28/10/2020 17:40  
Tỷ lệ giải ngân đầu tư nguồn vốn nước ngoài (ODA) của các địa phương vẫn chậm. Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng, nhưng phải giải ngân gần 2/3 số vốn còn lại.

Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn ODA của các bộ, ngành trong tháng 9 đạt 4.315 tỷ đồng, tăng 559 tỷ đồng so với tháng 8 (tăng 3,14% so với tỷ lệ giải ngân trên kế hoạch vốn được giao đã ghi nhận trong tháng 8).

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung giải ngân tiếp dự toán của năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, trị giá 2.671 tỷ đồng. Hiện tại, Bộ Tài chính đã ghi nhận 10/12 bộ, ngành (trừ Bộ KH&ĐT, Đại học Quốc gia Hà Nội) có cam kết hoàn thành giải ngân sau khi điều chỉnh giảm một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn. Tổng số các bộ đề nghị giảm kế hoạch vốn đang được Bộ KH&ĐT tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định gần 4.720 tỷ đồng.

Dẫn đầu làn sóng "trả vốn" là Bộ NN&PTNT với lượng vốn trả lại là hơn 1.800 tỷ đồng, xấp xỉ 50% lượng vốn được duyệt. Bộ TN&MT trả lại 330,5 tỷ đồng, xấp xỉ 50%... Các Bộ: GD&ĐT, Công Thương, KH&ĐT cũng tham gia làn sóng "trả vốn".

Đối với các địa phương, giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vốn ODA tháng 9/2020 cũng có cải thiện đáng kể (tăng thêm 8%) so với tháng 8/2020, nhưng tổng giải ngân 9 tháng năm 2020 vẫn thấp, chỉ đạt 30,4% so với dự toán được giao.

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ giải ngân đạt thấp chủ yếu là các dự án sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi của nước ngoài chịu sự tác động của đại dịch Covid-19 nặng nề hơn các dự án trong nước. Theo đó, các nhà thầu đều không huy động được nhân lực để thi công; máy móc, thiết bị phải nhập khẩu từ nước ngoài... Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị dự án chưa tốt, nhiều dự án phải điều chỉnh hiệp định vay, chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng, chưa xác định được nguồn vốn ODA cấp phát…

Từ nay đến cuối năm chỉ còn hơn 2 tháng, nhưng còn phải giải ngân 2/3 số vốn còn lại. Với số vốn còn lại của năm 2020, các địa phương cần phải cố gắng thực hiện. Vì vậy, theo đại diện Bộ Tài chính nếu các địa phương không có biện pháp quyết liệt, khó có thể hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao. Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị các bộ, ngành thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay. Đối với các vấn đề còn vướng, còn chưa rõ về chính sách, các bộ, ngành cần sớm có ý kiến với các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung phù hợp.

Sáng mai (29/10), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan, địa phương về tình hình thực hiện, giải ngân các chương trình, dự án ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Hội nghị sẽ đánh giá tiến độ thực hiện các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 242/TT-VPCP ngày 08/7/2020 và số 310/TB-VPCP ngày 27/8/2020 của Văn phòng Chính phủ và các văn bản điều hành khác của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Hội nghị cũng sẽ nhận diện, đánh giá những vướng mắc, nút thắt và chỉ ra một số nguyên nhân cụ thể ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, trong đó tập trung vào các nguyên nhân chủ quan, khách quan liên quan về thể chế, chính sách, quy trình, thủ tục về đầu tư công, quản lý tài chính, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp… Trên cơ sở đó, đề ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân các chương trình, dự án ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Nguồn tin: kinhtedothi.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   Hà Nội   Tài chính   chính sách   kiến nghị  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...