24/10/2020 11:50  
TP HCMTrong lễ truy điệu nghệ sĩ Lý Huỳnh sáng 24/10, đồng nghiệp, bằng hữu nói ông sống trọn nghĩa tình với gia đình và điện ảnh nước nhà.

9h15, bà Dương Cẩm Thúy, Chủ tịch Hội điện ảnh TP HCM, đọc điếu văn về chặng đường hoạt động phim ảnh hơn 50 năm của nghệ sĩ.

Điếu văn có đoạn: "NSND Lý Huỳnh không chỉ yêu thương con mà còn tận tâm tận lực dạy dỗ, đưa các con vào học Đại học Điện ảnh Sân khấu TP HCM, hướng dẫn các con: Lý Hùng, Lý Sơn, Lý Huỳnh, Lý Hồng theo con đường điện ảnh chuyên nghiêp. Ông đi vào cõi vĩnh hằng, điện ảnh dân tộc vĩnh viễn mất một ngôi sao tài hoa, tràn đầy nhiệt huyết, một nhà sản xuất phim võ thuật Việt Nam hăng hái sánh vai cùng đội ngũ phim võ thuật tài năng của thế giới. Gia đình mất một người chồng chung thủy, một người cha tận tình yêu thương con cháu. Ông sống nghĩa tình và ông cũng dạy các con ông trở thành những người sống nghĩa tình...".

Giờ làm lễ, bà Đoàn Thị Nguyên - gia đình và bạn bè hay gọi thân mật là Lý Lan, vợ nghệ sĩ Lý Huỳnh - không đứng vững, phải có người dìu đi. Khi nghe điếu văn nhắc tên mình và chồng, cùng thời gian gia đình sát cánh sản xuất phim, góp phần vào công cuộc phát triển điện ảnh dân tộc, bà Nguyên lặng nhìn di ảnh chồng, nén khóc.

Trước đó, vào 8h, lễ tang diễn ra theo nghi thức Công giáo. Cha dòng Giuse Nguyễn Văn Chủ đọc lời tiễn biệt: "Trong vai trò Nghệ sĩ nhân dân, Lý Huỳnh đã cống hiến hết sức cho các khán giả. Ông là võ sư nhưng tính cách hòa nhã, ấm áp. Những năm cuối đời, ông vẫn lo về những người dân miền Trung. Trọn đời, ông là người cha, người chồng với tình yêu vợ con vô bờ".

Lý Hương - con út cố nghệ sĩ cho biết - ba tháng qua, chị từ Mỹ về cận kề bên giường bệnh của cha. Sinh thời, ông thương chị nhất trong sáu người con vì hôn nhân lận đận. Ông từng nói với chị, nếu mệt mỏi, cứ về nhà sống bên cha mẹ. Lần này, chị kịp dẫn con gái Princess Lam thăm ông ngoại. Chị nói: "Cha tôi ra đi trong mãn nguyện vì gặp lại được cháu gái ông thương mến".

Ngoài gia đình, bằng hữu, nhiều đồng nghiệp thế hệ sau có mặt tiễn biệt Lý Huỳnh. Diễn viên Hạnh Thúy cho biết: "Tôi chưa thấy ai tận tâm với nghề như ông. Nhìn nghệ sĩ đến viếng, những vòng hoa xếp bên linh cữu, tôi nghĩ ông không chỉ để lại một di sản phim ảnh đồ sộ, mà là cả tấm lòng đáng trân quý".

Lúc di quan, Lý Hùng thốt lên "Ba ơi" bên linh cữu. Những ngày qua, anh nén buồn, cùng gia đình chu toàn hậu sự cho cha. Anh cho biết vài ngày trước khi mất, ông đột nhiên tỉnh táo, bỏ ống thở. Cả nhà mừng vui, những tưởng cha qua được đợt này. Song, ông gọi vợ và các con đến bên giường bệnh. Ông nắm tay vợ, hôn lên trán từng thành viên gia đình, dặn các con thay ông bảo bọc mẹ. Hai ngày sau, ông mất.

Đến cuối đời, Lý Huỳnh vẫn dặn các thay ông làm thiện nguyện. Đợt bão vào miền Trung vừa qua, khi đó Lý Huỳnh còn khỏe, ông luôn đau đáu về người dân vùng lũ. Ông nhờ Lý Hùng quyên góp một số người bạn thân, đến nay đã được hơn 500 triệu đồng. Ông định khỏe lại sẽ cùng gia đình ra miền Trung hỗ trợ người dân. Ông còn dặn con trai xây lại Viện dưỡng lão nghệ sĩ, nâng cấp lối vào để các cô chú dễ đi lại. Sinh thời, nơi đây là chốn thân quen của ông. Tết nào, ông cũng về Viện dưỡng lão vui vầy cùng các nghệ sĩ gạo cội. Lý Hùng cho biết sau khi lo tang sự xong, anh sẽ thay cha hoàn thành tâm nguyện.

Lý Huỳnh sinh năm 1942. Ông là võ sư, đồng thời là diễn viên và nhà sản xuất phim điện ảnh. Thuở nhỏ, ngoài việc học võ với cha, Lý Huỳnh còn học võ Thiếu Lâm, võ cổ truyền Tây Sơn Bình Định. Năm 1965, ông mở trường, đào tạo nhiều võ sĩ giỏi. Từ năm 1972 đến năm 1989, ông đóng nhiều phim, trở thành một trong số người Việt đầu tiên đưa võ vào điện ảnh.

Vai đầu tiên của ông là đại tá Hoàng trong phim Cô Nhiếp, bộ phim sau đó đoạt giải Bông sen bạc. Sau đó,ông tham gia nhiều phim: Mối tình đầu(1977) của đạo diễn Hải Ninh, Vùng gió xoáy, Ông Hai Cũ (1982), Hòn đất, Mùa gió chướng, Ngọn cỏ gió đùa, Thăng Long đệ nhất kiếm... Vai Hai Lúa trong Vùng gió xoáy mang về cho ông giải Nam diễn viên xuất sắc Liên hoan phim Việt Nam lần thứ sáu (1983). Năm 2010, ông dồn tâm huyết thực hiện phim điện ảnh Tây Sơn Hào Kiệt. Bộ phim cổ trang được đầu tư 12 tỷ đồng nói về trận Ngọc Hồi - Đống Đa do Hoàng đế Quang Trung chỉ huy dẹp tan 20 vạn quân Thanh, thể hiện hùng khí dân tộc. Ông mất sáng 22/10 tại nhà riêng sau thời gian bệnh nặng.

Mai Nhật (ảnh: Quỳnh Trần)

Nguồn tin: vnexpress.net


Diễn viên   HCM   Việt Nam   hành vi   khán giả   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...