25/10/2020 9:30  
Việt Nam có thể nâng mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2021 lên mức cao hơn 2% của năm nay, nhưng thất nghiệp là vấn đề cần quan tâm.

Việt Nam, một trong số ít nước được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo có thể tăng trưởng dương, khoảng 1,6% với GDP năm 2020 đạt hơn 340 tỷ USD, vượt mức 337 tỷ USD của Singapore. IMF cũng dự báo GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng từ 3.416 USD năm ngoái lên gần 3.500 USD năm nay.

Năm 2020, nền kinh tế Việt Nam đạt được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, nhưng cũng chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Dự kiến tăng trưởng chỉ trên 2%, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.750 USD/người.

Tuy nhiên, Việt Nam đang tỏ ra yếu thế trong việc tạo ra công ăn việc làm mới. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hơn 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động đã thất nghiệp trong quý III năm 2020. Con số này dù đã giảm 63 nghìn người so với quý II – thời điểm nền sản xuất ghi nhận con số việc làm giảm sâu kỷ lục bởi dịch Covdi-19, nhưng vẫn tăng 148,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2019. Việc này cho thấy thị trường lao động có tốc độ phục hồi rất chậm.

Tiến sĩ Nguyễn Hoài Nam, Ban kinh tế Trung ương, cho rằng đánh giá kinh tế Việt Nam qua các con số quan trọng, nhưng quan trọng hơn là phân tích các hành động của Việt Nam trong năm nay sẽ tác động như thế nào đến năm 2021 và những năm tiếp theo. Ông Nam nói: “phải thoát ra khỏi những con số, chỉ như vậy mới có thể tập trung vào hành động cho năm tới”.

Nhìn vào kinh tế Việt Nam năm 2020, ông Nam nhận xét: “Chính sách của chính phủ kể từ hồi đầu năm cho kết quả hạn chế. Trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp có doanh thu phải nộp thuế, nhưng trong điều kiện không bình thường của dịch Covid-19, doanh nghiệp không có doanh thu để nộp thuế”.

Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021 đang thu hút sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách. Tiến sĩ Nam nói quan trọng nhất vẫn là ổn định chính trị xã hội, bên cạnh ổn định kinh tế vĩ mô, với điểm quan trọng nhất là vấn đề việc làm, tình trạng thất nghiệp trong nền kinh tế. Ông gợi ý: có thể tính toán giữa tỷ lệ thất nghiệp cho phép và chỉ số tăng trưởng mục tiêu, để từ đó đưa ra các giải pháp để tạo ra việc làm mới.

Hiện nay, đóng góp vào kinh tế Việt Nam có 3 lĩnh vực. Thứ nhất, đầu tư nước ngoài là bên ngoài. Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân, không nhiều kỳ vọng đầu tư tư nhân sẽ tăng lên được trong bối cảnh khó khăn, ngoại trừ việc Việt Nam có cải cách đột biến về thể chế và đầu tư vốn mồi tốt hơn. Như vậy, tăng trưởng chỉ có thể phụ thuộc vào nhà nước, với hai chính sách đầu tư công và chính sách an sinh xã hội. Nhưng hai chính sách này, xét cho cùng đều giải bài toán việc làm và tăng trưởng.

Tiến sĩ Nam đề xuất “tư duy tiêu dùng mới” trong thực hiện đầu tư công trung hạn. Các dự án có thể sử dụng nhiều tiền trong một giai đoạn và gần như không tiêu tiền ở các giai đoạn sau – thời điểm cho các chỉ số phục hồi. Trường hợp thâm hụt ngân sách tăng lên, đẩy lạm phát tăng lên mức cao, nhà nước có thể sử dụng công cụ tiền tệ, và công cụ tài khóa để dung hòa. Việc đầu tư vào các dự án dài hạn sẽ tạo ra thu nhập và phát triển trong tương lai và trong tương lai nhà nước có thể thu tiền về.

“Dịch bệnh là cơ hội sửa đổi những vướng mắc về thể chế”, ông Nam nói trong bối cảnh vấn đề kỹ thuật để thúc đẩy giải ngân đầu tư công được bàn thảo nhiều, nhưng ít nói đến các thể chế trong lĩnh vực này. Do đó, những vướng mắc về luật cần đề nghị Quốc hội sớm sửa đổi, còn những vướng mắc về nghị định, Chính phủ có thể sửa ngay.

"Bây giờ, với trạng thái không bình thường, thể chế cần được sửa đổi cho phù hợp", ông Nam kiến nghị.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Tổng cục   Việt Nam   chính sách   doanh nghiệp   kiến nghị   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...