30/10/2020 10:40  
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho các DN bị ảnh hưởng, trong đó phải kể đến Thông tư 01/2020/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 13/3/2020.
Thêm trợ lực cho người dân, DN
Thông tư 01/2020/TT-NHNN ra đời đã giúp giảm áp lực trả nợ đối với các DN hiện đang lao đao vì các khoản nợ đến hạn trả mà chưa có khả năng trả nợ do nguồn thu bị giảm sút do dịch Covid 19 gây ra. Việc ban hành Thông tư này là động thái nhanh chóng linh hoạt của NHNN nhằm đối phó với các khó khăn tài chính của nền kinh tế khi gặp phải các rủi ro bất khả kháng như thiên tai, dịch bệnh… Đồng thời tạo hành lang pháp lý và cơ chế thuận lợi để các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng trên nguyên tắc đảm bảo đúng đối tượng, tránh việc lợi dụng chính sách.
Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) cho biết, đến ngày 22/6, tất cả các TCTD, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều vào cuộc mạnh mẽ, đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng; cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23/1 đến nay đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5-2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 154.000 khách hàng với dư nợ hơn 3.875 tỷ đồng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ cho hơn 75.000 khách hàng với dư nợ gần 1.600 tỷ đồng, cho vay mới đối với hơn 1 triệu khách hàng với dư nợ gần 39.000 tỷ đồng.
Bên cạnh những tác động tích cực, Thông tư 01 cũng khiến bức tranh nợ xấu, nguồn trích lập dự phòng của hệ thống ngân hàng trở nên khó đánh giá hơn. “Lượng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được cơ cấu lại là rất lớn, nếu sau này Thông tư 01 hết hiệu lực mà DN vẫn không thể trả được nợ, nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng mạnh, những ngân hàng chưa chuẩn bị nguồn dự phòng sẽ trở tay không kịp” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Mặt khác ước tính các phần hỗ trợ bao gồm cả hoãn nợ, giảm lãi suất, chi phí hệ thống ngân hàng sẽ phải chia sẻ khoảng 30.000-34.000 tỷ đồng nguồn thu nhập, mức giảm lợi nhuận khoảng 25%.
Ngoài ra, nguồn thu nhập của các ngân hàng không những chỉ chịu ảnh hưởng từ sự giảm sút của hoạt động tín dụng, mà nguồn thu phí cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi mọi giao dịch trong nền kinh tế bị chậm lại. Dù Thông tư 01 cho phép Ngân hàng thương mại không phải chuyển nhóm nợ, không phải trích lập dự phòng, song các ngân hàng nên tự chuẩn bị dự phòng vì việc gượng dậy của các DN sau dịch là có độ trễ nhất định. Chưa kể những DN đứng trước nguy cơ phá sản, mất khả năng trả nợ hoàn toàn. Chính vì vậy, khi chính sách thay đổi (hết hạn cơ cấu nợ), thì nợ xấu có nguy cơ ập đến, bào mòn lợi nhuận ngân hàng.
3 giải pháp đối phó với nợ xấu sau dịch
Thông tư 01 là một giải pháp tạm thời, tuy nhiên, NHNN cần có giải pháp lâu dài và hiệu quả đối với toàn hệ thống nhằm đối phó với nợ xấu sau đại dịch. Trong đó cần triển khai ngay 3 giải pháp sau.
Thứ nhất, kết hợp các công cụ điều tiết như: Thuế, an sinh xã hội, thủ tục hành chính, tăng cầu thông qua đầu tư công. Để mở rộng tín dụng an toàn cho nền kinh tế giai đoạn hậu Covid-19, Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương đẩy nhanh tiến độ triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ DN và người dân vượt qua khó khăn về thuế, về gói an sinh xã hội, về thủ tục hành chính, về đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công… NHNN tiếp tục chủ động và linh hoạt trong điều hành các công cụ chính  sách tiền tệ, điều chỉnh tăng hạn mức tín dụng đối với một số NHTM đảm bảo cho vay an toàn, nghiên cứu sẽ tiến tới bỏ hạn mức tín dụng vào thời điểm phù hợp đối với các NHTM đã đáp ứng được tiêu chuẩn Basel II, có tỷ lệ nợ xấu dưới 2%.
Thứ hai, đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng. Việc số hóa từ văn bản, thủ tục, phương thức làm việc, phương thức giao dịch trong nội bộ cũng như với khách hàng qua giai đoạn dịch bệnh này được nhìn nhận là việc làm hết sức cấp thiết. Đẩy nhanh hoàn thiện hệ thống big data và nhanh chóng đưa vào sử dụng các sản phẩm ngân hàng số, các giao dịch ngân hàng điện tử, đặc biệt với nhóm ngân hàng bán lẻ phục vụ khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ để giảm giao dịch trực tiếp với nhóm khách hàng này. Mức độ sử dụng internet và giao dịch online của Việt Nam hiện nay vượt trội. Tính đến tháng 1/2020, Việt nam có 145,8 triệu thuê bao di động, trong đó 93% dùng smart phones, 68,17 triệu thuê bao internet, 65 triệu người dùng các mạng xã hội (Datareportal, 2020). Do vậy, trong bối cảnh bệnh dịch, lấy nguy để chuyển thành cơ nhằm thúc đẩy nhanh và mạnh hơn nữa việc phát triển giao dịch số dựa trên internet banking, mobile banking là phù hợp.
Thứ ba, tăng trưởng doanh thu phi tín dụng, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn: Qua đại dịch Covid-19 có thể thấy môi trường hoạt động tín dụng có nhiều khó khăn, mức độ rủi ro lớn và có thể thấy hoạt động dịch vụ phi tín dụng đem lại nguồn thu nhập khá ổn định cho hầu hết các NHTM. 46,15% chuyên gia và ngân hàng trong khảo sát của Vietnam Report nhận định nhu cầu tín dụng giảm là một trong thách thức với ngành ngân hàng. NHTM cần tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, nhân lực, phát triển và nâng cao các dịch vụ phi tín dụng, đặc biệt là các dịch vụ hiện đại, như: internet banking, ngân hàng số, sử dụng mã QR, ví điện tử. Các NHTM cần mở rộng hợp tác với ngành thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội, công ty cung ứng dịch vụ thanh toán, các công ty và tổ chức cung ứng dịch vụ công như: điện lực, viễn thông, truyền hình cáp, nước sạch, bệnh viện, xăng dầu, giao thông đường bộ và đường sắt, các hãng hàng không, trạm đăng kiểm giao thông, trường đại học và cao đẳng, dạy nghề,…; công ty xuất khẩu lao động, công ty du lịch; siêu thị, trung tâm thương mại, các công ty bảo hiểm,… Việc cung ứng các dịch vụ phi tín dụng cũng giúp các NHTM Việt Nam bán chéo các sản phẩm như: tiền gửi, thấu chi,…Việc giảm tăng trưởng tín dụng là cơ hội tốt để các ngân hàng điều chỉnh danh mục cho vay hướng tới một khẩu vị rủi ro mới an toàn và bền vững hơn. Về phía các DN, cần khuyến khích DN có thiện chí hợp tác với các NHTM, xây dựng phương án vay vốn chặt chẽ, chứng minh dòng tiền dự án rõ ràng, khả năng trả nợ có tính khả thi.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid 19   Covid-19   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Việt Nam   chuyên gia   chính sách   doanh nghiệp   du lịch   dịch vụ   hợp tác   trung tâm thương mại  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...