12/10/2020 17:30  
Việc điều chỉnh giảm lãi suất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) được xem là tất yếu, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất tiền gửi ở nhiều ngân hàng đã rớt khá sâu so với mức trần quy định chung, trong khi nền kinh tế tiếp tục gặp không ít khó khăn.

Bối cảnh nền kinh tế

Như dự báo trước đó, ngày 30/9/2020, NHNN đã quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành, có hiệu lực kể từ ngày 1/10/2020. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 4,5%/năm xuống còn 4%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 3%/năm xuống còn 2,5%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 5,5%/năm xuống còn 5%/năm; lãi suất chào mua giấy tờ có giá thông qua nghiệp vụ thị trường mở từ 3%/năm xuống 2,5%/năm. 

Đối với lãi suất tiền gửi, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ một tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 4,25%/năm xuống 4%/năm. Đồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5%/năm xuống 4,5%/năm.

Đây là lần thứ ba trong năm 2020 và lần thứ tư trong vòng một năm qua, NHNN giảm lãi suất mạnh mẽ như vậy. Cụ thể, chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm nay, NHNN đã có hai lần giảm lãi suất, lần thứ nhất vào giữa tháng 3 và lần thứ hai diễn ra sau đó hai tháng.

Việc điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN được xem là tất yếu, trong bối cảnh thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào, mặt bằng lãi suất tiền gửi nhiều ngân hàng đã rớt về mức khá sâu so với mức trần quy định chung, trong khi nền kinh tế tiếp tục gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2020 chỉ tăng 2,12%, riêng quý III tăng 2,62%, là mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2020, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp 9 tháng qua chỉ tăng 2,69% so với cùng kỳ năm 2019, trong khi ở phía cầu nền kinh tế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3,67 triệu tỷ đồng, tăng vỏn vẹn 0,7% so cùng kỳ năm 2019.

Trước thực trạng như vậy, quyết định nới lỏng tiền tệ thông qua việc giảm lãi suất điều hành để tăng hỗ trợ nền kinh tế được cho là phù hợp và cũng đồng thuận với chính sách của ngân hàng trung ương các nước. Đặc biệt, yếu tố lạm phát vẫn ổn định càng tạo điều kiện để giảm thêm lãi suất. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2020 chỉ tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 0,01% so tháng 12/2019 và tăng 2,98% so cùng kỳ năm 2019.

Ngoài yếu tố lạm phát, diễn biến tăng trưởng tín dụng yếu khi 9 tháng chỉ mới đạt 6,09%, cộng thêm việc NHNN gần đây đã quyết định hoãn việc điều chỉnh giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn thêm một năm, gỡ bỏ gánh nặng tăng nguồn vốn trung dài hạn cho các ngân hàng, đều là những yếu tố thuận lợi cho quyết định giảm thêm lãi suất vừa qua.

Dư thừa vốn và kịch bản sắp tới

Đứng ở góc độ ngành, nhiều ngân hàng đang ở trạng thái dư thừa vốn lớn nên càng tạo điều kiện cho việc giảm thêm lãi suất mà không gây ra quá nhiều ảnh hưởng đến kênh tiền gửi và kế đó là thanh khoản của hệ thống. Việc NHNN mua ròng ngoại tệ trong thời gian qua, ước tính 12 tỷ USD từ đầu năm đến nay, tương ứng đã bơm một lượng lớn tiền đồng vào nền kinh tế. Đáng lưu ý là NHNN có thể tiếp tục mua thêm ngoại tệ để gia tăng dự trữ ngoại hối từ nay đến cuối năm, sẽ là điều kiện đảm bảo cho thanh khoản hệ thống vẫn dồi dào.

Dư thừa vốn thể hiện rõ nhất qua việc lãi suất trên thị trường liên ngân hàng liên tục duy trì ở mức dưới 1% suốt nhiều tháng qua, thậm chí trong những ngày đầu tháng 10 chỉ còn quanh 0,1% đối với lãi suất kỳ hạn qua đêm. Trong khi đó, hơn một nửa số ngân hàng thương mại đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng thấp hơn nhiều so với mức trần theo quy định, ngay cả khi so với mức 4% theo quyết định mới nhất.

Trước tình hình này, nhiều dự báo cho thấy mặt bằng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm thêm trong thời gian tới. Cụ thể, theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, dự báo lãi suất tiền gửi sẽ giảm thêm 0,1-0,3%/năm trong quý IV năm nay, khi yếu tố chính tác động đến lãi suất tiền gửi thời gian tới vẫn là đầu ra tín dụng, trong khi các ngân hàng thương mại đang rất dồi dào thanh khoản, hầu như không có nhu cầu vay vốn từ NHNN.

Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, dù kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ hồi phục trở lại phần nào trong ba tháng cuối năm (với các chỉ số chỉ báo như sản xuất công nghiệp, PMI và tăng trưởng bán lẻ đã phục hồi trong tháng 9), nhưng kỳ vọng mặt bằng lãi suất huy động trung và dài hạn vẫn sẽ có xu hướng giảm 10-20 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm.

Dù vậy, một thực tế phải thừa nhận là dù lãi suất tiền gửi liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng lãi suất cho vay vẫn giảm chậm hơn và mức giảm cũng chưa tương xứng, khi hệ thống ngân hàng vẫn đang đứng trước nỗi lo nợ xấu bùng lên trong thời gian tới. Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn gặp rất nhiều khó khăn, bất chấp thời gian qua nhiều ngân hàng thương mại vẫn triển khai khá nhiều chương trình cho vay ưu đãi để hỗ trợ khách hàng.

Nguồn tin: doanhnhansaigon.vn


Covid   Covid-19   NHNN   Ngân hàng   Ngân hàng Nhà nước   Tổng cục   chính sách   doanh nghiệp   dịch vụ   sản xuất  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...