08/01/2021 8:10  
Bộ GD-ĐT đã đưa ra 5 giải pháp quan trọng để giải quyết những tồn tại, hạn chế và "bệnh thành tích", quá tải lớp học cho giáo dục tiểu học trong thời gian qua.

Quá nhiều hạn chế

Về những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, công tác tham mưu của cán bộ quản lý giáo dục ở một số đơn vị thiếu chủ động, chưa tích cực, hiệu quả chưa cao.

Tại một số địa phương việc phân cấp quản lý giáo dục chưa hợp lý, chưa phát huy được tính chủ động, tự chịu trách nhiệm và sáng tạo của người đứng đầu các cơ sở giáo dục. Vì vậy, một số cán bộ quản lý chưa mạnh dạn hoặc không giám thực hiện các giải pháp đổi mới quản lý, đổi mới phương pháp giáo dục của cấp học; chưa mạnh dạn triển khai thực hiện những chủ trương đổi mới của ngành; chưa tạo động cơ, khuyến khích sự đổi mới, sáng tạo của giáo viên.

Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên chưa đồng đều; cơ cấu đội ngũ chưa hợp lý, một số nơi thiếu trầm trọng giáo viên các môn chuyên như Tiếng anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục; thực hiện đổi mới phương pháp dạy học của một bộ phận giáo viên còn yếu; việc tiếp cận thông tin của giáo viên vùng khó khăn còn hạn chế.

Qua khảo sát, Bộ GD-ĐT cho biết, việc thực hiện giảm áp lực cho giáo viên (áp lực công việc, sổ sách, dư luận, áp lực điểm số từ phía phụ huynh học sinh, sĩ số lớp học, môi trường làm việc dân chủ...) chưa được các cấp quản lý chú trọng chỉ đạo thực hiện.

Việc đánh giá giáo viên theo Chuẩn nghề nghiệp ở một số trường tiểu học còn hình thức, chưa phản ánh đúng năng lực và hiệu quả công việc, thậm chí còn biểu hiện thiếu dân chủ,... chưa tạo động lực để giáo viên phấn đấu vươn lên; công tác bồi dưỡng giáo viên chưa hiệu quả.

Đặc biệt, tình trạng học sinh bỏ học, học sinh ngồi nhầm lớp vẫn diễn ra ở một vài địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đặc biệt là khu vực Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho đối tượng học sinh khuyết tật còn nhiều bất cập, kết quả chưa phản ánh đúng bản chất cần được quan tâm giải quyết bằng những giải pháp tổng thể.

Giảm sĩ số lớp học, rà soát tuyển chọn giáo viên

Trên cơ sở những kết quả đạt được trong năm học 2019-2020, khắc phục những hạn chế, tồn tại, năm học 2020-2021 Giáo dục Tiểu học tập trung các điều kiện để triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021 và chuẩn bị triển khai đối với lớp 2 từ năm học 2021-2022. Theo đó, Bộ GD-ĐT đưa ra 5 giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học ban hành theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT (Chương trình giáo dục phổ thông hiện hành); tổ chức thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bảo đảm chất lượng, hiệu quả, trọng tâm là lớp 1.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học, chuẩn bị các điều kiện đảm bảo theo quy định để triển khai dạy học trực tuyến hiệu quả, phù hợp điều kiện thực tế của cơ sở giáo dục tiểu học.

Tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 2 theo quy định và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 2.

Tăng cường kiểm tra, giám sát để hỗ trợ các đơn vị trên địa bàn quản lý nhằm hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về lộ trình và điều kiện thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa.

Thứ hai, Tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đối với cấp tiểu học

Các địa phương thực hiện rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học; quản lý, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có; khắc phục tình trạng trường, lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định, đặc biệt là ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất để thực hiện mục tiêu giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc theo quy định của Luật Giáo dục 2019.

Thực hiện rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ở cấp tiểu học theo nguyên tắc tạo thuận lợi học tập cho học sinh, gắn với các điều kiện đảm bảo chất lượng, đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình giáo dục phổ thông. Bảo đảm tỷ lệ phòng học/lớp, tỷ lệ giáo viên/lớp và sĩ số học sinh/lớp đúng theo quy định để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đảm bảo chất lượng.

Giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu phòng học, nhà vệ sinh và công trình nước sạch trong các cơ sở giáo dục; không đưa vào sử dụng các công trình trường, lớp học, nhà vệ sinh chưa bảo đảm an toàn theo quy định.

Thứ ba, Đảm bảo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, nâng cao chất lượng theo chuẩn nghề nghiệp

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 1737/CT-BGDĐT ngày 07/5/2018 của Bộ trưởng Bộ GDĐT về việc tăng cường công tác quản lý và nâng cao đạo đức nhà giáo; tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo.

Thực hiện quản lý, đánh giá đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục theo tiêu chuẩn nghề nghiệp; rà soát công tác quản lý biên chế, tuyển dụng giáo viên theo chuẩn về trình độ đào tạo; bảo đảm số lượng và chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu thực tiễn; tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế.

Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục, nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Tổ chức thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, đạo đức nhà giáo, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục tiểu học. Thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục tiểu học trong công tác điều hành, quản lý, tổ chức các hoạt động dịch vụ giáo dục của nhà trường nhằm đảm bảo vệ sinh, an toàn, chất lượng.

Dự kiến phân công giáo viên dạy học lớp 2 năm học 2021-2022 để tập trung bồi dưỡng, đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 2 được bồi dưỡng về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 2 trước khi năm học 2021-2022 bắt đầu.

Thứ tư, Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, tăng cường quyền tự chủ của nhà trường trong việc thực hiện kế hoạch giáo dục đi đôi với việc nâng cao năng lực quản trị nhà trường, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở giáo dục.

Nâng cao tỷ lệ và chất lượng dạy học 2 buổi/ngày; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý giáo dục; tích cực và nâng cao hiệu quả trong công tác truyền thông. Thực hiện tốt quy chế dân chủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm, lương tâm, đạo đức nhà giáo.

Thứ năm: Tăng cường nền nếp, kỷ cương, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục tiểu học. Chú trọng kết hợp dạy chữ với dạy người, giáo dục ý thức, trách nhiệm của công dân đối với gia đình - nhà trường - xã hội cho học sinh tiểu học. Thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua của ngành phù hợp điều kiện từng địa phương.

Tăng cường an ninh, an toàn trường học, tích cực phòng/chống xâm hại và bạo lực học đường; chú trọng xây dựng văn hóa học đường trong môi trường giáo dục; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, nhân cách cho học sinh.

Nhật Hồng 

Nguồn tin: dantri.com.vn


Chính phủ   Giáo dục   Tiểu học   dịch vụ   quy hoạch   sáng tạo  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...