xuất điện vào tháng 11 tới.

Ông cho rằng mô hình kinh doanh truyền thống của các hãng xe, vốn dựa vào một nhóm nhà cung ứng, không còn khả thi nữa vì họ thiếu một số công nghệ quan trọng nhất của xe điện. “Chúng tôi hy vọng sẽ áp dụng kinh nghiệm của chúng tôi về quản lý chuỗi cung ứng trong ngành công nghệ truyền thông và thông tin trong 30-40 năm qua vào lĩnh vực mới này”, ông Young Liu nói.

Hiện Foxconn đã thành một một liên doanh sản xuất xe điện với Yulon, nhà sản xuất xe lớn nhất Đài Loan. Tập đoàn này dự kiến sẽ thành một liên doanh khác với hãng xe Fiat Chrysler vào đầu năm sau. Foxconn đang phát triển pin thể rắn, được xem là thế hệ tiếp theo của pin lithium-ion của các dòng xe điện hiện nay. Pin thể rắn có thể giúp xe điện vận hành quãng đường xa hơn và tiết kiệm điện hơn. Foxconn dự kiến tung ra thị trường pin thể rắn vào năm 2024.

Jerry Hsiao, Giám đốc sản phẩm của Foxconn, cho biết pin chiếm đến 35% chi phí sản xuất xe điện. “Sau năm 2025, ai làm chủ được công nghệ pin thể rắn thì, người đó sẽ thống trị thị trường xe điện”, Jerry Hsiao quả quyết.

Theo Taipei Times, CNBC

Nguồn tin: www.thesaigontimes.vn


Apple   Nhật Bản   iPhone   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...