11/10/2020 11:30  
Giải ngân nguồn vốn nước ngoài đã có chuyển biến nhất định sau những nỗ lực của Chính phủ, nhưng vẫn ở mức thấp khi chỉ vài tháng nữa là hết năm 2020.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị quyết số 86/2019/QH14 ngày 12/11/2019 đã thông qua tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 là 470.600 tỷ đồng, trong đó vốn nước ngoài là 60.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn nước ngoài trong 8 tháng qua rất thấp, chỉ đạt 21% kế hoạch, trong đó khối địa phương đạt 22%. 

Khoảng cách về tỷ lệ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài 8 tháng qua khá lớn trong số 11 bộ, cơ quan trung ương và 42 địa phương. Nếu Bình Định đạt 70,9%, Lai Châu đạt 55,4%, thì một số địa phương khác lại có mức giải ngân rất thấp, như Nam Định là 6,5%, Vĩnh Long là 1,8%, Vĩnh Phú 0,4%.

Ông Trần Xuân Hà - Thứ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, nếu các bộ, ngành, địa phương không có những biện pháp kịp thời dẫn đến việc lặp lại tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, vốn vay nước ngoài như năm 2019 thì sẽ ảnh hưởng lớn đến các nỗ lực ổn định nền kinh tế.

Tính đến ngày 15/9/2020, đã có một bộ và 15 địa phương có văn bản đề xuất điều chuyển kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020 giữa các dự án và sử dụng 10% dự phòng vốn nước ngoài đã giao, bao gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Hà Nam, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Tháp và Sóc Trăng. Cạnh đó, có 6 bộ, ngành và địa phương đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài, như Bộ Giao thông - Vận tải đề nghị cắt giảm hơn 5.080 tỷ đồng. Trong khi đó, các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Tây Ninh, Long An đề nghị bổ sung hạn mức trung hạn với tổng số vốn hơn184 tỷ đồng. 

Vướng mắc về pháp lý, chậm phân bổ và điều chỉnh kế hoạch, chuẩn bị đầu tư chưa tốt, vẫn là những lý do chính làm chậm tiến độ giải ngân đầu tư công vốn nước ngoài. Việc áp dụng các quy định mới, Nghị định số 56/2020/NĐ-CP, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP và Nghị định số 68/2019/NĐ-CP đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Dự án phát triển đô thị loại II, dự án thành phần của tỉnh Vĩnh Phúc (vốn ADB), dự án sửa chữa và nâng cao an toàn đập (vốn WB) đã buộc phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, rà soát và phân bổ lại nguồn vốn chi cho đầu tư và chi thường xuyên. 

Lý do, Covid-19 làm chậm quá trình giải ngân có thể hợp lý với dự án đường sắt đô thị TP.HCM, tuyến số 1 do 108 chuyên gia không đến được Việt Nam và nhập khẩu máy móc bị gián đoạn. Dịch bệnh cũng làm cho tư vấn quốc tế không thể đến Việt Nam xác nhận khối lượng thanh toán 13 triệu USD của dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng (vay vốn WB). Nhưng chắc chắn đại dịch không phải là nguyên nhân chính dẫn đến chậm giải ngân vốn xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông. Đến nay, dự án này đã ký hiệp định vay, nhưng chưa ký hai hợp đồng vay lại trị giá 9,925 triệu USD.

Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư lo ngại ngân sách nhà nước những năm tới sẽ chịu thêm sức ép, uy tín  của Việt Nam với các nhà tài trợ nước ngoài có thể bị giảm khi 9 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương có văn bản đề xuất điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2020, trong đó đề nghị cắt giảm 8.455,3 tỷ đồng, bổ sung hạn mức kế hoạch năm 2020 tổng số vốn 950,8 tỷ đồng, riêng Bến Tre đề xuất điều chuyển giữa các dự án nội bộ cơ quan chủ quản số vốn 104,7 tỷ đồng. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó tập trung tháo gỡ các vướng mắc về thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng chuẩn bị và thiết kế dự án, đẩy nhanh tiến độ ký các hiệp định vốn, hợp đồng vay lại, thực hiện nghiêm việc chuyển vốn và bố trí vốn đối ứng cho các chương trình dự án ODA đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, hy vọng sẽ thành hiện thực.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Bình Phước   Bến Tre   Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Nghị định   Tài chính   Việt Nam   Vĩnh Long   chuyên gia   chính sách   Đầu tư   Đắk Nông   đô thị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...