02/10/2020 6:10  
Sau nửa năm thực hiện gói hỗ trợ 62.000 tỉ để giúp người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn do Covid-19, nhiều mục giải ngân mới chỉ đạt tỷ lệ 1%, thậm chí 0%. Kết quả này đang đặt ra câu hỏi, một gói hỗ trợ thứ 2 nên hỗ trợ như thế nào và hỗ trợ cho ai?

Hỗ trợ Doanh nghiệp giải ngân bằng 0

Tháng 7, khi Việt Nam đang hứng khởi vì đợt Covid-19 thứ nhất đã lắng xuống, cả nước bắt tay vào phục hồi kinh tế với gói hỗ trợ 62.000 tỉ, chúng tôi có dịp trò chuyện với 1 doanh nghiệp (DN) xơ sợi tư nhân lớn tại Hà Nam. Vị phó tổng giám đốc trẻ dẫn chúng tôi đi tham quan phân xưởng đã có chút sinh khí nhờ tiếng máy móc ồn ã và cho biết DN đã phải chấp nhận 1 đơn hàng giá rẻ hơn 20% so với trước dịch, để giữ công nhân. “Lỗ cũng phải làm, vì nếu ngừng hẳn, thiệt hại sẽ lớn hơn nữa. Chúng tôi cần sống sót và hy vọng thị trường sẽ tốt hơn”, vị doanh nhân nói. Công nhân của anh là hàng nghìn người, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/người/tháng, gánh vác trách nhiệm an sinh rất lớn, và đang chật vật tồn tại, nhưng lại nằm ngoài tất cả các gói hỗ trợ.
“Các chính sách hỗ trợ DN, tôi thấy đài, báo, ti vi đưa suốt, nhưng DN mình thì lại chẳng ứng vào đâu. Cơ quan chức năng địa phương cũng không có hướng dẫn gì cụ thể. Chúng tôi tự tìm hiểu thì quá nhiều điều kiện, như phải dừng sản xuất hoàn toàn mới được hỗ trợ, chúng tôi lại vẫn có đơn hàng, dù lỗ; phải là DN dưới 200 lao động, chúng tôi lại hơn... Hỗ trợ hiệu quả nhất với chúng tôi, cho đến lúc này, là giảm 10% tiền điện. DN chúng tôi mỗi tháng hơn 10 tỉ tiền điện, được giảm 10% là con số tương đối trong lúc khó khăn này rồi”, vị này nói. “Vậy anh có kiến nghị gì về chính sách hỗ trợ cho thiết thực?”, chúng tôi hỏi. “Kéo dài thời gian giảm tiền điện cho đến khi dịch bệnh dừng vì nó là “tiền tươi, thóc thật”, anh trả lời.
DN này không phải trường hợp cá biệt. Cho đến nay giải ngân gói 16.000 tỉ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc cho người lao động (NLĐ) vẫn là 0%. Điều kiện quá ngặt nghèo, DN đủ tiêu chuẩn số lao động thì không có tiền trả tối thiểu 50% lương. DN trả tối thiểu 50% lương thì lại không chứng minh khó khăn về tài chính. Giám đốc một DN kinh doanh hàng xuất khẩu tại Hà Nội nói thẳng, quy định không cân đối đủ nguồn, sử dụng hết quỹ dự phòng thì không khác gì DN phá sản. Nếu đã phá sản thì chẳng ai cần vay vốn nữa. Chưa kể, vay vốn là quan hệ dân sự giữa người vay và ngân hàng, quy định lại bắt gửi hồ sơ lên UBND quận, huyện, sau đó lại gửi lên chủ tịch UBND tỉnh duyệt. “Vay vốn được thì người lao động và DN cũng hết hơi rồi”, ông nói.
Nguyên nhân của việc giải ngân chậm trễ, theo Bộ LĐ-TB-XH, lại do “một số DN còn vốn duy trì hoạt động, vẫn bố trí kinh phí và thỏa thuận trả lương giãn việc, ngừng việc cho NLĐ nên chưa có nhu cầu vay vốn để trả lương ngừng việc cho NLĐ”. Thế nhưng khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân vừa gửi Thủ tướng hôm 4.9 (với 349 DN và lãnh đạo 15 hiệp hội DN, đại diện cho 15.000 DN trong nước), 20% DN trả lời đã phải tạm ngưng hoạt động, 76% DN hiện không cân đối được thu chi; 2% DN đã giải thể và chỉ có 2% DN tạm thời chưa bị ảnh hưởng bởi đại dịch.
Sự chênh nhau về số liệu và đánh giá giữa cơ quan quản lý nhà nước là Bộ LĐ-TB-XH và khảo sát DN, có lẽ cũng phần nào trả lời được câu hỏi vì sao chính sách không đi vào cuộc sống.

Chỉ 1,59% người lao động được thụ hưởng gói hỗ trợ

Lao động mất việc - một lực lượng cần hỗ trợ nữa, giải ngân cũng không khá hơn. Đơn cử Hà Nam, cho đến tháng 7, trong 6 nhóm đối tượng được hỗ trợ, chỉ có nhóm thứ 5 giải ngân rất nhanh, là nhóm người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội (vốn có sẵn danh sách, không cần rà soát), cột “tiến độ giải ngân” của các nhóm còn lại là con số 0 tròn trĩnh. Có thể kể thêm Quảng Ngãi, cũng thời điểm tháng 7, ngoài 190 hộ kinh doanh, 13 người lao động bị chấm dứt hợp đồng không đủ điều kiện nhận trợ cấp thất nghiệp và 37 người không giao kết hợp đồng bị mất việc được hỗ trợ. Không có hộ kinh doanh và DN nào được thụ hưởng gì. Phú Yên cũng tương tự.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, tính đến ngày 3.9, các địa phương đã giải ngân được 17.500/62.000 tỉ đồng, thì 11.690 tỉ đồng là hỗ trợ cho người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, cận nghèo; tức là mới giải ngân được 28% gói hỗ trợ thì 67% số đó đã giải ngân cho đối tượng chính sách. Chỉ có 33% còn lại, tương đương khoảng 5.800 tỉ hỗ trợ tất cả đối tượng còn lại, thì ý nghĩa “cứu DN”, hỗ trợ người lao động, kích cầu thể hiện ở đâu?
Chính Bộ LĐ-TB-XH cũng phải thừa nhận, so với dự kiến ban đầu, số lượng đối tượng thụ hưởng của chính sách hỗ trợ người lao động còn ít. Đơn cử, NLĐ tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương tại DN được thụ hưởng là 15.909 người, trong khi dự kiến ban đầu là 1 triệu người, tức là đạt 1,59%; hộ kinh doanh chỉ có 23.000, trong khi dự kiến ban đầu là 760.000 hộ - tức bằng 3%.
“Rõ ràng gói 62.000 tỉ là để bảo vệ người dân và cũng là gói kích cầu, thì tại sao giải ngân chậm như vậy, có nhóm được 0,1%?”, ông Nguyễn Tiên Phong, chuyên gia về đói nghèo của UNDP, đặt câu hỏi, đồng thời cũng đưa ra lý giải. Theo ông, gói hỗ trợ lẽ ra phải là tiền tươi thóc thật, thì lại giao về ngân sách địa phương chi. Những tỉnh nghèo thu ngân sách ít, lại đang bị sức ép giảm chi, sẽ chẳng thắm thiết gì hỗ trợ, hướng dẫn các đối tượng thụ hưởng. “Trong các địa phương, tôi thấy mỗi TP.HCM muốn chi, bởi họ biết rằng chi cái này họ làm được 2 việc là giữ được lao động và kích cầu”, ông Phong nói. Lý do thứ 2 là quy định nhóm đối tượng ngặt nghèo với rất nhiều điều kiện, thủ tục phải rà soát, mà kinh nghiệm thế giới cho thấy, là bất khả, trong lúc khủng hoảng.
“Covid-19 tác động lên đói nghèo. Theo nghiên cứu dự báo của chúng tôi, chỉ riêng tháng 4 thôi, tỷ lệ nghèo tạm thời tăng lên rất kinh khủng. Nên điều này nếu không xử lý được kịp thời thì nghèo tạm thời sẽ trở thành nghèo bền vững”, ông Phong nhấn mạnh.

Phải có gói hỗ trợ thứ 2

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, cho rằng cần có báo cáo rà soát lại tất cả gói hỗ trợ và rất cần thiết phải có gói hỗ trợ đợt 2. Bởi lẽ, chúng ta không biết khi nào dịch bệnh được kiểm soát, nghĩa là Việt Nam phải xác định “sống chung với lũ” trong năm tới. Vắc xin thì Việt Nam xác định là phải đi sau, cuối 2021 may ra mới có. “Vậy thì, 2021 là một năm vô cùng quan trọng để khôi phục và phát triển nền kinh tế. Nói về sức chịu đựng của DN thì 8 tháng đầu năm nay, số DN phải tạm ngừng sản xuất kinh doanh tăng 71%, tức là qua 2 đợt Covid, DN đã khó khăn rồi, nếu đến đợt thứ 3, thứ 4, sẽ vượt quá sức chịu đựng của rất nhiều DN. Phải có gói đợt 2 là như vậy. Chúng tôi đang đề xuất gói thứ 2 quy mô tương đương 2 - 2,5% GDP và thời hạn của nó sẽ là hết 2021. Thâm hụt ngân sách sẽ tăng thêm 1 điểm %, chúng ta phải chấp nhận, bởi không bao giờ có việc thâm hụt ngân sách không tăng”, ông Cấn Văn Lực khuyến nghị.
Ông Nguyễn Tiên Phong cũng nhấn mạnh việc nhà nước phải tăng chi, nhưng ngoài tăng chi cho đầu tư công (mà chuyên gia khuyến nghị nên tập trung vào các dự án nhỏ có khả năng hoàn thành trong vòng 1 năm ở địa phương, vì nó sẽ tạo ra rất nhiều việc làm), thì hỗ trợ DN và hỗ trợ người mất việc sẽ phải thực chất.
“Việc cứu DN ở Việt Nam vướng nhiều hơn về quan điểm chứ không phải không có tiền. Quan điểm của chúng ta là tiền nhà nước không chi cho DN tư nhân. Nhưng chúng ta hãy nhìn các nước tư bản, kinh tế thị trường tồn tại nhiều năm như Đức, Mỹ, họ chi tiền để giữ nhân công. Tại sao họ làm được mà mình không làm được? Gói hỗ trợ DN là vô cùng cần”, ông Phong nêu quan điểm. Còn về hỗ trợ an sinh, ông Phong cho rằng nó không phải một gói đơn lẻ, một lần, mà khoản chi cho an sinh xã hội nên tăng vào các nhóm thụ hưởng đã được Chính phủ thông qua trong đề án Cải cách và phát triển trợ giúp xã hội, để tăng diện bao phủ, bảo vệ người dân và giải quyết được câu chuyện kích cầu.
PGS-TS Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhìn nhận: Ưu tiên hàng đầu là giữ được lực lượng DN bởi nếu không, hậu quả những năm sau là vô cùng nặng nề. Bởi vậy, gói hỗ trợ Covid-19 đợt 2 rất cần, nhưng không phải hỗ trợ trên trời như hiện nay.

Nguồn tin: thanhnien.vn


Chính phủ   Covid   Covid-19   HCM   Hà Nội   Kinh tế   Thủ tướng   Việt Nam   chuyên gia   chuyên gia tài chính   chính sách   cuộc sống   doanh nghiệp   doanh nhân   khủng hoảng   kiến nghị   lãnh đạo   phát triển   sản xuất   tập trung   đầu tư  


Bài viết liên quan


Loading…
Bấm để xem thêm ...